MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng thừa kế gia tộc trị giá 22.000 tỷ USD tại châu Á

07-10-2018 - 17:28 PM | Tài chính quốc tế

Trong những năm gần đây, châu Á bắt đầu chứng kiến những vụ rạn nứt và bất đồng liên quan tới vấn đề thừa kế ở những gia tộc giàu có.

Có một người ông nội với 4 vợ là nguyên nhân nảy sinh ra vấn đề thừa kế hết sức phức tạp mà Cheong Wing Kiat phải trải qua khi điều hành doanh nghiệp thuốc có trụ sở tại Singapore của gia đình từ vài năm trước.

Ông nội Cheong và 3 người khác đồng sáng lập nên công ty thuốc kể trên có tới hơn 20 người thừa kế và mỗi người lại có ý định khác nhau. Việc phân chia tài sản giúp giải quyết nửa vấn đề nhưng nó còn liên quan tới những thoả thuận khó khăn và các cuộc nội chiến gia đình. Hiện tại, số lượng cổ đông đang tăng và Cheong, 59 tuổi rất lo lắng về thế hệ tiếp theo.

"Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi sẽ thực hiện việc cắt giảm bớt số cổ đông. Tuy nhiên đó sẽ không phải nhiệm vụ của tôi và tôi hạnh phúc vì điều đó", Cheong chia sẻ.

Sau khi xây dựng nên các đế chế khổng lồ, những người giàu có ở châu Á - lần đầu tiên phải đối mặt với một câu hỏi khó khăn khi họ chuẩn bị cho việc chuyển giao sang thế hệ tiếp theo cả về mặt tiền bạc lẫn hoạt động kinh doanh.

Một báo cáo công bố vào hồi tháng 9 bởi UBS Group và Campden Wealth dự đoán rằng một "cơn địa chấn" sẽ nổ ra khi việc thừa kế được chuyển sang cho thế hệ trẻ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu phải lên kế hoạch cho người kế nghiệp đang đặt áp lực lên khu vực châu Á Thái Bình Dương - nơi chỉ có 39% các gia tộc đã có sẵn phương án chuyển giao quyền lực - mức thấp nhất so với các nơi khác trên toàn thế giới.

"Yếu tố chính vì sao kế hoạch người nối nghiệp bị bỏ qua ở châu Á là bởi các gia tộc giàu có ở đây mới chỉ xây dựng nên được khối tài sản từ 1 cho đến 2 thế hệ gần đây, thậm chí, những người ban đầu gây dựng ra tài sản vẫn còn sống. Nhiều gia tộc còn chưa nghĩ tới việc lập kế hoạch thừa kế", theo Karim Mrani-Alaoui - Giám đốc đầu tư tại công ty có trụ sở ở Singapore.

Cuộc khủng hoảng thừa kế gia tộc trị giá 22.000 tỷ USD tại châu Á - Ảnh 1.

Tổng tài sản tại châu Á đã đạt mức 22 nghìn tỷ USD và hiện đang tăng ở tốc độ nhanh bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Benoy Philip đến từ công ty tư vấn Taproot Family Office khu vực này gặp rắc rối lớn hơn về vấn đề thừa kế một phần là bởi chưa có ranh giới rõ ràng giữa tài sản và hoạt động doanh nghiệp. Nhiều đế chế ở châu Á tiếp tục được quản lý và sở hữu bởi những thành viên gia đình mở rộng - điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều câu hỏi quanh việc người kế nghiệp công ty và kế hoạch quản lý tài sản.

Trong những năm gần đây, khu vực này bắt đầu chứng kiến những vụ rạn nứt và bất đồng liên quan tới quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Mukesh Ambani - hiện là người giàu nhất châu Á và anh trai ông là Anil - đã chia tách tập đoàn Reliance làm đôi vào năm 2005 sau cuộc chiến tranh giành quyền lực kể từ khi người cha của họ qua đời mà không để lại di chúc. Tại Hong Kong, cuộc nội chiến giành quyền kiểm soát công ty bất động sản lớn nhất ở đây là Sun Hung Kai dẫn đến việc Walter Kwok bị loại ra khỏi công ty vào năm 2008 bởi chính những người họ hàng của mình.

"Mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên rắc rối nếu những vấn đề như vậy không được xem xét kỹ lương. Tranh cãi tăng lên và bạn sẽ chứng kiến kết quả không mong muốn trên báo chí - khi các thành viên trong gia đình phải mang nhau ra toà", Goh Siow Hui - đến từ E&Y nói.

Tại châu Âu hay Mỹ, các gia tộc như Rothschilds và JP Morgan khởi nghiệp từ thế kỷ 19 bằng sự tin tưởng, ý chí và những quy định rõ ràng về thừa kế. Châu Á thì ngược lại, cái chết thường ngại được nhắc đến và nó gây khó khăn hơn cho quá trình chuẩn bị cho kế hoạch này.

"Chủ đề này dễ dàng được thảo luận hơn tại châu Âu. Về mặt văn hoá, đây là một chủ đề rất tế nhị". Một phần là bởi tại các nước phương tây, tài sản không được tự động chuyển cho các thành viên trong gia đình mà có thể được chuyển giao lại cho các trường đại học, tổ chức từ thiện.

"Tôi biết một doanh nhân người Indonesia đã 90 tuổi vẫn sở hữu toàn bộ đế chế kinh doanh của gia đình. 3 người con của ông ấy hiện đã tầm 60 tuổi, đang làm việc trong công ty và nhận lương như bình thường. Tuy nhiên, họ vẫn không dám nói về việc thừa kế", Philip nói.

Trải nghiệm của Cheong ở Wen Ken Group - công ty thuốc được thành lập bởi người ông nội và 3 người khác vào năm 1937 có thể thấy rõ thách thức mà các gia tộc ở châu Á đang phải đối mặt về vấn đề thừa kế.

Khi mà gia đình quá lớn và có nhiều đối tác kinh doanh, việc giảm số lượng cổ đông tại Wen Ken không hề dễ dàng.

Cuộc khủng hoảng thừa kế gia tộc trị giá 22.000 tỷ USD tại châu Á - Ảnh 2.

Ông Cheong cùng các thành viên trong gia đình từ 58 năm trước

"Chúng tôi có rất nhiều cuộc họp và tranh luận nhưng vẫn không thể thống nhất về giá trị công ty và còn rất nhiều mối nghi ngờ", theo Cheong - người điều hành công ty từ năm 1995 đến 2011.

Thậm chí, Cheong đã phải yêu cầu cha mình bán bớt một số cổ phần đang nắm giữ để chứng minh việc phân chia tài sản là công bằng. Những thành viên khác trong gia đình hiện điều hành công ty còn Cheong không giữ vị trí lãnh đạo nữa. Tuy nhiên là một cổ đông, ông tin rằng công ty sẽ cần phải gọn nhẹ hơn trong tương lai.

Nghiên cứu mới của UBS cho thấy 32% gia đình châu Á có kế hoạch thừa kế đang được triển khai. Khoảng 21% nói họ chưa có kế hoạch gì và 7% nói không biết.

"Nếu không có cơ chế rõ ràng cho việc lập kế hoạch thừa kế trong tương lai, nó sẽ trở thành mối đe doạ nghiêm trọng với giới nhà giàu châu Á. Nếu không có hành động cụ thể, nó sẽ trở thành quả bom nổ chậm".

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên