MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua vào siêu dự án Bình Quới-Thanh Đa đang quyết liệt, 5 "ông lớn" địa ốc quan tâm, sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD

05-03-2019 - 14:02 PM | Bất động sản

Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) đã từng được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Emaar rút lùi, siêu dự án này đang được TP.HCM cho đấu thầu công khai.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội TPHCM tháng 2 và nhiệm vụ tháng 3/2019 diễn ra sáng nay (5/3), ông Hoan Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết đối với các dự án lớn, có vị trí đắc địa của thành phố hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Riêng đối với dự án Bình Quới - Thanh Đa đến nay có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD.

Các nhà đầu tư đã đưa ra những điều kiện thể hiện trách nhiệm với TP.HCM muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án trên. Tuy nhiên cũng đưa ra những yêu cầu của TP.HCM đối với nhà đầu tư nếu trúng thầu, như thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng…

Về công tác chuẩn bị, hiện nay TP.HCM đang rà soát lại quy hoạch toàn bộ dự án và tiến hành nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp thực tiễn, điều chỉnh lại ranh dự án, tạo điều kiện cho người dân nằm ngoài ranh dự án phát triển theo quy hoạch đã được duyệt. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư … Hy vọng việc tổ chức đấu thầu sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất.

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426 ha được quy hoạch xây dựng thành công trình với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 - 50.000 người.

Tổng mức đầu tư ban đầu cho 2 hạng mục của dự án ước tính 29.900 tỷ đồng (1,35 tỷ USD), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn tổng mức đầu tư với ước tính 22.700 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 7.200 tỷ đồng (chưa tính đến toàn bộ tiền đầu tư xây dựng khu đô thị) và dự kiến hoàn thành vào năm 2032.

Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng .

Sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco "ôm" dự án này và thành phố có văn bản xin ý kiến Thủ tướng. Mới đây, TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương an tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư mới. Theo tìm hiểu, hiện nay cũng đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ năng lực và văn bản xin tham gia đấu thầu đầu tư vào dự án này.

UBND TP.HCM cũng lưu ý báo cáo cần phải nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư (tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm).

Trong thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, Thường trực UBND TP.HCM cũng giao UBND quận Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP về các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân khu vực dự án.

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án.

Cuộc đua vào siêu dự án Bình Quới-Thanh Đa đang quyết liệt, 5 ông lớn địa ốc quan tâm, sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, muốn dự án nhanh chóng đi vào hoạt động phải tháo gỡ từng khó khăn mà khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng, thỏa thuận bồi thường cho dân càng lâu thì dự án càng chậm.

"Dự án này rộng hơn 400ha, một khu vực quy hoạch đô thị duy nhất tại khu trung tâm TP.HCM còn sót lại hiện nay nên nhiều nhà đầu tư đều muốn rót vốn thực hiện. Thành phố đã quá chậm trễ thực hiện dự án này suốt 26 năm qua, người dân tiếp tục sống khổ do đi không được mà ở lại cũng không xong. Vấn đề là thành phố cần làm nhanh đầu bài sao cho phù hợp với tình hình thực tế để đẩy nhanh quá trình này", ông Châu cho biết.

Theo ông Châu, các nhà đầu tư luôn đặt ra 2 vấn đề khi tham gia đấu thầu: Khi nào TP.HCM giao mặt bằng sạch và mức giá đền bù là bao nhiêu để họ xây dựng tính khả thi dự án nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Hiện nay, TP.HCM cũng đang nghiên cứu mô hình chỉ định thầu của Hà Nội từ đó sẽ xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư tối ưu nhất."

Về việc giảm thời gian đền bù, tái định cư, chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết một giải pháp duy nhất là phải thực hiện đền bù theo cơ chế giá thị trường. Thành phố nên đi theo hướng cho nhà đầu tư xây một khu nhà ở thương mại trong chính dự án để tái định cư tại chỗ, người dân được hỗ trợ 50% giá trị căn nhà đó".

"Theo quy định của luật nhà ở, đối với những dự án có diện tích từ 10ha trở lên thì các nhà đầu tư phải dành 20% quy đất để làm nhà ở xã hội. Cho nên câu chuyện tái định cư người dân tại chỗ trong khu Bình Quới - Thanh Đa nếu thực hiện theo cách trên là hoàn toàn đúng đắn nhất. Chỉ bằng phương thức này thì chúng ta mới tránh được bài học của Thủ Thiêm trước đây, và người dân dễ chấp nhận vì phù hợp với các quy định của pháp luật và tính đạo lý cao. Tôi rất ủng hộ cách làm tái định cư 100% người dân tại chỗ bằng nền nhà hay căn hộ tái định cư với những hỗ trợ tối đa từ phía các nhà đầu tư", ông Châu cho hay.

Cũng theo ông Châu, khi làm các dự án BĐS quy mô lớn, lợi ích giữa các chủ đầu tư và người dân được đảm bảo một cách hài hòa sẽ không dẫn đến những xung đột, khiếu kiện không mong muốn, giúp rút ngắn rất nhiều tiến độ thực hiện dự án.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên