MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng nợ tại Hàn Quốc 20 năm trước dạy chúng ta điều gì?

Không có một nền kinh tế, dù tăng trưởng cao đến đâu đi nữa, có thể miễn nhiễm với khủng hoảng tài chính nếu các nhà hoạch định chính sách không kiểm soát được rủi ro.

Hai thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và chín năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đang đối diện với bài toán giải quyết khối nợ nần chồng chất của riêng mình, câu chuyện không chỉ có ý nghĩa với Trung Quốc mà còn nhiều nền kinh tế khác, theo bài bình luận trên Bloomberg.

Năm 1997, người Hàn Quốc sống trong tâm trạng rất lạc quan, và họ có lý do để như vậy. Suốt 30 năm trước đó, kinh tế Hàn Quốc luôn được coi như một trong những câu chuyện thần kỳ của khu vực châu Á. Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu sau chiến tranh, Hàn Quốc đã vươn lên thành cường quốc công nghiệp của thế giới.

Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nền kinh tế đã ở trong trạng thái hoàn hảo: các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc vay nợ quá nhiều để đầu tư vào dự án quy mô cực lớn. Nhìn từ bên ngoài, họ vay được trả được, tương lai dường như rất ổn.

Thực tế không phải vậy. Ngày Hai tháng Bẩy năm 1997, tức cách đây đúng 20 năm, giới chức Thái Lan bắt đầu mất kiểm soát tỷ giá đồng nội tệ. Đồng bath Thái Lan mất giá thê thảm, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và sau đó gây ra một “cơn bão” càn quét khắp Thái Lan, Malaysia, Indonesia và sau đó đến Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, hàng loạt công ty lâm vào cảnh phá sản, các ngân hàng ngập trong nợ không đòi được. Dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc gần như cạn kiệt, chính phủ Hàn Quốc buộc phải cầu cứu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Như vậy, có thể rút ra một định luật không bao giờ thay đổi: Không có một nền kinh tế, dù tăng trưởng cao đến đâu đi nữa, có thể miễn nhiễm với khủng hoảng tài chính nếu các nhà hoạch định chính sách không kiểm soát được rủi ro.

Hai mươi năm sau, người ta dường như đã quên mất chuyện xưa. Thông tin về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này rất đáng tiếc bởi cuộc khủng hoảng năm 1997 vẫn mang đến cho người ta quá nhiều bài học về các cuộc khủng hoảng nợ, từ nguyên nhân cho đến biện pháp ngăn chặn. Nếu không học được những bài học này, chúng ta đang để cho nền kinh tế dễ chịu tổn thương từ các cú sốc tài chính.

Thời điểm năm 1997, tác giả bài viết đang sống ở Seoul, chính vì vậy ký ức về chuỗi ngày đen tối này vẫn còn nguyên trong trí nhớ của tác giả. Thủ đô Seoul khi đó ngập trong không khí lộn xộn, thiếu định hướng và lo lắng khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Xã hội Hàn Quốc có lý do để trở nên hoảng sợ bởi suốt nhiều thập niên, người Hàn Quốc làm việc không biết mệt mỏi để thoát khỏi đói nghèo, trở nên giàu có và đến một ngày phải bất lực chứng kiến thành quả cố gắng của họ tan thành mây khói. Nhiều bà nội trợ tuyệt vọng mang trang sức vàng của gia đình ra bán để cứu đất nước.

Tại nhiều công viên Hàn Quốc đông nghịt những người đàn ông mặc vest tối màu, mang cặp như thể họ vẫn đang đi làm nhưng thực tế đã mất việc từ trước đó, họ quá bối rối và xấu hổ khi không biết phải nói với gia đình thế nào về việc họ đã bị sa thải. Tất cả những sự bối rối trong xã hội diễn ra ào ào đến nỗi sẽ thật khó để nói điều gì đáng nhớ nhất.

Từ những gì đã xảy ra, có thể rút ra một số bài học về cuộc khủng hoảng tài chính. Thứ nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nợ tăng nhanh luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Thứ hai, nợ không phải tự nhiên tăng cao mà nó có nguyên nhân từ những vấn đề chưa được giải quyết trong nền kinh tế.

Thứ ba, sẽ luôn có những người thể hiện tầm trí tuệ siêu việt đến mức họ lý giải rằng việc nợ tăng cao không nguy hiểm nhưng cuối cùng, thực tế luôn chứng minh họ đã sai.

Nhìn lại những gì diễn ra tại Hàn Quốc năm 1997. Nợ tư nhân tính trên tổng GDP tăng chóng mặt. Đến giữa năm 1997, tỷ lệ nợ đã chạm mức 149% GDP, mức tăng 52% trong chỉ sau một thập kỷ.

Nợ tại Hàn Quốc tăng nhanh bởi trong nền kinh tế tồn tại một mối liên kết quá chặt chẽ giữa các chính trị gia, ngân hàng, doanh nhân, nhờ vậy tiền được rót ồ ạt cho một số tập đoàn thuộc diện được ưu tiên mà không cần quan tâm đến triển vọng kinh doanh, lợi nhuận sẽ ra sao.

Giới quan chức chính phủ Hàn Quốc, trong khi đó, đã đánh giá thấp rủi ro bởi đơn giản họ nghĩ rằng bao nhiêu lâu nay, nền kinh tế vẫn phát triển theo hướng đó, vì vậy không có lý do gì để quá lo lắng.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng xảy ra do chịu tác động từ bên ngoài, nhà đầu tư hoảng sợ bởi cú sốc từ Thái Lan và giới chức kinh tế vì vậy lờ đi những vấn đề của nền kinh tế và không chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó.

Lịch sử cho thấy khi hoạt động điều tiết không được siết chặt, khủng hoảng sẽ xảy ra. Năm 2015, tổ chức Capital Economics công bố báo cáo nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng tại thị trường mới nổi từ thập niên 1990, theo đó mỗi khi nợ tư nhân tăng cao hơn 30% so với tổng GDP trong một thập kỷ chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng.

Nếu chúng ta đã nghiên cứu kỹ cuộc khủng hoảng châu Á, có thể chúng ta đã tránh được thảm họa năm 2008. Trong khoảng thời gian một thập kỷ tính đến giữa năm 2008, tỷ lệ nợ tư nhân cao hơn đến 44% so với tổng GDP. Phần lớn các khoản nợ đó xuất phát từ những khoản vay thế chấp lãi suất cao trong lĩnh vực bất động sản.

Trung Quốc đang trải qua những khó khăn tương tự như vậy, mức nợ tăng cao tương tương với thời kỳ tiền khủng hoảng tại Hàn Quốc. Nếu như ở thời điểm năm 2007, tổng nợ tư nhân/GDP đứng ở mức 118% GDP thì đến cuối năm 206, tỷ lệ này đã tăng lên mức 211% GDP, mức tăng hơn 93% trong chưa đầy 10 năm.

Tại sao nợ tư nhân tại Trung Quốc tăng cao? Người ta không khỏi nhớ đến câu chuyện tại Hàn Quốc. Chính phủ điều tiết tín dụng cho các tập đoàn, công ty được ưu tiên; hay nói cách khác, các quyết định đầu tư được dựa trên ưu tiên của quốc gia. Quá nhiều nhả xưởng được xây nên bằng tiền vay nợ và rồi sau đó lại vay tiếp để duy trì nó.

Chắc chắn sẽ có ai đó tuyên bố rằng không có nhiều lý do để lo lắng về nợ của Trung Quốc bởi phần lớn nợ đó được vay từ chính các nhà đầu tư trong nước, chính vì vậy, Trung Quốc không dễ hứng chịu cú sốc từ bên ngoài như Hàn Quốc. Ngoài ra, phần lớn các khoản tín dụng do chính ngân hàng trung ương phân phối cho doanh nghiệp, vì vậy chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã cho chúng ta thấy thành công trong quá khứ của bất kỳ nền kinh tế nào không thể là chỉ báo chính xác về khả năng ứng phó trong khủng hoảng của nền kinh tế đó trong tương lai.

Trong trường hợp không có cú sốc nào từ bên ngoài, khi để nợ tăng quá cao như vậy, chính phủ Trung Quốc đang khiến kinh tế Trung Quốc rất dễ chịu tổn thương từ bất kỳ cú sốc nội tại nào của hệ thống tài chính. Sau đó, hậu quả chắc chắn sẽ lớn hơn. Giống như trước đây, chẳng ai có thể ngờ sự sụt giảm thê thảm của chỉ riêng đồng bath Thái lại gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Cái giá phải trả cho khủng hoảng không hề rẻ. Người dân Hàn Quốc đã mất đến 31% GDP để có thể giải quyết được vấn đề trong lĩnh vực tài chính; tỷ lệ này tại Thái Lan và Indonesia còn cao hơn. Hậu quả khi khủng hoảng xảy ra rất tồi tệ, vậy nên bất kỳ sự thận trọng nào ngay từ ban đầu là hoàn toàn cần thiết.

Theo Trung Mến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên