Cuộc khủng hoảng ngoại giao thổi bay nhiều tỷ USD trong Thế giới Ả rập
Những bất đồng trong quan hệ giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh có thể khiến hàng tỷ USD bốc hơi vì ảnh hưởng từ đình trệ thương mại và đầu tư, khiến cho các nước trong khu vực phải đi vay tiền đồng thời làm giá dầu khủng hoảng.
- 07-06-2017Khoản tiền chuộc 1 tỷ USD khiến Qatar bị láng giềng trừng phạt
- 06-06-2017Saudi Arabia rút giấy phép hoạt động của hãng Qatar Airways
- 06-06-2017Lý giải tình cảnh khốn cùng của Qatar Airways qua một tấm bản đồ
- 06-06-2017Giá dầu nối tiếp đà giảm sau khi Ả-rập Saudi cắt đứt mối quan hệ với Qatar
- 06-06-2017Người Qatar vội vã tích trữ thực phẩm, ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng
- 06-06-2017Các nước Arab cân nhắc những bước tiếp theo đối với Qatar
Lưỡng bại câu thương
Với khoảng 335 tỷ USD trong quỹ đầu tư quốc gia, Qatar, quốc gia bị Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao, dường như sẽ không rơi vào khủng hoảng kinh tế nhất dù bị phong tỏa đường không, đường biển và đường bộ.
Quốc gia nhỏ bé này là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng nhiều nhất thế giới, mang lại thặng dư thương mại rất cao. Riêng chỉ trong tháng 4, thặng dư thương mại của Qatar đạt được là 2,7 tỷ USD. Với sự vươn lên mạnh mẽ của Qatar Airways, một trong những hãng hàng không tốt nhất thế giới, Qatar cũng trở thành điểm đến hấp dẫn từ du khách.
Tuy nhiên, mối quan hệ cơm chẳng lành, canh không ngọt với các quốc gia vùng Vịnh có thể khiến Qatar phải trả những cái giá không hề rẻ. Chính phủ Qatar đang phải huy động vốn trong và ngoài nước để có 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng vì quốc gia này đã đăng cai tổ chức World Cup vào năm 2022. Trong khi đó, khủng hoảng khiến giá trái phiếu của Qatar tụt xuống, dẫn tới việc vay mượn đắt đỏ hơn và có thể làm chậm tiến độ các dự án.
Bốn nước là Ai Cập, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Ở thời điểm hiện tại, trái phiếu của các nước khác trong nhóm Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 6 quốc gia, giảm nhẹ sau khi khủng hoảng ngoại giao nổ ra. Tuy nhiên, một số ngân hàng nước ngoài cảnh báo toàn bộ khu vực có thể phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay nếu căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đại diện một ngân hàng quốc tế đặt trụ sở ở vùng Vịnh nhấn mạnh: “Nếu tranh chấp kéo dài một thời gian, sự chia rẽ có thể sẽ rất lớn. Các nhà quản lý tài sản sẽ không phân biệt Qatar với 5 nước còn lại và rút khỏi tất cả các khoản tín dụng có liên quan tới khu vực này. Nếu Qatar thực sự có dính dáng tài chính tới khủng bố, các nhà quản lý quỹ sẽ đặc biệt thận trọng với toàn bộ khu vực”.
Quan hệ thương mại lỏng lẻo
Bởi tất các các nước GCC đều phục thuộc vào xuất khẩu dầu khí nên mối quan hệ thương mại và đầu tư rất lỏng lẻo và yếu ớt. Trong số các nước GCC, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là đối tác thương mại lớn nhất của Qatar nhưng chỉ đứng thứ 5 nếu xét trên quy mô toàn cầu. Tương tự, Ả rập Xê út hay các nước khác cũng chỉ chiếm 5 – 10% lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Qatar. Ngay cả khi các nước này đồng loạt rút lui, thị trường của Qatar vẫn không bị sụp đổ.
Tuy nhiên, Qatar cũng sẽ phải đối mặt với chi phí lớn với một số mặt hàng. Năm 2015, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã cung cấp lượng thực phẩm trị giá 309 triệu USD cho Qatar, tương đương hơn 33% nhu cầu lương thực của quốc gia này. Hầu hết lượng sữa tới Qatar đều phải qua đất Ả rập Xê út, khiến mặt hàng có thể bị tăng giá, thậm chí gián đoạn.
Chi phí xây dựng ở Qatar cũng sẽ tăng lên, thúc đẩy lạm phát của nền kinh tế bởi nhôm và những vật liệu xây dựng khác buộc phải nhập khẩu thông qua đường bộ.
Trước khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, ba nước đã rút đại sứ khỏi Qatar từ năm 2014. Tuy nhiên, các nước không tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau nên các hoạt động thương mại và đầu tư gần như không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lần này Ả rập Xê út đã thể hiện rõ quyết tâm trừng phạt tới cùng quốc gia láng giềng.
Rõ ràng, Ả rập Xê út không thuyết phục được nhiều nước và công ty quay lưng với Qatar. Tuy nhiên, một động thái mà quốc gia này có thể làm là buộc các tập đoàn nước ngoài phải lựa chọn giữa Ả rập Xê út và Qatar và tự tin mình sẽ chiến thắng bởi quy mô vượt trội của nền kinh tế đang ngày càng nhiều cơ hội từ các hoạt động cải cách.
Tuy nhiên, cách thức này sẽ làm tổn hại cả Ả rập Xê út và Qatar. Trước đó, thị trường chứng khoán các nước trong khu vực cũng đã giảm điểm, dù không mạnh bằng thị trường Qatar, khi 3 nước xung quanh đồng loạt tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang lo lắng.
Mohammed Ali Yasin, Tổng giám đốc của Công ty Chứng khoán NBAD của Abu Dhabi, nhận định: “Nhìn chung là không tốt. Tôi không nghĩ khu vực này phải chịu xung đột nghiêm trọng đến thế. Tôi cho rằng mọi người đều đang chờ đợi bước đi của các bên đồng thời hy vọng sẽ có sự can thiệp của những người không ngoan để tình hình nguội đi”.