MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua gay cấn nhất thập kỷ định đoạt vận mệnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu

03-10-2021 - 15:31 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc đua gay cấn nhất thập kỷ định đoạt vận mệnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu

Rất trớ trêu là một đảng nhỏ nhất lại đóng vai trò chính hoặc thậm chí là quyết định trong việc tạo ra liên minh trong tương lai.

Ngày 26/9/2021, cuộc bầu cử Quốc hội (Bundestag) đã diễn ra tại Cộng hoà Liên bang Đức. Đây là một cuộc bầu cử đầy ấn tượng để chọn ra người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel sau 16 năm tại vị và quyết định tương lai chính trị của đất nước trong 4 năm tới, bắt đầu một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Do đại dịch COVID-19, người Đức có thể đến bầu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu qua bưu điện. Có tới 60% cử tri đã bỏ phiếu qua bưu điện. Bà Angela Merkel đã bỏ phiếu qua bưu điện. Trong khi đó Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đến tận nơi bỏ phiếu.

Cuộc đua gay cấn nhất

Theo kết quả được Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) công bố, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về đầu với 25,7% số phiếu - 206 ghế, phe bảo thủ gồm Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đứng thứ hai 24,1% - 196 ghế, đảng Xanh về thứ ba 14,8% - 118 ghế, đảng Dân chủ tự do (FDP) đứng thứ tư 11,5% - 92 ghế, đảng Thay thế cho nước Đức (AfD) đứng thứ năm 10,3% - 83 ghế, đảng Cánh tả 4,9% lập khối với 3 đảng nhỏ khác được 39 ghế. FEC cho biết số đại biểu Quốc hội mới của Đức tăng từ 709 lên 734.

Cuộc đua gay cấn nhất thập kỷ định đoạt vận mệnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Ảnh 1.

Bầu cử lần này có 49 đảng tham gia, nhiều nhất từ trước tới nay. Đảng SPD giành được thắng lợi sít sao so với SDU/CSU với tỷ lệ chênh lệch chỉ 1,7%. Đây là cuộc đua gay cấn nhất kể từ năm 2002, khi đó cả SPD và CDU/CSU đều giành được kết quả ngang nhau 38,5% số phiếu. Đáng lưu ý, đảng Xanh lần đầu tiên giành được số phiếu 14,8%, cao nhất từ trước tới nay.

Chỉ có sáu đảng đủ phiếu vào Quốc hội gồm SPD, khối CDU/CSU, đảng Xanh, FDP, AfD và đảng Cánh tả. Theo Hiến pháp Liên bang Đức, các đại biểu sau khi chiếm đa số trong Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng.

Nguyên nhân khiến đảng của bà Merkel thất bại

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, Liên minh Xã hội Dân chủ và Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã thất bại trước đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Mất gần một nửa số phiếu bầu, đây là kết quả tồi tệ nhất của CDU/CSU kể từ khi nước Đức thống nhất năm 1990 đến nay. Trước đây, khối này chưa bao giờ đạt được dưới 30% số phiếu bầu. Trong bầu cử năm 2017, đảng này đã giành được 32,8%.

Việc bà A. Merkel thất cử đã được dự đoán từ trước. Bốn nhiệm kỳ liên tiếp với 16 năm cầm quyền là quá lâu, người Đức muốn có sự thay đổi. Nhiều cử tri Đức vẫn yêu mến A. Merkel, nhưng tỏ ra mệt mỏi với đảng của bà. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, 80% người Đức cho rằng bà là một thủ tướng giỏi, nhưng nội bộ đảng khủng hoảng về cơ cấu. Đồng thời, những người theo chủ nghĩa dân túy nổi lên cách đây 5 năm, bây giờ đã không còn được ủng hộ.

Alexander Kamkin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Đức thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga nói, thất bại của CDU/CSU là hậu quả chính sách nhân sự của Thủ tướng A. Merkel. Bà Merkel đã liên tục loại bỏ khỏi bộ máy lãnh đạo cao nhất của đảng các chính trị gia sáng giá và đưa những các nhân vật thiếu năng lực như Ursula von der Leyen và Annegret Kramp-Karrenbauer vào các vị trí chủ chốt. Cử tri đã không tin vào các chính trị gia vẫn nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của bà A. Merkel. Điều này là một trong những nguyên nhân CDU/CSU mất đi sự ủng hộ của cử tri.

Cuộc đua gay cấn nhất thập kỷ định đoạt vận mệnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Ảnh 2.

Theo A. Kamkin, sai lầm chiến lược thứ hai của bà A. Merkel là đánh mất bản sắc chính trị của CDU, biến một đảng bảo thủ của cánh hữu ôn hòa thành một đảng có vai trò mờ nhạt khi tìm cách bắt chước các tiến trình chính trị trong cạnh tranh với các đối thủ. Trên thực tế, CDU đã trở thành một lực lượng chính trị hoàn toàn vô danh, không rõ nó đại diện cho lợi ích của ai.

Hai yếu tố này đã dẫn đến sự mất hứng thú của cử tri. Ngoài ra, việc mở cửa biên giới cho người tị nạn, cuộc khủng hoảng di cư cũng như các biện pháp kiểm dịch và hạn chế hết sức khắc nghiệt liên quan đến đại dịch COVID-19 đã gây ra sự bất bình và phản đối ngày càng tăng trong xã hội Đức.

Những hạn chế khắc nghiệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại sự phát triển kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này đã đòi nhà nước giúp đỡ và hỗ trợ nhiều hơn, nhưng không được quan tâm đầy đủ.

Trên bình diện quốc tế, tình hình ở Liên minh châu Âu (EU) khá khó khăn. Là quốc gia đầu tàu kinh tế của EU, phải đưa ra các quyết sách về các vấn đề về tài chính, điều chỉnh các mối quan hệ... nhưng không phải lúc nào Berlin cũng làm tốt được điều này, kết quả là vai trò của của Đức bị suy giảm.

Cuối cùng, một thế hệ trẻ lớn lên ở Đức có những quan điểm, yêu cầu và mong muốn mới mà khối CDU/CSU bảo thủ không đáp ứng được. Trong khi đó, đảng SPD đã xây dựng thành công chiến dịch bầu cử của họ. Họ đã quan tâm đến nguyện vọng của xã hội, các biện pháp chống đại dịch COVID-19, tình trạng di cư bất hợp pháp... tranh thủ được sự ủng hộ của một bộ phận lớn trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Người kế nhiệm Merkel

Đến nay, vẫn không thể biết được ai sẽ trở thành Thủ tướng mới thay thế bà A. Merkel. Điều chắc chắn là Liên minh CDU/CSU sẽ không thể tiếp tục hợp tác với nhau để thành lập chính phủ liên hiệp vì cử tri không muốn. Do không đảng nào giành được đa số phiếu áp đảo, SPD sẽ phải liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ. Các cuộc đàm phán về liên minh hoàn toàn không dễ dàng, có thể sẽ kéo dài hàng tuần nếu không muốn nói là hàng tháng.

Ba ứng cử viên sáng giá nhất đại diện cho ba đảng giành số phiếu cao nhất sẽ tranh giành chức Thủ tướng là Armin Laschet thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU), Olaf Schulz của đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) và Annallina Barbock của đảng Xanh.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chỉ có hai lựa chọn. Một là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) phải tìm ra tiếng nói chung với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) để Olaf Scholz làm Thủ tướng. Hai là Armin Laschet thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) để trở thành Thủ tướng.

Cuộc đua gay cấn nhất thập kỷ định đoạt vận mệnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Ảnh 3.

Rất trớ trêu là một đảng nhỏ nhất lại đóng vai trò chính hoặc thậm chí là quyết định trong việc tạo ra liên minh trong tương lai. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đứng thứ tư, nhưng họ sẽ quyết định liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) hay với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Olaf Sholz. Không nhất thiết đảng nào giành được nhiều phiếu nhất thì sẽ thành lập chính phủ. Trong các cuộc bầu cử năm 1969, 1976 và 1980, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), mặc dù về vị trí thứ hai nhưng vẫn đứng đầu chính phủ do thành lập được một liên minh đa số trong Quốc hội.

Đảng Dân chủ Tự do (FDP) là một đảng trung hữu, đặc biệt là quan điểm về các vấn đề kinh tế, chính sách đối ngoại và tài chính, gần với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) hơn là với những người cánh tả và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Vì vậy, các nhà quan sát dự đoán nhiều khả năng Armin Laschet, thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ giành được ghế Thủ tướng thông qua các cuộc đàm phán sắp tới.

Olaf Scholz, ứng cử viên của đảng SPD tuyên bố, đảng của ông đã giành được thắng lợi lớn và tin rằng ông sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, SPD không dễ gì thành lập được một liên minh trong Quốc hội mới. Trong khi đó, phe bảo thủ CDU/CSU cho biết, bất chấp thất bại cay đắng trong bầu cử vừa qua, họ sẽ thành lập một liên minh trong Quốc hội để chống lại tham vọng của SPD. Cả hai phía đều cho biết sẽ thành lập một liên minh trước lễ Giáng sinh.

Đảng Xanh giành được 14,8% số phiếu bầu. Đây là tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Xanh cao nhất từ ​​trước đến nay, đứng thứ ba trong Quốc hội. Điều này có nghĩa là người đứng đầu đảng Xanh có thể sẽ là Thủ tướng trong chính phủ liên minh tiếp theo của Đức.

Thành viên nghị viện châu Âu (MEP), đại diện đảng Xanh Rasmus Andresen nói, sẽ tham gia liên minh với điều kiện chính phủ mới là một chính phủ thân thiện với khí hậu. Ông cho biết thêm, đảng của ông muốn liên minh vớ SPD hơn là với CDU. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng Xanh có khả năng sẽ giành vị trí đầu tiên trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới ở Berlin.

Nhiều khả năng chính phủ mới của Đức phải đến cuối tháng 10 mới được thành lập. Điều này có nghĩa là nhiều khả năng bà Merkel vẫn sẽ đại diện cho Đức dự hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến được tổ chức tại Roma 30-31/10/2021.. Dù bất cứ nhân vật nào lên làm người đứng đầu chính phủ mới cũng không thể bỏ qua được di sản của bà A. Merkel trong việc giữ vững sự ổn định trong nước, phát huy vai trò đầu tàu của châu Âu và vị thế của nước Đức với tư cách nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại


Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên