Cuộc đua giành quyền quản lý hơn 450 tỷ USD tiền thừa kế mỗi năm ở ngân hàng Nhật
Ước tính mỗi năm trung bình khoảng 50 nghìn tỷ yên tương đương khoảng 460 tỷ USD tài sản tài chính được chuyển sang những người thừa kế tại Nhật.
"Có chí thì nên", hẳn các ngân hàng Nhật đang rất tin tưởng vào câu nói này khi họ cố gắng để được giữ số tiền 460 tỷ USD mà khách hàng đã qua đời của họ để lại trong két của ngân hàng họ.
Mỗi năm tại Nhật có đến hơn 1 triệu người qua đời, nhóm các ngân hàng nhỏ không chỉ mất khách hàng mà còn mất luôn cả số tiền tiết kiệm mà khách gửi vào bởi những người thừa kế chuyển đến sinh sống ở những thành phố lớn nơi các ngân hàng cho vay lớn nắm thị phần.
Các ngân hàng vùng của Nhật mất khoảng 60% nguồn quỹ có chịu thừa kế, theo tính toán của Fidelity Investor Education Institute.
Giờ đây, tại một đất nước mà khoảng 25% dân số hơn tuổi 65, các ngân hàng địa phương trong đó có ngân hàng tỉnh Mie đang tìm đến loại công cụ để giúp duy trì khách hàng và tiền gửi của thế hệ tiếp theo.
Họ đang bán ra sản phẩm tài chính mới có tên tín thác thừa kế thay thế giúp nhanh chóng giữ lại tiền của khách hàng khi người chủ qua đời. Việc đưa ra sản phẩm đó giúp cho ngân hàng xây dựng được mối quan hệ với những người thừa kế.
“Khi một khách hàng qua đời và sau đó đến kế hoạch chuyển giao tài sản, thường con trai hoặc con gái của người thừa kế sẽ sống ở Tokyo hoặc quanh đây, và chính vì lý do này tiền gửi của chúng tôi thường chảy về những thành phố lớn”, quản lý tại ngân hàng Mie miền Tây nước Nhật, ông Kazuhito Wakiuchi, cho biết.
Ngân hàng này có kế hoạch cùng với ngân hàng Mizuho đưa sản phẩm ra thị trường. Ngân hàng Mizuho hiện là ngân hàng lớn thứ 3 tại Nhật.
Họ đã bắt đầu đưa ra sản phẩm tín thác kiểu như vậy từ khoảng một thập kỷ trước đây, cho đến nay, khoảng hơn 150 nghìn sản phẩm vẫn đang được duy trì, theo số liệu từ Hiệp hội Công ty Tín thác Nhật.
Sản phẩm này ngày một trở nên phổ biến bởi nó giúp cho những người thừa kế ngay lập tức trang trải được chi phí mai táng cha mẹ, và những người làm chủ tài sản có thể lựa chọn giải ngân tiền thừa kế cho con 1 lần hoặc dần theo thời gian mà họ mong muốn.
Việc tăng cường hoạt động với mảng thừa kế giúp cho ngân hàng giảm phụ thuộc vào thu nhập từ hoạt động tín dụng vốn đang đi xuống khi Nhật hạ lãi suất xuống mức gần 0% ăn mòn vào biên lợi nhuận của các ngân hàng, theo phân tích của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch.
Cạnh tranh trong mảng tín dụng tăng cao, cơ quan quản lý ngành ngân hàng không ngừng hối thúc các ngân hàng tìm cách khác để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh.
Tính toán của Viện Fidelity Investor Education cho thấy ước tính mỗi năm trung bình khoảng 50 nghìn tỷ yên tương đương khoảng 460 tỷ USD tài sản tài chính được chuyển sang những người thừa kế tại Nhật. Con số này được ước tính sẽ tăng lên khi mà số người chết hàng năm được dự báo sẽ tăng nhanh hơn trong 2 thập kỷ tới.
Phần lớn tài sản thừa kế đều là tài sản lớn bởi Nhật có số lượng triệu phú cao nhất thế giới, tổng tài sản dồn tích ước khoảng 7 nghìn tỷ USD, theo Capgemini.
Dù kế hoạch thừa kế đang giúp cho các ngân hàng địa phương hình thành nên quan hệ với người thừa kế của khách hàng, không lấy gì đảm bảo họ được phép giữ tài sản của người thừa kế. Lý do đơn giản là bởi chỉ khoảng 20% trong tổng số ngân hàng cho vay ở Nhật được phép quản lý tín thác, còn lại phần lớn phải bán sản phẩm của các ngân hàng lớn.
Ước tính khoảng 40 nghìn tỷ yên tài sản tài chính của các hộ gia đình sẽ chảy ra khỏi các khu vực (không tính đến Tokyo hay Osaka) trong 2 thập kỷ tới, theo tính toán của Sumitomo Mitsui Trust Holdings. Khu vực Tokyo và phụ cận ước tính sẽ hút được phần lớn lượng tiền này, ước khoảng 30 nghìn tỷ yên.
Chính vì vậy, ngân hàng Mie đã quyết định sẽ phải làm việc với Mizuho, ngân hàng mà trong năm ngoái đã phát triển ra một sản phẩm tín thác giúp cho phần tiền dành cho thừa kế sẽ vẫn thuộc quản lý của ngân hàng khu vực.
BizLIVE