MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tài chính Anh rung chuyển: Vì đâu nên nỗi?

29-09-2022 - 11:22 AM | Tài chính quốc tế

Thị trường tài chính Anh rung chuyển: Vì đâu nên nỗi?

Chính phủ Vương quốc Anh luôn nghĩ rằng họ có được sự tin tưởng của thị trường nhưng sự thực không phải vậy.

Nước Anh đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính mà họ tự châm ngòi, đe dọa đẩy nền kinh tế trượt sâu xuống suy thoái. Tân thủ tướng Liz Truss cũng đang phải chịu những áp lực rất lớn.

Kể từ khi Chính phủ Anh công bố đợt cắt giảm thuế lớn nhất kể từ năm 1972 với rất ít thông tin chi tiết về cách họ sẽ huy động nguồn tiền, đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Chi phí đảm bảo nợ vay của Chính phủ Anh trước nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải can thiệp trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại.

Những điều xảy ra tiếp theo sẽ xác định mức độ sâu sắc của suy thoái kinh tế. Trọng tâm của câu hỏi là chính quyền mới được 3 tuần của Thủ tướng Liz Truss có thể khôi phục uy tín của mình với các nhà đầu tư hay không.

Trong khi đó, “kế hoạch ngân sách nhỏ” được công bố hôm 23/9 đã thổi bùng lên lo ngại của nhà đầu tư. Họ cảm thấy bất định trước việc giảm thuế trong bối cảnh ngân sách thiếu tiền, lạm phát cao gần vượt đỉnh 4 thập kỷ cùng với việc Ngân hàng Trung ương Anh (BOK) chưa thể kiềm chế được đà tăng giá.

Chính sách mới cũng thổi bùng những lo lắng lâu nay ở Anh, khi nền kinh tế hàng đầu thâm hụt tài khoản vãng lai, mối quan hệ rạn nứt với các đối tác thương mại thân cận và trên hết là sự thiếu tin tưởng của người dân vào hứa hẹn của các chính trị gia.

Khi thị trường sụt giảm, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải hành động để ngăn chặn sự sụp đổ. Các nhà đầu tư tin rằng BOE sẽ phải tăng lãi suất, thậm chí còn từ chối tài trợ cho các kế hoạch tham vọng của Chính phủ Anh. Dẫu vậy, cơ quan này vẫn đang dành thời gian cho Chính phủ điều chỉnh các chính sách.

Hiện tại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cơ quan đã ra tay giải cứu Vương quốc Anh vào năm 1976, đang thúc giục London xem xét lại việc cắt giảm thuế. Các nhà kinh tế hàng đầu cũng liên tục cảnh báo Vương quốc Anh có thể mắc sai lầm về mặt chính sách khi vận hành với “những đặc trưng của một thị trường mới nổi”.

Tuy nhiên, cắt giảm thuế là một trọng tâm của Chính phủ tân Thủ tướng Truss. Một bước ngoặt quá sớm trong nhiệm kỳ, vốn vừa bắt đầu vài tuần, có thể sẽ gây nguy hiểm cho bà về mặt chính trị. Sự thất bại từ các chính sách mà bà Truss cam kết sẽ khiến bà hứng chịu những phản ứng dữ dội.

Trong khi người dân chờ xem chính sách của bà Truss có thành công hay không, họ vẫn phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể của chi phí đi vay, điều có thể gây ra sự sụp đổ trên thị trường nhà ở và làm trầm trọng thêm bất kỳ cuộc suy thoái nào, hay thậm chí là một đợt cắt giảm chi tiêu công.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, nói rằng hàng loạt vấn đề với nước Anh kể từ khi Brexit có thể khiến quốc gia này được nhớ tới vì đã theo đuổi những chính sách vĩ mô sai lầm trong thời gian dài, điều không xảy ra ở bất cứ nền kinh tế lớn nào.

Hiện tại, Vương quốc Anh cần huy động 45 tỷ bảng để giảm thuế và 60 tỷ bảng khác để bù đắp sự gia tăng gần đây của hóa đơn năng lượng. Những biện pháp đó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của nước này lên 4,5% GDP. Theo Bloomberg, điều đó đủ để đẩy gánh nặng nợ của Vương quốc Anh lên 101% của GDP vào năm 2030.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên