MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, châu Âu phải lùi dần về sau nhường chỗ cho Trung Quốc và Ấn Độ?

23-03-2022 - 13:33 PM | Thị trường

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, châu Âu phải lùi dần về sau nhường chỗ cho Trung Quốc và Ấn Độ?

Thế giới đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nếu Nga cắt giảm sản lượng dầu và gặp khó khăn khi tìm các thị trường xuất khẩu thay thế,

Giới quan sát cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, song quy mô và tác động lâu dài của những thay đổi vẫn chưa hề rõ ràng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cảnh báo rằng thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nếu Nga cắt giảm sản lượng dầu do các công ty tránh hàng xuất khẩu từ nước này và nhu cầu nội địa đi xuống.

Thị trường vẫn trong trạng thái lo lắng. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng 7,69 USD (7,12%) lên mức 115,62 USD/thùng trong phiên 21/3, sau một cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia cùng những sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) về việc tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga của Mỹ và các đồng minh.

Châu Âu và Châu Mỹ

Theo IEA, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út, khí đốt và dầu của nước này lần lượt chiếm khoảng 40% và 25% lượng nhập khẩu của 27 thành viên EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết châu Âu cần tăng tốc thúc đẩy công nghệ năng lượng sạch và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, than và khí đốt của Nga. "Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào một nhà cung cấp rõ ràng đang đe dọa chúng tôi", bà cho biết.

Ngày 8/3, Ủy ban châu Âu công bố dự án REPowerEU, một lộ trình chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào khí đốt tự nhiên của Nga. Kế hoạch này cũng nêu rõ vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo cần nhiều thời gian và các nước châu Âu như Ý, Đức cũng phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng sạch khác.

Henry Lee, Giám đốc Chương trình Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên tại Đại học Harvard, nói rằng mặc dù việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga là phù hợp với các mục tiêu dài hạn của EU, nhưng trong ngắn hạn, người dân châu Âu sẽ cảm thấy 'đau đớn'.

Ông nói: "Nếu châu Âu cắt khí đốt của Nga và vận hành các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ ở gần 100% công suất, họ sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong khoảng 15-20% vào mùa đông tới. Về lâu dài, từ 3-5 năm, các lựa chọn thay thế sẽ nhiều hơn."

Duncan Wood, giám đốc tạm thời của Chương trình Châu Âu Toàn cầu tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, lập luận rằng ảnh hưởng chính trị của Nga sẽ giảm đáng kể khi EU tiến hành kế hoạch cắt giảm carbon.

"Về lâu dài, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ hoàn toàn phủ nhận sức mạnh mà Nga có đối với năng lượng châu Âu, và Putin nhận thức rõ ràng về điều đó. Nord Stream 2 luôn là đỉnh cao sức mạnh năng lượng của Nga đối với châu Âu, nhưng Putin đã vội vàng làm suy giảm quyền lực bởi các hành động của Nga ở Ukraine", Wood cho hay.

Mặt khác, Mỹ phụ thuộc ít hơn vào năng lượng của Nga, với khoảng 3% lượng dầu nhập khẩu từ Nga và không nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Lee của Harvard chia sẻ: "Hoa Kỳ có nhiều khí đốt nên giá có thể tăng nhẹ, nhưng nó đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với châu Âu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, giá khí đốt tự nhiên không biến động mạnh kể từ khi Nga tấn công Ukraine .

Tuy nhiên, Lee chỉ ra rằng dầu mỏ là một mặt hàng được giao dịch toàn cầu, vì vậy Mỹ sẽ phải đối mặt với mức tăng giá tương tự như ở châu Âu.

Trung Quốc và Ấn Độ

Trong khi châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga để cung cấp năng lượng, thì đến lượt mình, Nga lại phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, chiếm hơn 2/5 doanh thu của chính phủ Nga.

Việc bị phương Tây bỏ rơi sẽ buộc Nga phải tìm kiếm đối tác mới, và Trung Quốc là một khách hàng tiềm năng. Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá lớn nhất của Nga. 

Theo IEA, Trung Quốc hấp thụ 20% sản lượng dầu của Nga và 25% sản lượng than của Nga. Còn theo trang Al-Jazeera, Nga đã xuất khẩu 16,5 tỷ mét khối khí đốt sang Trung Quốc vào năm 2021 và hai quốc gia đã ký các thỏa thuận dầu khí trị giá khoảng 117,5 tỷ USD vào đầu tháng Hai.

Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói rằng Nga đang tìm cách tăng cường mối quan hệ thương mại với các nước ở phương Đông, việc tiếp tục mối quan hệ đó cũng phụ thuộc vào các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng và diễn biến của cuộc khủng hoảng như thế nào.

Tờ Wall Street Journal đưa tin Nga hiện đang đề nghị xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc với giá thấp hơn 20% so với giá dầu tiêu chuẩn toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem các bên sẽ vượt qua các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ như thế nào để hoàn thành các giao dịch. Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, nhận định logistics cũng là một vấn đề quan trọng vì Nga hiện không có đủ cơ sở hạ tầng để chuyển năng lượng dễ dàng sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông cho biết: "Trong trường hợp của khí đốt, Nga không có cơ sở hạ tầng vật chất để xuất khẩu ở bất kỳ nơi nào khác, vì khí đốt đến châu Âu bằng đường ống. Tương tự, hầu hết dầu được vận chuyển từ các cảng trên Biển Baltic và Biển Đen. Việc chuyển hướng các cảng này sang Thái Bình Dương bị hạn chế do khoảng cách vận chuyển dài và thực tế là các nhà máy lọc dầu ở những thị trường đó không được thiết kế để chế biến dầu thô của Nga."

https://cafef.vn/cuoc-khung-hoang-nga-ukraine-dang-dinh-hinh-lai-thi-truong-nang-luong-toan-cau-chau-au-phai-lui-dan-ve-sau-nhuong-cho-cho-trung-quoc-va-an-do-20220322221938508.chn

Khánh Vy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên