MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua bất tận giữa FPT Retail và TGDĐ: người làm trùm mảng bán lẻ di động, kẻ 'bứt tốc' như vũ bão cho đối thủ 'hít khói' mảng nhà thuốc

03-12-2022 - 10:11 AM | Thị trường

Cũng giống như trận chiến giữa Amazon và Walmart ở Mỹ, chiến trường của FPT và TGDĐ tại Việt Nam chưa bao giờ hết khốc liệt. Từng bị đánh giá là 'không có cửa' đua với Thế Giới Di Động ở mảng bán lẻ, FPT Retail đã bứt lên với Long Châu một cách ngoạn mục.

Cuối tháng 11/2022, FPT Retail thông báo hệ thống nhà thuốc Long Châu đã chính thức vượt mốc 1.000 nhà thuốc. Đây cũng là chuỗi nhà thuốc đầu tiên và duy nhất phủ khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Gần như trùng thời điểm, hệ thống nhà thuốc được xem là đối thủ trực tiếp của họ là An Khang thông báo "chốt sổ" ở 529 cửa hàng. Đây có thể xem là bước ngoặt trong cuộc đua mở nhà thuốc của 2 ông lớn bán lẻ luôn so kè với nhau trong từng hoạt động kinh doanh này.

Long Châu tạo bước ngoặt ở cuộc đua mở nhà thuốc

Mở nhà thuốc thứ 1.000, Long Châu đã vượt 125% (dự kiến mở mới 800 cửa hàng) kế hoạch đề ra trong hoạt động mở rộng quy mô hệ thống của cả năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, chuỗi Long Châu mang về 4.008 tỷ đồng doanh thu và 32,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, biên lợi nhuận trước thuế khoảng 0,8%. Bình quân mỗi ngày chuỗi nhà thuốc này thu về doanh số gần 22 tỷ đồng.

Cuộc đua bất tận giữa FPT Retail và TGDĐ: người làm trùm mảng bán lẻ di động, kẻ bứt tốc như vũ bão cho đối thủ hít  khói mảng nhà thuốc - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, doanh thu trên cửa hàng Long Châu để đạt được điểm hòa vốn sẽ phụ thuộc vào quy mô cửa hàng – vị trí đắc địa – tiền thuê mặt bằng; nên biên độ dao động rất lớn.

Có cửa hàng điểm hòa vốn là 500 triệu đồng/tháng, nhưng có cửa hàng phải tới 2 tỷ đồng/tháng. Trong hệ thống Long Châu, có những cửa hàng doanh số đến 10 tỷ đồng/tháng.

Trong quý 3/2022, doanh thu trung bình một cửa hàng Long Châu ở mức 1,1 tỷ đồng/tháng.

Ở phía đối diện, tính đến hết quý 3/2022, theo thành viên HĐQT Thế giới di động - ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết trong cuộc họp với nhà đầu tư vào ngày 24/11 vừa qua, chuỗi nhà thuốc An Khang hiện đang vận hành 529 nhà thuốc.

Ông Hiểu Em cho biết công ty sẽ giữ ở con số 529, vì thời điểm này, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn nên việc dừng lại là để phù hợp với tình hình thị trường.

Cuộc đua bất tận giữa FPT Retail và TGDĐ: người làm trùm mảng bán lẻ di động, kẻ bứt tốc như vũ bão cho đối thủ hít  khói mảng nhà thuốc - Ảnh 2.

Theo ông Hiểu Em, số lượng hơn 500 cửa hàng cũng là đủ lớn để có những hỗ trợ tốt nhất từ phía hãng hay chạy những chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Vì thế, Thế Giới Di Động cũng không cần phải nỗ lực tới 800 cửa hàng.

Hiện nay, doanh thu trung bình 1 cửa hàng An Khang là 350-400 triệu đồng. Nếu đạt doanh thu trung bình khoảng 450-500 triệu đồng cộng biên lợi nhuận gộp đang có là 22%, cùng với việc kiểm soát tốt như hiện tại thì doanh thu 500 triệu đồng là đạt hòa vốn và thậm chí có lời.

Trong năm 2023, An Khang dự kiến sẽ có mở rộng, nhưng sẽ lựa chọn thời điểm nào phù hợp. Ông Hiểu Em khẳng định, chắc chắn An Khang sẽ không chạy theo số lượng cụ thể mà các cửa hàng mở mới được mở ra một cách thận trọng, tập trung vào chất lượng, hiểu rõ mở ở đâu, mở thế nào đảm bảo lợi nhuận.

Với số lượng cửa hàng nhiều gấp đôi, phủ khắp các tỉnh tại nhiều vị trí đắc địa, doanh thu trên mỗi cửa hàng cũng gấp hơn 2 lần đối thủ, rõ ràng Long Châu đang nắm trong tay lợi thế lớn trong cuộc đua này.

Sự bứt lên mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc Long Châu với số lượng cửa hàng vượt trội lại khiến nhiều người nhớ về sự cạnh tranh trước đây của FPT Retail và TGDĐ ở mảng bán lẻ di động, nơi chứng kiến sự thống trị gần như tuyệt đối của TGDĐ.

Ông trùm bán lẻ di động TGDĐ

Với nhiều người, việc FPT Retail đặt quyết tâm rất lớn vào chuỗi hệ thống nhà thuốc Long Châu một phần là "nhờ" TGDĐ bởi đơn giản, họ không thể cạnh tranh với đối thủ này ở mảng di động.

Trong nhiều năm, hệ thống FPT Shop của FPT Retail luôn vững vàng ở vị trí nhà bán lẻ di động số 2 Việt Nam nhưng thị phần lại là câu chuyện khác.

TGDĐ với giai đoạn cao điểm có đến 1.300 cửa hàng (gồm cả chuỗi Điện Máy Xanh) chiếm đến 50% thị phần bán lẻ di động tại Việt Nam. FPT Shop, cùng nhiều hệ thống bán lẻ lớn khác cộng lại cũng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần và 20% còn lại thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động, việc một hệ thống chiếm đến 50% thị phần bán lẻ di động là điều hiếm gặp, chưa từng xuất hiện ở bất cứ thị trường nào. Nó cũng cho thấy sự thống trị tuyệt đối của TGDĐ ở "sân chơi" này.

Thậm chí, ở một "sân chơi" chuyên biệt hơn là mở cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm Apple, FPT Retail cũng tỏ ra thua sút so với đối thủ, dù là người đi trước.

Quay lại năm 2012, FPT Retail là đơn vị tiên phong trong việc mở cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple theo tiêu chuẩn của hãng tại Việt Nam. Cửa hàng F.Studio by FPT đầu tiên được khai trương vào tháng 9/2012.

Đến cuối năm 2017, trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu, lãnh đạo của FPT Retail cho biết sẽ mở 100 cửa hàng F.Studio vào năm 2020 vì thị trường Việt Nam đối với các sản phẩm của Apple rất tiềm năng. Nhưng đến thời điểm tháng 10/2021, sau 9 năm ròng rã, FPT Retail mới sở hữu 15 cửa hàng F.Studio.

Cuộc đua bất tận giữa FPT Retail và TGDĐ: người làm trùm mảng bán lẻ di động, kẻ bứt tốc như vũ bão cho đối thủ hít  khói mảng nhà thuốc - Ảnh 3.

Theo thông tin mới nhất, đến hết 2022, F.Studio by FPT sẽ mở rộng quy mô, nâng số lượng cửa hàng trên toàn quốc lên 50. Trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, FPT Retail đã ghi nhận doanh thu đạt 10.048 tỷ đồng đến từ 728 cửa hàng thuộc FPT Shop, tăng 31% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, phải gần 10 năm sau, TGDĐ mới "chân ướt chân ráo" gia nhập mảng này. Tháng 10/2021, TGDĐ ra mắt cửa hàng đầu tiên chỉ chuyên bày bán các sản phẩm của Apple, mang tên TopZone.

Tốc độ mở chuỗi của đơn vị này tăng nhanh một cách “chóng mặt” dù chưa đạt được kỳ vọng như mục tiêu được ban lãnh đạo đề ra. Cụ thể, thời điểm mới ra mắt vào cuối năm 2021, Thế Giới Di Động từng dự kiến sẽ mở tổng cộng 60 chuỗi cửa hàng TopZone cho tới hết quý I/2022. Tính đến hiện tại, TopZone đã mở 95 cửa hàng (trong đó có 2 cửa hàng APR) tại 35 tỉnh thành trên cả nước.

TGDĐ đặt mục tiêu sẽ mở tổng cộng 200 cửa hàng, thu về 1 tỷ USD doanh thu riêng dòng sản phẩm này, chiếm ít nhất 40% thị phần Apple tại Việt Nam.

Cuộc đua bất tận giữa FPT Retail và TGDĐ: người làm trùm mảng bán lẻ di động, kẻ bứt tốc như vũ bão cho đối thủ hít  khói mảng nhà thuốc - Ảnh 4.

"Sau khi có mặt trên thị trường, kể từ tháng 10/2021, mỗi cửa hàng TopZone mang về doanh thu trung bình 6-8 tỷ đồng/tháng đối với mô hình AAR và 10-15 tỷ đồng/tháng đối với mô hình APR", ông Hiểu Em chia sẻ

Kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm và 8 tháng đầu năm, TGDĐ cho hay doanh số của các chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy tăng lần lượt 63% và 118% so với cùng kỳ năm trước.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên