Cuộc đua của "tứ đại gia" ngân hàng Nhật Bản tại FE Credit, HDSaison, Mcredit và SHB Finance
Các công ty tài chính có thị phần lớn tại Việt Nam hiện nay
Cả 4 định chế tài chính hàng đầu Nhật Bản, SMFG - Mizuho – MUFG - Shinsei Bank, đều đã "tiến quân’’ vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Trước đó, 3 trong 4 gã khổng lồ này đã có riêng cho mình những khoản đầu tư chiến lược tại Eximbank, Vietcombank và VietinBank.
- 09-05-2021M&A lĩnh vực tài chính tiêu dùng “ấm” trở lại?
- 25-03-2021Thị trường cho vay tiêu dùng đang nằm trong tay 3 công ty tài chính lớn với hơn 80% thị phần
Cạnh tranh từ Nhật Bản đến Việt Nam
Mới đây, SHB đã khiến thị trường tài chính "dậy sóng" khi ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Giá trị thương vụ được phía Krungsri tiết lộ lên tới gần 156 triệu USD, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri trong thời gian tới và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Với sự tham gia của MUFG thông qua cánh tay nối dài Krungsri, cả 4 định chế tài chính hàng đầu Nhật Bản là SMFG - Mizuho – MUFG - Shinsei Bank đều đã "tiến quân" vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Trước đó vào cuối tháng 4, VPBank thông báo ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con trực thuộc tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG). Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD và VPBank dự kiến thu về khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng.
Vào năm 2017, MB cũng chuyển nhượng 49% vốn góp tại Mcredit cho Shinsei Bank và 1% cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành, thu về khoản lãi 615 tỉ đồng. Và trước đó, Mizuho đã nắm giữ 49% cổ phần của HD Finance (nay là HD Saison) thông qua Credit Saison từ năm 2014.
Có một điều ít người để ý là trước khi tung nguồn lực vào "mặt trận" tài chính tiêu dùng, 3 trong 4 gã khổng lồ này đều đã có riêng cho mình một khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, năm 2008, SMBC – thành viên của SMFG - mở đầu cuộc đua với việc chi 225 triệu USD để trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% cổ phần Eximbank - khi ấy là một trong những ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu của Việt Nam, bỏ xa những ngôi sao mới nổi như Techcombank, TPBank hay HDBank.
Chỉ sau đó 3 năm, Mizuho còn gây tiếng vang hơn khi bỏ ra 567,3 triệu USD để sở hữu 15% vốn Vietcombank - ngân hàng được đánh giá tốt nhất Việt Nam đến tận bây giờ.
Không kém cạnh, cuối năm 2012, MUFG đã mua 20% vốn của VietinBank với mức giá lên tới 743 triệu USD. Hiện, tỷ lệ sở hữu của MUFG đã giảm xuống 19,73% sau các đợt phát hành cổ phiếu của VietinBank, song nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vẫn là cổ đông lớn thứ hai tại ngân hàng này sau cổ đông Nhà nước.
Như vậy, "cuộc đua tứ mã" giữa các siêu ngân hàng này đã vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, lan đến cả thị trường tài chính Việt Nam.
Vì sao các ‘’megabank" Nhật Bản chuyển hướng sang mảng tài chính tiêu dùng?
Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Sự hấp dẫn này được thể hiện rất rõ khi cả SMFG và MUFG đều mạnh tay rót vốn vào các công ty tài chính Việt bất chấp dấu hiệu chững lại của phân khúc này trong giai đoạn xảy ra đại dịch hiện nay.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản tăng tốc tham gia thị trường Việt Nam một phần đến từ môi trường lãi suất siêu thấp tại ‘đất nước mặt trời mọc’. Xu hướng này đã bắt đầu từ hàng thập kỷ trước, khi Nhật Bản lâm vào tình trạng giảm phát, nền kinh tế trì trệ. Khi đó, dòng vốn từ Nhật Bản đã tràn ra khắp thế giới, tìm đến những miền đất màu mỡ như Việt Nam.
Trong khi đó, quy định của Việt Nam không cho phép một tập đoàn tài chính nước ngoài là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa, sau khi rót vốn vào Eximbank, Vietcombank và VietinBank, cơ hội để trở thành cổ chiến lược tại các ngân hàng khác của SMFG - Mizuho – MUFG đã không còn. Quy định này buộc các đại gia Nhật Bản tìm đến các công ty tài chính như một phương án thay thế; hoặc phải ‘’buông bỏ’’ đối tác cũ như SMFG có thể tiến hành tại Eximbank trong thời gian tới.
Ở phía ngược lại, ngân hàng Nhật Bản cũng là đối tượng ưa thích của các ông chủ công ty tài chính Việt Nam do sự tương đồng về văn hóa, triết lý kinh doanh cũng như lợi ích mà đối tác chiến lược mang lại.
Còn nhớ trong thông cáo phát đi sau buổi ký kết, VPBank cho biết FE Credit sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF – công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản. Đồng thời, giao dịch này sẽ bổ sung nguồn vốn lớn cho VPBank, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.
Trước đó, lãnh đạo MB cũng từng chia sẻ việc lựa chọn Shinsei Bank là đối tác liên doanh vì nhận thấy triết lý kinh doanh của của tập đoàn này có nhiều điểm khá tương đồng với MB. Thêm vào đó, tính kỷ luật, tin cậy và uy tín là phẩm chất đặc trưng của người Nhật cũng rất phù hợp với các giá trị cốt lõi của MB.
Thực tế, nhờ sự hỗ trợ của các cổ đông chiến lược Nhật Bản, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính đều chuyển biến rõ rệt.
Với sự tham gia của thành viên Mizuho, lợi nhuận sau thuế của HD Saison đã tăng gấp 3,5 lần trong 4 năm, từ mức 236 tỷ đồng năm 2015 lên mức 831 tỷ đồng năm 2019. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020, lãi sau thế của HD Saison vẫn tiếp tục duy trì ở mức 796 tỷ đồng. Tương tự, ngay sau khi có đối tác chiến lược Nhật Bản, lợi nhuận và quy mô của Mcredit đã tăng trưởng hơn 200% trong năm 2018, đồng thời là công ty tài chính hiếm hoi đi ngược lại xu hướng chung của toàn ngành khi lợi nhuận năm 2020 vẫn tăng mạnh tới 77%, đạt 320 tỷ đồng.