Cuộc khủng hoảng mới của thị trường năng lượng: Thiếu tàu chở dầu
Một mùa đông khắc nghiệt đang chờ đợi cả thế giới.
- 15-09-2022Chưa hết khủng hoảng do bão giá và nguồn cung, thị trường dầu thô thêm mối lo ngại
- 15-09-2022Bủa vây giữa rủi ro suy thoái, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn là điểm tựa cho giá dầu thô
- 15-09-2022Thị trường ngày 15/9: Giá dầu tăng 1% trong khi vàng, đồng, nhôm, sắt thép, cà phê… đồng loạt giảm
Trong giai đoạn thị trường khủng hoảng năng lượng tầm trọng; dầu, khí đốt liên tục được nhắc đến nhưng có một khía cạnh đang có xu hướng bị bỏ qua: thứ để vận chuyển các nguồn năng lượng quan trọng đó.
Nhu cầu đối với tàu chở dầu đã tăng lên kể từ khi Liên minh châu Âu áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga vào mùa xuân và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi lệnh cấm vận này chính thức có hiệu lực.
Bloomberg đưa tin trong tuần này rằng các công ty vận tải biển đang tranh giành để có được càng nhiều tàu chở dầu càng tốt trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực vào tháng 12 đối với dầu thô và 2 tháng sau đó với các loại nhiên liệu khác.
Báo cáo lưu ý rằng tàu chở dầu đặc biệt cầng thiết để tiếp tục vận chuyển dầu và nhiên liệu của Nga theo các hướng khác, không phải châu Âu vì EU sẽ không mua dầu nữa.
Phản ứng của EU trước cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến thị trường tàu chở dầu dậy sóng, cùng với đó là chi phí vận chuyển đường biển.
Kể từ ngày 24/2, nhu cầu với tàu chở dầu đã tăng vọt và có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, Tor Svelland của Svelland Capital nói với CNBC hồi tháng 8.
Rất ít tàu chở dầu mới được chế tạo trong vài năm qua và điều này không thể được cải thiện trong một sớm một chiều. Nguồn cung dầu tàu có thể tiếp tục eo hẹp, đẩy chi phí vận chuyển dầu và nhiên liệu lên cao hơn.
Đầu tháng 8, Bloomberg cho rằng thị trường tàu chở dầu toàn cầu đang chứng kiến nhu cầu mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ. Trích dẫn dữ liệu từ Clarkson Research Service, báo cáo cho biết lợi nhuận trung bình mỗi ngày cho một tàu chở sản phẩm dầu trong 14 tuần tính đến ngày 8/8 đã vượt 40.000 USD, mức cao nhất kể từ năm 1997.
Lợi nhuận trung bình của một tàu chở dầu đã vượt mốc 40.000 USD trong 14 tuần liên tiếp.
Hiện tại, con số này có thể còn cao hơn và tiếp tục tăng khi nhu cầu về nhiên liệu vượt xa nguồn cung trong những tháng tới. Thị trường nhiên liệu vốn đã eo hẹp nhưng với việc lệnh cấm vận của EU với Nga có hiệu lực, nó sẽ càng trở nên chặt chẽ hơn, tăng cường cạnh tranh hơn nữa khi lượng tàu chở dầu ở mức hạn chế.
Không chỉ vận chuyển dầu và nhiên liệu của Nga đến các địa điểm bên ngoài châu Âu, thị trường còn cần tàu để cung cấp dầu và nhiên liệu cho châu Âu từ các điểm đến không thuộc Nga như Trung Quốc, Ấn Độ - nơi chế biến dầu thô của Nga thành nhiên liệu, sau đó xuất khẩu vào châu Âu.
Việc thiếu thốn tàu chở dầu cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá nhiên liệu. Thị trường nhiên liệu toàn cầu đang thắt chặt và chưa có dấu hiệu của sự cải thiện cho năm tới.
Trích dẫn nghiên cứu của S&P, Reuters cho rằng nguyên nhân là do công suất lọc dầu toàn cầu sụt giảm kỷ lục – khoảng 3,8 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2022.
Trong khi công suất lọc dầu bị thu hẹp, nhu cầu nhiên liệu lại tăng thêm 5,6 triệu thùng/ngày, tạo ra một khoảng cách lớn giữa nhu cầu và nguồn cung dựa trên công suất lọc dầu. Theo S&P, sẽ có thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày được bổ sung vào thị trường vào cuối năm sau.
Tuy nhiên, điều này cũng không thực sự chắc chắn bởi các nhà máy lọc dầu đang nghi ngờ rằng việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ biến các nhà máy mới của họ thành tài sản bị mắc kẹt.
Do tình hình nguồn cung thắt chặt, giá nhiên liệu tăng là điều có thể dự báo. Điều này dẫn đến một cú "xoay trục" mạnh mẽ khi các nhà nhập khẩu nhiên liệu khổng lồ của Nga như Ấn Độ, Ả Rập Xê Út đang tìm cách bán lại nhiên liệu cho châu Âu với giá cao, giống cách Trung Quốc đang làm với LNG của Nga.
Trong khi đó, Mỹ gặp phải những khó khăn của riêng mình với tồn kho nhiên liệu, đặc biệt các sản phẩm chưng cất, dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Điều này đồng nghĩa châu Âu khó có thể mong chờ những sự trợ giúp từ Mỹ bởi đơn giản, họ không có đủ dầu diesel để xuất khẩu.
Sự thiếu hụt tàu chở dầu và mối quan hệ phức tạp giữa các bên sẽ khiến giá nhiên liệu đắt hơn trong mùa đông này. Khi đó, các nỗ lực chống lạm phát của nhiều quốc gia có thể sẽ đổ sông đổ bể.
Nhịp sống kinh tế