Cuộc đua khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc ở nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới
Cuộc chiến giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra trên khắp Châu Phi và sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh đang gây “phiền phức” cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây.
- 29-08-2019Châu Phi đang bị thiêu đốt, số vụ cháy rừng nhiều gấp 5 lần ở Amazon
- 22-08-2019Mauritius - "Singapore của châu Phi": Thiên đường thuế, cấp phép mở công ty trong 2h, mua đất chỉ mất 2 ngày, GDP đầu người tăng 13 lần sau 40 năm
- 07-01-2019Châu Phi lo chìm trong "biển nợ Trung Quốc"
Châu Phi đã trở thành khu vực đô thị hóa nhanh nhất trên hành tinh, có 7 trong số 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2017, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Tại đây, Trung Quốc đang ở vị trí tiên phong về xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm củng cố sự hội nhập và thương mại giữa các quốc gia Châu Phi theo Hiệp định thương mại tự do lục địa Châu Phi (AfCFTA). AfCFTA dự định sẽ tập hợp tất cả 55 quốc gia thành viên Liên minh Châu Phi vào khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 1,2 tỷ người.
Thương mại Mỹ - Châu Phi đã giảm trong những năm gần đây, trong khi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi. Từ năm 2002 đến 2008, sau khi ký Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi (AGOA) - miễn thuế cho 6.500 sản phẩm cho các quốc gia phía nam Sahara đủ điều kiện, thương mại giữa Mỹ và Châu Phi đã tăng lên 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, tổng giá trị thương mại Châu Phi - Mỹ năm 2017 chỉ đạt 39 tỷ USD, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Phi sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu, theo số liệu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ - USAID tổng hợp.
Giá trị thương mại Trung Quốc - Châu Phi năm 2017 là 148 tỷ USD, giảm từ mức cao 215 tỷ USD năm 2014. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc - Châu Phi là 101,86 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị đầu tư và xây dựng của Trung Quốc ở Châu Phi khoảng 2 nghìn tỷ USD kể từ năm 2005, theo Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI).
Trung Quốc gần đây đã ra mắt quỹ cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá 1 tỷ USD cho Châu Phi, xây dựng các cảng, đường bộ và đường sắt; năm ngoái đã cung cấp gói viện trợ Châu Phi trị giá 60 tỷ USD, tiếp tục củng cố ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ.
Ông Tibor Nagy, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Châu Phi, đã tìm cách giải quyết vấn đề này và khôi phục ảnh hưởng ở Châu Phi - nơi Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Pháp, không phải đối mặt với sự cạnh tranh thực sự về ảnh hưởng chính trị hoặc kinh tế trong những thập kỷ gần đây.
Không riêng với Mỹ, thương mại giữa Châu Phi và hầu hết các nước châu Âu đã giảm từ năm 2010 đến 2017, theo ông Judd Devermont, giám đốc Chương trình Châu Phi tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế.
Ngoại trừ Trung Quốc, vùng Châu Phi phía nam Sahara chỉ tăng đáng kể thương mại với các đối tác nước ngoài mới hoặc đang hồi sinh, bao gồm Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Ông Devermont cho biết Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ, với thẩm quyền vốn chủ sở hữu và vốn đầu tư cao hơn, sẽ giúp xúc tác cho khu vực tư nhân của Mỹ, trong khi các sáng kiến như Thịnh vượng Châu Phi sẽ hiện đại hóa và điều phối các nguồn lực của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ cần phải thuyết phục được các công ty Mỹ vẫn còn lúng túng, hoài nghi hoặc không hiểu biết về đầu tư vào khu vực này, ông Devermont nói thêm. Đặc biệt, cần xác định và thúc đẩy các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ có lợi thế cạnh tranh.
Cuộc cạnh tranh đang diễn ra
Ông Devermont cũng lưu ý rằng có một số mặt tích cực đối với sự thống trị của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, các dự án của Trung Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào mạng lưới giao thông để vận chuyển hàng hóa và tiếp cận người tiêu dùng ở các quốc gia có mật độ đường sắt và đường bộ thấp nhất trên thế giới này.
Tuy nhiên, ông cho rằng các công ty Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào luật tham nhũng và môi trường và luật lao động khi làm việc với các chính phủ Châu Phi lại ít quan tâm đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra còn có một rủi ro là các dự án và tài trợ của Trung Quốc sẽ ngăn các công ty nước ngoài khác cạnh tranh trong các cơ hội thương mại tiếp theo, áp đặt bó buộc lên các chính phủ Châu Phi chỉ hợp tác làm ăn với các công ty Trung Quốc, ông Devermont nói thêm.
Mặt tiêu cực khác của đầu tư Trung Quốc có thể kể đến những trường hợp phân biệt chủng tộc tại các công ty Trung Quốc hoạt động ở Kenya.
Bắc Kinh cũng bị cáo buộc làm tăng thêm gánh nặng cho các nước đang phát triển ở Châu Phi với khoản nợ khổng lồ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường - dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ với kế hoạch xây dựng đường sắt, đường bộ, đường biển và các tuyến đường khác trên khắp Trung Quốc, Trung Á, Châu Phi và Châu Âu.
Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong các khoản cho vay khiến gánh nặng nợ đối với các quốc gia nhận có thể bị bóp méo, gây ra những vấn đề tiềm ẩn cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Devermont, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra ở Châu Phi sẽ không đem lại lợi thế cho riêng Bắc Kinh, Washington hay Châu Phi.
"Cho đến thời điểm hiện tại, các công ty của Mỹ và Trung Quốc đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và họ đại diện cho các mô hình khác nhau để phát triển kinh tế." Nói chung, những người Châu Phi sẽ chào đón sự chú ý ngày càng tăng miễn là mỗi bên không phạm vào nguyên tắc của nhau, ông Devermont nói.
Một lý do chính cho sự sụt giảm trong thương mại Mỹ - Châu Phi là sự thay đổi trong nhu cầu năng lượng của Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2008, Mỹ đã nhập khẩu 99,5 tỷ USD dầu khí từ lục địa này. Năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 17,6 tỷ USD.
Một nguyên nhân là giá thấp hơn, nhưng phần lớn là do Mỹ tự sản xuất dầu thô thay vì nhập khẩu từ Nigeria và Angola. Nếu sản xuất năng lượng nội địa của Mỹ vẫn mạnh, xu hướng này rất khó đảo ngược, ông John Ashbourne, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics nói.
Về xuất khẩu của Mỹ sang Châu Phi, ông cho biết thách thức chính là chi phí tương đối cao của các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như ô tô, máy móc và máy bay (so với hàng hóa Trung Quốc) đối với mức thu nhập đa dạng của người dân Châu Phi.