MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng than đá đang rình rập châu Âu, liệu có một 'mùa đông không lạnh' dành cho lục địa này

02-08-2022 - 11:34 AM | Thị trường

Cuộc khủng hoảng than đá đang rình rập châu Âu, liệu có một 'mùa đông không lạnh' dành cho lục địa này

EU sẽ sớm phải tạm biệt nhà cung cấp lớn nhất của mình là Nga bởi khối này đã áp lệnh trừng phạt đối với mặt hàng than đá của Nga vào tháng 4 và cấm nhập khẩu thêm từ ngày 10/8 tới đây.

Thử thách với châu Âu

Trước tình hình châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga và xung đột ở Ukraine, các chính phủ đã phải tranh giành lẫn nhau để bơm đầy kho trữ khí đốt quốc gia trước mùa đông năm nay. Đáng chú ý, trong thời gian tới, một loại nhiên liệu quan trọng khác cũng có thể bị thiếu hụt: than đá.

Mặc dù loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao này đã bị gạt bỏ khỏi chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm cách cắt giảm lượng khí thải, nhưng mức tiêu thụ vẫn đang gia tăng do một số quốc gia, trong đó có Áo và Hà Lan, đã khởi động lại các nhà máy đốt than cũ hoặc tăng công suất hiện có để tiết kiệm khí đốt.

Vấn đề là EU sẽ sớm phải 'tạm biệt' nhà cung cấp lớn nhất là Nga. Bởi lẽ, khối này đã áp lệnh trừng phạt đối với mặt hàng than đá của Nga vào tháng 4 và cấm nhập khẩu thêm từ ngày 10/8.

Cuộc khủng hoảng than đá đang rình rập châu Âu, liệu có một mùa đông không lạnh dành cho lục địa này - Ảnh 1.

Một số nước EU đã quyết định kích hoạt lại các nhà máy điện than cũ để đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng (Ảnh: Getty Images)

Theo nhà phân tích cấp cao Alex Thackrah tại công ty tư vấn thị trường Argus Media, điều đó có nghĩa là 2 triệu tấn than mà EU dự kiến nhận từ Nga trong tháng này sẽ là chuyến hàng cuối cùng. Thêm vào đó, những rào cản về logistics trong việc tìm nguồn cung ứng và vận chuyển nhiên liệu từ quốc gia khác chắc chắn sẽ trở thành thử thách lớn để châu Âu có đủ than để dùng trong mùa đông sắp tới.

Indonesia, Nam Phi và Colombia đều là những nhà cung cấp tiềm năng, nhưng các nước EU sẽ phải trả giá cực cao để mua được loại than nhiệt cao thường được sử dụng trong liên minh. Giá than tại sàn API2 Rotterdam - tiêu chuẩn của châu Âu - đạt mức 380 USD/tấn trong tuần trước, tương đương tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhà phân tích Mark Nugent của công ty môi giới tàu biển Braemar nhận định EU cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước tiêu thụ than đá mạnh như Ấn Độ và Hàn Quốc. Ngoài ra, rào cản logistics có nguy cơ làm phức tạp thêm vấn đề này.

Phần lớn than của EU được vận chuyển qua các cảng ở Amsterdam, Rotterdam và Antwerp, đi dọc sông Rhine bằng sà lan. Tuy nhiên, ông Alex Thackrah cho biết thời tiết nóng bất thường trong tháng này đã làm giảm mực nước sông Rhine xuống 65 cm, làm giảm 2/3 lượng hàng hóa có thể chở.

Mặc dù các nhà máy điện thường có kho dự trữ riêng, nhưng lượng than không thể giao cho họ thường được lưu trữ tại các bến cảng để chờ vận chuyển tiếp. Và lượng than tồn kho tại các cảng châu Âu đã gần đạt mức tối đa.

Theo số liệu từ Hiệp hội thương mại than đá Euracoal, khoảng 8 triệu tấn than đang bị mắc kẹt tại các bến cảng của châu Âu.

Cố gắng chống đỡ nhưng không đủ khả năng

Tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra mạnh mẽ nhất ở Ba Lan và Đức. Ông Rudolf Juchelka, giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Duisburg-Essen, cho biết tình trạng thiếu hụt ở Đức - chiếm 37% tổng lượng tiêu thụ than cứng và than non của EU vào năm ngoái - sẽ gây khó khăn đặc biệt cho ngành công nghiệp thép và hóa chất. Công suất phát điện cũng sẽ bị ảnh hưởng, song ở mức độ nhẹ hơn.

Ông Juchelka cũng cảnh báo rằng giới chức EU có thể buộc phải thực hiện các biện pháp phân bổ năng lượng nghiêm ngặt hơn nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt hoặc các vấn đề hậu cần giao than tiếp diễn.

Người phát ngôn của Bộ Khí hậu Đức cho biết các đơn vị điều hành nhà máy điện đã đảm bảo với chính phủ rằng họ có đủ lượng than dự trữ để bù đắp cho lượng than của Nga. Quan chức này nói thêm rằng Berlin cũng đã đưa ra quy định mới nhằm ưu tiên các chuyến hàng năng lượng nhiều hơn các loại hàng khác trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Trong khi đó, ở Ba Lan, chính phủ đang chìm trong bê bối do không kịp thời xây dựng nguồn dự trữ than của đất nước.

Theo Robert Tomaszewski, nhà phân tích năng lượng cấp cao của Polityka Insight, khoảng 2 triệu hộ gia đình ở Ba Lan vẫn phụ thuộc vào than cứng để sưởi ấm, với mỗi hộ tiêu thụ trung bình 3 tấn mỗi mùa đông. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, nước này đã nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn than từ Nga mỗi năm cho mục đích sưởi ấm.

Khi lệnh cấm của EU đối với mặt hàng than đá của Nga có hiệu lực vào tháng tới, ông Robert Tomaszewski cho rằng một số hộ gia đình sẽ không có đủ than để dùng vì Ba Lan sẽ thiếu hụt 1- 2 triệu tấn than trong mùa đông này.

Cuộc khủng hoảng than đá đang rình rập châu Âu, liệu có một mùa đông không lạnh dành cho lục địa này - Ảnh 2.

EU áp dụng các lệnh cấm vận đối với than nhập khẩu từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của khối (Ảnh: Getty Images)

Và theo điều tra của hãng thông tấn Ba Lan Onet, vào đầu tháng 3, Nội các của Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã cảnh báo nhà lãnh đạo này rằng cấm vận than đá của Nga có thể dẫn đến thiếu hụt nhiên liệu, đồng thời thúc giục ông thiết lập kho dự trữ than chiến lược mới. Nhưng ông Morawiecki đã không hành động theo lời cảnh báo.

Trong nỗ lực để làm dịu tình hình, ông Morawiecki tuần trước thông báo sẽ hỗ trợ tiền các hộ gia đình bị ảnh hưởng để mua than, cũng như yêu cầu các công ty than quốc doanh mua 4,5 triệu tấn than tính đến ngày 31/8.

Bà Anna Moskwa, người phát ngôn của Bộ Khí hậu Ba Lan, cho biết chính phủ đang nghiên cứu các giải pháp đa hướng cho vấn đề than đá, và đã đưa ra quy định tạm thời đình chỉ các yêu cầu chất lượng hiện có đối với một số loại than bán trên thị trường cho các hộ gia đình sử dụng trong 60 ngày.

Tham khảo: Politico

https://cafef.vn/cuoc-khung-hoang-than-da-dang-rinh-rap-chau-au-lieu-co-mot-mua-dong-khong-lanh-danh-cho-luc-dia-nay-20220802004939449.chn

Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên