Cuộc sống bên trong căn nhà duy nhất còn sáng đèn ở 93 Láng Hạ - khu tập thể "đất vàng" một thời giữa lòng Hà Nội
Bên dãy trái nhà L1 tại khu tập thể cũ nát 93 Láng Hạ (quận Ba Đình, Hà Nội), toàn bộ dân cư sinh sống đều đã dọn đi từ lâu duy chỉ còn một căn hộ sáng đèn.
- 24-03-2018Cuộc sống chỉ có thao trường và hiện trường của người lính cứu hỏa - Những anh hùng chống 'giặc lửa' giữa thời bình
- 09-03-2018'Là doanh nhân thì phải đánh đổi cuộc sống gia đình': Tỷ phú Trần Đình Long, Nguyễn Đức Tài chứng minh điều này là sai, rất sai
Giữa ban ngày ban mặt, nếu có lỡ "lạc bước" đến " căn nhà hoang" sừng sững tại số 93 Láng Hạ (quận Ba Đình, Hà Nội) nhiều người cũng toát mồ hôi hột.
Đã nhiều năm nay, khu đất vàng chung cư này rơi vào lãng quên với vẻ rêu phong cũ kỹ kèm đủ thứ mùi xú uế trên đời.
Dù là con phố mặt tiền của Hà Nội nhưng khu tập thể dường như chẳng được ai quan tâm mấy nữa. Những lối đi sâu hun hút, các kết cấu hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đồ dùng của các hộ dân còn sót lại nằm lăn lóc...
Tất cả đều tạo thành một kiểu cảm giác đáng sợ.
Bên dãy trái khu nhà L1, duy chỉ còn một căn hộ có cánh cửa màu xanh vẫn còn khóa và vài bộ quần áo phơi ngay ngắn.
Cả khu tập thể L1 về đêm chỉ còn duy nhất 1 căn hộ vẫn sáng đèn.
"Cuộc sống ở đây có đáng sợ không anh?"
Một buổi sáng, tiếng gõ cửa vang lên đầy "bẽn lẽn" rồi rơi vào hư không, chúng tôi không chắc đằng sau cánh cửa màu xanh lá kia, điều gì đang chờ đợi mình.
Ánh đèn điện le lói qua khung cửa gỗ, nếu may mắn "ai đó" sẽ tiếp chuyện chúng tôi, hoặc không có ai cả.
"Ai vậy ạ?", may quá có người bên trong lên tiếng.
Cánh cửa gỗ mở toang, một nam thanh niên mở lời. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa trút đi được một gánh nặng. Ít nhất không phải là một gã nghiện ngập nào lao ra tấn công chúng tôi.
Căn nhà duy nhất có người sinh sống trong khu tập thể hoang tàn ở Hà Nội.
"Anh chị em đi làm chưa về, có gì tối các bạn quay lại nhé!". Nam thanh niên thông báo một thông tin mà chúng tôi vừa mừng vừa sợ. Mừng vì may quá nơi đây đúng là vẫn còn một hộ gia đình sinh sống.
Sợ là bởi ban ngày nơi đây đã u ám lắm rồi, ban đêm từ khoảng 6h tối còn kinh khủng hơn. Thế nhưng vì muốn gặp được chủ nhân ngôi nhà duy nhất còn ở lại chốn này, chúng tôi vẫn quay lại để gặp anh.
19h tối, chúng tôi dùng đèn pin soi đường vào khu tập thể.
Vẫn mùi xú uế bốc lên, đường dưới chân nhìn không rõ, mọi thứ xung quanh một màu đen ngòm. Bước lên tầng 3 rẽ theo lối bên phải, chúng tôi đứng trước cánh cửa màu xanh.
Nhưng không ai ở nhà...
Bỗng từ đằng sau có tiếng xe máy và ánh sáng rọi tới, một nam thanh niên cùng một bé trai đang bước lên cầu thang. Anh tự giới thiệu mình tên là Phương (SN 1986), cậu nhóc học lớp 3 kia tên Minh - cháu trai anh.
Khác với vẻ u tối của khu nhà tập thể Láng Hạ, căn hộ của anh Phương tràn ngập ánh sáng, mọi thứ được sắp xếp khá gọn gàng.
Ngày anh cùng chị Linh và cháu trai chuyển tới đây sinh sống đã không còn một bóng người nào. Toàn bộ dân cư sinh sống đã dời đi hết sau khi chính sách cải tạo khu nhà vẫn mãi "đắp chiếu".
Anh Phương - chủ nhân căn nhà còn sót lại ở khu tập thể "đất vàng".
"Cuộc sống ở đây có đáng sợ không anh?"
"Không hề, tụi anh đã quen sống rồi! Người ta nghĩ khu này bỏ hoang nên hầu như không ai dám lên đây".
Anh Phương và bé Minh đang đợi chị Linh về để dùng bữa.
Gia đình nhỏ của anh Phương đã "cư ngụ" ở đây hơn 1 năm. Tối nào dù cả khu tập thể đen ngòm thì nhà anh vẫn đều đặn sáng đèn.
Chính vì người đời không dám bén mảng xung quanh khu này về đêm, nên dù để xe máy ở tầng 1 tòa nhà anh Phương chẳng bao giờ sợ mất cắp. "Anh để xe ngay dưới chân cầu thang đó. Mất thì thôi, xe đấy cũng chả ai lấy".
Nhớ lại lần đầu tiên "đồng đội" đến chơi nhà, anh Phương chả hiểu sao mà cả lũ sợ tái mặt rồi hét ầm cả khu. Nhưng rồi năm tháng cũng đã "rèn luyện" cho các anh các chị đức tính dũng cảm, bây giờ cứ hàng tuần mọi người lại ghé nhà anh Phương.
Và rồi năm nào cũng thế, họ lại hỏi anh câu hỏi đau đáu chở theo bao nhiêu trăn trở: "Thế khi nào đến lượt nhà mày cũng "giải tỏa"?". Anh Phương cười hề, đáp gọn lỏn: "Ừm, chắc 2, 3 năm nữa".
Bé Minh đang loay hoay với cái đèn bàn.
Anh Phương cho hay, anh đã quá quen với cuộc sống có vẻ "ma mị" nơi đây.
Ngoài bạn của anh ra thì những người từng được phen hú vía tại khu nhà tập thể này chính là các cô buôn đồng nát. Có ai ngờ khi đang "mót" vài món đồ để buôn bán thì lại có bóng người mở cửa bước ra.
"Khi đó các cô giật mình thon thót, không ai nghĩ có người ở đây mà", nói đoạn anh Phương cười lớn.
"Bên ngoài đổ nát hoang sơ, bên trong nội thất tiện nghi bất ngờ"
Cuộc sống một mình một địa bàn tưởng như cực khổ nhưng chẳng hề khổ cực một chút nào. Nhà anh Phương vẫn có điện, vẫn có nước dùng thường xuyên, thậm chí còn chưa bao giờ bị cúp điện, cúp nước.
Dù bên ngoài là đống đổ nát nhưng bên trong căn hộ này mọi thứ vẫn rất kiên cố và gọn gàng.
"Ngày trước căn hộ này thuộc quyền sở hữu của anh chị anh. Giờ anh chị chuyển sang nơi khác sống rồi nên anh về đây. Quan trọng là điện và nước nhà anh vẫn có, không có gì sợ cả".
Anh Phương nhìn xuống đường lớn từ cửa sổ nhà mình.
Bên trong căn nhà mọi thứ được sắp xếp gọn gàng.
Không gian rộng rãi và thoải mái.
Chỉ có điều, khổ thân các bác thu tiền điện, tiền nước hàng tháng thôi. Chính vì sợ quá nên các bác chẳng dám lên, thành ra cứ 2 tháng thu một lần cho "nhẹ nhàng".
Không riêng anh Phương và chị Linh, bé Minh cũng đã quen với căn nhà nhỏ giữa "bãi đất hoang" này. Minh không sợ, mỗi tối em còn tự ngủ một mình mà không cần ngủ cùng anh Phương chị Linh.
Cái bàn nhỏ của em ở góc tường, nhìn phía sau có khung cửa sổ bé xinh nhìn xuống dưới đường lớn. Đủ thứ xe cộ vẫn ào ào chạy qua, cả khu bên trái L1 vẫn chỉ mỗi nhà em sáng đèn.
Bé Minh đang làm bài tập Toán.
"Em ở với cậu Phương 5 năm rồi, em sống ở đây không sợ gì đâu. Em đang làm bài tập Toán này, mỗi tội em hay quên làm những bài cuối vì mệt quá", bé Minh hồn nhiên trả lời.
Chia tay chúng tôi, anh Phương hài hước nói về cuộc sống hơn 1 năm qua của gia đình mình: "Đúng là bên ngoài đổ nát hoang sơ, bên trong nội thất tiện nghi bất ngờ".
Chúng tôi rảo bước xuống con đường lớn Láng Hạ nhìn lên phía trên tầng 3, anh Phương vẫn đứng đó nhìn chúng tôi từ khung cửa sổ.
Anh Phương nhìn theo chúng tôi từ khung cửa sổ.
Trí thức trẻ