Cuộc sống của các công nhân tại “thành phố iPhone”, nơi sản xuất một nửa lượng iPhone trên toàn thế giới
Chiếc iPhone bạn đang sử dụng hàng ngày rất có thể được sản xuất tại một khu nhà máy ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Với số lượng công nhân lên đến 350.000 nghìn người, nơi đây được đặt tên là “thành phố iPhone.”
- 02-05-2018Apple Q2/2018: Mặc những hoài nghi, Apple vượt mọi dự đoán của Wall Street, iPhone X là sản phẩm bán chạy nhất cả quý, doanh thu từ mảng dịch vụ cao kỉ lục, Tim Cook lạc quan về tương lai
- 23-04-2018Apple vẫn phải phụ thuộc vào đối thủ Samsung trong sản xuất iPhone
- 20-04-2018Cận cảnh cỗ máy xẻ thịt iPhone để lấy vàng của Apple
- 10-04-2018Apple vừa bất ngờ ra mắt iPhone mới
- 01-04-2018Trung Quốc phá đường dây chuyển lậu iPhone bằng thiết bị bay không người lái
Business Insider đã "khám phá" nơi này bằng những cuộc nói chuyện với người dân, chủ cửa hàng và các công nhân làm việc tại nhà máy.
Chiếc iPhone bạn đang sử dụng hàng ngày rất có thể được sản xuất tại một khu nhà máy ở Trịnh Châu, Trung Quốc, là thành phố có khoảng 9,5 triệu người, thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc – tỉnh Hà Nam.
Nhà máy do hãng chế tạo linh kiện điện tử Đài Loan Foxconn điều hành, số lượng công nhân ở đây khoảng 350.000 người. Có đến một nửa số iPhone trên thế giới được sản xuất tại đây. Trong thời gian cao điểm, thường là mùa hè, khi một chiếc iPhone mới sắp được ra mắt, nhà máy sản xuất đến 500.000 chiếc điện thoại mỗi ngày, hoặc thậm chí 350 chiếc trong một phút.
Công viên Khoa học Foxconn Trịnh Châu cách trung tâm thành phố khoảng hơn 32km. Với một lực lượng nhân công áp đảo so với nhiều thành phố của Mỹ, nhà máy này được đặt tên là "thành phố iPhone". Tại đây, công nhân nhà máy sống trong các ký túc xá từ 10-12 tầng ngay ngoài khuôn viên Foxconn, và tất nhiên, nhiều hiệu buôn, cửa hàng thức ăn đường phố, mát-xa, bán tất chân (vớ), và nhiều thứ vật dụng giá rẻ khác được mở cửa để phục vụ số lượng công nhân ngày càng tăng.
Với 1,3 triệu nhân viên tại Trung Quốc đại lục, Foxconn hiện là công ty tư nhân lớn nhất cả nước. Hầu hết công nhân ở nhà máy có độ tuổi từ 18 đến 25, thực tập sinh thì trẻ hơn, chỉ 16 tuổi. Số lượng nam nữ hầu như bằng nhau. Phần lớn họ đến từ Trịnh Châu hoặc các làng xung quanh Hà Nam.
Kéo dài hơn 3,5km và gồm hàng tá toà nhà, công viên này trông cũng như bao nơi khác: cây cối mọc khắp nơi, cảnh sát và bảo vệ đứng ở mọi góc đường, và công nhân thì tránh nắng dưới các bóng râm vào giờ giải lao. Một thập kỷ trước, khu vực này chỉ có bụi đất mù mịt cùng nhiều thửa ruộng ngô và lúa mì. Năm 2010, chính phủ đã mua lại khu đất này và xây nên nhà máy ngay trong năm đó.
Tổ hợp này được xây dựng vào năm 2000, nhằm một mục đích duy nhất là đáp ứng mọi nhu cầu của quá trình sản xuất iPhone của Apple - với số vốn tài trợ hơn 600 triệu USD từ chính quyền địa phương.
Chính quyền thậm chí còn giúp nhà máy tuyển dụng, huấn luyện và tìm nơi ở cho công nhân trong những giai đoạn cao điểm sản xuất iPhone. Vào những tháng mùa hè, tại lối vào của khuôn viên thường có một người cầm loa nói: "Chúng tôi đang tuyển dụng những tài năng của xã hội. Bạn phải là một người lạc quan và thật chăm chỉ."
Thậm chí đến hiện tại, Foxconn vẫn được khá nhiều ưu đãi từ chính quyền địa phương, miễn giảm thuế, trợ cấp... để giữ cho nhà máy này tiếp tục hoạt động tại Trịnh Châu. Nhiều con đường mới đến nhà máy đã được mở, và còn thưởng cho nhà máy nếu họ đạt chỉ tiêu xuất khẩu. Trong hai năm đầu sản xuất, khoản tiền thưởng này lên đến 56 triệu USD.
Tổ hợp nhà máy này có một con đường lớn để các xe buýt đưa công nhân vào và các xe tải chuyên chở mang sản phẩm ra. Chính quyền tỉnh đã biến khuôn viên này thành một "khu vực được đảm bảo" (bonded zone), có nghĩa là chính quyền Trung Quốc xem khu vực này như đất nước ngoài. Thoả thuận này cho phép Foxconn và Apple nhập khẩu và xuất khẩu hàng hoá để bán trong Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới.
"Khu vực được đảm bảo" là một thoả thuận kỳ lạ nhưng lại là một trong những ưu đãi được chính quyền Trịnh Châu dành cho Foxconn.
Sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Foxconn đối với nguồn nhân lực, chính phủ phải nỗ lực rất nhiều. Tỉnh này đã đưa ra những hạn ngạch bắt buộc các làng và thành phố tại địa phương phải cung cấp một lượng công nhân nhất định cho nhà máy.
Năm 2016, các công ty than thuộc sở hữu nhà nước cho Foxconn thuê lại nhân viên của mình.
Và năm ngoái, theo Financial Times, các trường thương mại đưa ra quy định các sinh viên 16 tuổi phải làm việc tại nhà máy để có được "kinh nghiệm làm việc" mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong thời gian gấp gáp để chuẩn bị ra mắt iPhone X, nhiều sinh viên bị phát hiện làm quá giờ, việc này vi phạm luật lao động của Trung Quốc.
Chính quyền thậm chí còn giúp nhà máy tuyển dụng, huấn luyện và tìm nơi ở cho công nhân trong những giai đoạn cao điểm sản xuất iPhone. Vào những tháng mùa hè, tại lối vào của khuôn viên thường có một người cầm loa nói: "Chúng tôi đang tuyển dụng những tài năng của xã hội. Bạn phải là một người lạc quan và thật chăm chỉ."
Kể từ khi Foxconn bắt đầu sản xuất iPhone cho Apple vào năm 2007, công ty này đã phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng lao động, điều kiện làm việc kém, và hình phạt khắc nghiệt đối với những công nhân mắc lỗi trong quá trình làm việc.
Năm 2010 và 2011, ở đây đã xảy ra một làn sóng tự tử của các công nhân, buộc Apple và Foxconn phải thực hiện nhiều thay đổi tại các nhà máy.
Một công nhân nữa đã tự tử vào tháng 1/2018 tại nhà máy ở Trịnh Châu. Bởi vụ tự tử này, cùng nhiều báo cáo cho biết nhà máy có mức độ an ninh còn nghiêm ngặt hơn một số doanh trại quân đội. Nhưng khá ngạc nhiên là có thể bước qua cổng an ninh và vào trong khuôn viên nhà máy mà không gặp vấn đề gì.
Công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại
Một ngày làm việc bình thường của các công nhân bắt đầu lúc 7 giờ sáng. Một số người đủ tiền mua xe máy để đi làm, nhưng hầu hết đều đi bộ từ các ký túc xá gần đó, hoặc đi xe buýt nếu họ sống ở địa điểm xa hơn.
Theo các công nhân, lịch làm việc một ngày của họ như sau:
• Thức dậy lúc 6:30 sáng
• Đến nhà máy lúc 7 giờ sáng
• Ăn sáng và bắt đầu làm việc lúc 8 giờ.
• Nghỉ trưa 1 tiếng. Hầu hết ăn ở căng tin trong khuôn viên, một số ăn ở các tiệm bên ngoài vì đồ ăn ngon hơn.
• Ca kết thúc lúc 5 giờ chiều, nhưng nếu phải làm quá giờ thì hầu hết sẽ chấp nhận và họ có thể tiếp tục làm đến 8 hoặc 10 giờ tối.
• Sau khi làm việc, họ ăn tối với bạn bè hoặc chơi game tới 10 hoặc 11 giờ đêm và đi ngủ.
Lịch trình về cơ bản là như nhau nhưng đảo ngược lại nếu làm ca đêm.
Một công nhân đảm nhiệm khâu chùi một lớp bóng đặc biệt vào màn hình LCD cho biết, cô đảm nhận 1.700 chiếc iPhone mỗi ngày, tức khoảng 3 màn hình mỗi phút đối với một ngày làm việc dài 12 tiếng.
Các công việc khác như gia cố bảng mạch chip có thể mất đến 1 phút cho mỗi máy, tức khoảng 600 - 700 máy một ngày.
Các công nhân Foxconn miêu tả công việc tại nhà máy này chẳng có gì đặc sắc hay quá sức, mà chủ yếu cho rằng đây là công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại hơn bất kỳ công việc nào khác.
Một công nhân chia sẻ: "Những người ở đây luôn nói rằng người ngoài muốn vào, còn người bên trong lại muốn ra."
"Bên ngoài" cổng nhà máy
Ngay bên ngoài cổng nhà máy là một khu cửa hàng xập xệ được dựng tạm thời để phục vụ những công nhân nhà máy không muốn ăn tại căng-tin. Nhiều chủ nhà hàng cũng là từng làm việc tại Foxconn hoặc người đến từ các làng gần đó chuyển đến để kiếm sống dựa vào nhà máy mới.
Con đường trong ngôi làng tạm bợ này không một bóng người trong một buổi chiều tháng 5 nóng nực và bụi bặm.
Một cửa hàng cho biết đây là thời điểm gần cuối mùa thấp điểm của nhà máy. Đến cuối tháng 6, nhà máy sẽ tăng cường sản xuất để phục vụ cho đợt ra mắt iPhone mới vào mùa thu, và đó cũng là lúc số lượng công nhân lên đến 350.000 người và đường xá thì đông nườm nượp.
Cũng như nhiều cửa hàng khác, Liu đến từ Hà Nam và từng làm việc tại nhà máy Foxconn.
18 tuổi, cô cùng chồng - vốn được một bà mối se duyên - đã rời làng để đến Trịnh Châu. Cả hai đã làm việc nhiều năm tại nhà máy Longhua của Foxconn - từng là tổ hợp lớn nhất.
Nhưng khi biết rằng công ty này đang mở một nhà máy khác gần quê nhà hơn, họ đã dùng tiền tiết kiệm và mở một nhà hàng phục vụ công nhân.
"Mọi người muốn làm việc tại nhà máy này vì nó giúp họ gần với gia đình ở Hà Nam hơn" - Liu nói - "Bạn được nghỉ Chủ nhật, và bạn có thể về nhà thăm gia đình. Đó là một điều rất thuận lợi".
Con trai của Liu sống ở Qianhoucun với cha mẹ cô. Cô và chồng gặp con mỗi tuần một lần vào Chủ nhật, khi nhà máy đóng cửa.
Nhiều người làm việc tại các nhà máy xa quê nhà hơn chỉ có thể về thăm gia đình hai lần mỗi năm vào dịp Tết Âm lịch và Quốc khánh.
Liu cho hay, vì sợ bị giải toả, hầu hết các tiệm ăn đã đóng cửa, nhiều người lo rằng họ đã trả tiền thuê đất cả năm và không thể lấy lại kịp khi giải toả.
Liu ước tính rằng vào thời điểm này trong năm, nhà máy phải có khoảng 120.000 công nhân. Nhưng năm nay, con số chỉ còn một nửa. Hai năm trước, toàn bộ thức ăn có thể được bán sạch chỉ sau 30 phút mở cửa vào buổi sáng, kể cả những tháng thấp điểm. Trước đây, Liu thường bận đến nỗi cô phải thuê 6 nhân viên toàn thời gian, giờ chỉ còn có 2.
Liu đang rất lo lắng cho việc kinh doanh của mình. Năm ngoái, nhà máy có vẻ yên ắng hơn bình thường, hơn nửa các hộ kinh doanh ở ngôi làng tạm bợ này đã đóng cửa bởi chính quyền dự định giải toả nơi này vào cuối năm nay.
Không ai chắc chắn cái gì sẽ thế chỗ ngôi làng, nhưng Liu nghe đồn rằng chính phủ sẽ biến vùng đất xung quanh nhà máy thành các khu vườn. Một sân bay mới đã được lên kế hoạch xây dựng ngay cạnh nhà máy. Không ai muốn thấy một ngôi làng bẩn thỉu tạm bợ khi họ đặt chân xuống sân bay cả.
Khi được hỏi sẽ làm gì sau khi giải toả, Liu mỉm cười và nói "tôi nghĩ tôi sẽ đi nơi khác, lại mở một nhà hàng khác thôi."
Muốn "được" làm thêm giờ
Mỗi ngày, các công nhân mới lại xuất hiện tại nhà máy. Cứ vài phút lại có một người mới đến bằng taxi hay xe buýt, mang theo một vali lớn và một giỏ đồ ăn. Vài người đã được nhận làm chính thức, số khác hi vọng có cơ hội được phỏng vấn tại các cơ quan tuyển dụng quanh đó.
Hầu hết những người mới đến đều biết rằng sẽ phải làm với cường độ dài dằng dặc và thường xuyên phải làm quá giờ. Có rất nhiều nhà máy để xin việc tại Trung Quốc nhưng nhiều công nhân lại đến Foxconn vì "được" làm quá giờ.
Liu giải thích: "Thường thường, công nhân không đến trừ khi có cơ hội được làm quá giờ, bởi họ muốn mức lương cao hơn."
Mức lương này thấp đến nỗi chính phủ Trung Quốc không thu thuế đối với lương công nhân. Nhưng theo các công nhân này thì lương tại Foxconn vẫn cao hơn hầu hết các công việc không đòi hỏi kỹ năng tại Trung Quốc. Thế nhưng theo các công nhân ở đây, Foxconn có mức lương cao nhất so với những công việc không đòi hỏi tay nghề cao khác ở Trung Quốc.
Mức lương tại nhà máy ở Trịnh Châu thấp hơn nhà máy ở Thâm Quyến, nhưng nhiều công nhân thích làm ở Trịnh Châu vì nó gần nhà hơn và chi phí sinh hoạt rẻ hơn.
Nhiều công nhân có thể được tăng lương lên 676 USD (gần 15,4 triệu đồng) nếu họ làm quá giờ 60 tiếng mỗi tuần. Luật Trung Quốc giới hạn chỉ cho làm quá giờ 36 tiếng mỗi tháng, nhưng nhiều báo cáo cho biết công nhân có thể làm vượt hơn rất nhiều trong các giai đoạn sản xuất cao điểm.
60 tiếng làm thêm giờ tức là một ngày làm việc 14 tiếng, bảy ngày một tuần.
"Hầu hết mọi người muốn làm thêm giờ", Zhang, một công nhân nhà máy 27 tuổi cho hay. "Nếu bạn bận một việc gì khác, có thể bạn không cần làm thêm giờ. Nhưng nếu bạn không có gì để làm, chắc chắn bạn sẽ muốn làm thêm giờ."
Sau 45 ngày thử việc, lương cơ bản có thể tăng lên khoảng 390 USD đến 500 USD. Các công nhân sẵn sàng làm ca đêm để mức lương hàng tháng của họ tăng lên tới 785 USD, kể cả phải làm thêm giờ.
Tổ chức phi lợi nhuận Sinh viên và Học giả chống bóc lột trong doanh nghiệp ước tính rằng mức lương đủ sống cho các công nhân trong nhà máy sản xuất iPhone sẽ vào khoảng 650 USD, có nghĩa là họ sẽ cần phải có rất nhiều giờ làm thêm mới có được số tiền này.
Mọi hoạt động kinh doanh ở đây đều phụ thuộc vào các công nhân
Khi ca ngày kết thúc lúc 5 giờ chiều, công nhân tràn ra khỏi cổng. Vì đây vẫn là mùa thấp điểm nên họ không phải làm quá giờ. Đường xá trở nên đông đúc hơn. Các cửa hàng dọc đường bắt đầu kiếm tiền từ hàng ngàn công nhân trên đường về nhà.
"Khu vực này có mọi thứ mà các công nhân muốn làm - thức ăn, mát-xa, phim ảnh" - Ma, một nhân viên mát-xa 25 tuổi từ Trịnh Châu, mới chuyển đến vào năm ngoái cho biết. Cô nói thêm, việc cắt giảm công nhân tại Foxconn đã ảnh hưởng đến đời sống của mọi người trong thị trấn. Trong suốt những tháng mùa hè, cô thậm chí không thể mua vé xem phim vì có quá nhiều người. Nhưng hiện tại mọi người đều chật vật. "Mọi công việc kinh doanh đều gặp khó khăn và không có lãi cho tới khi công nhân quay lại vào tháng 6. Họ còn không có đủ tiền để thuê nhà vào lúc này".
Cũng như khu vực nhà hàng tạm bợ ở trước cổng nhà máy, khu tổ hợp này cũng sống nhà máy. Đây là lúc 3 giờ chiều, nơi này không có bóng người. Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, chủ cửa hàng thì đi ngủ sau xe tranh thủ nghỉ ngơi trước khi các công nhân tan ca trong vài giờ nữa.
"Cơ hội tốt hơn chính là tương lai sáng hơn"
Chen – một công nhân 22 tuổi với khuôn mặt "búng ra sữa", cậu sống tại một ngôi làng cách đó khoảng 1 giờ đi xe, nói rằng: "Đây là một cuộc sống đơn giản - đơn giản như một ngôi làng."
Những người khác ngồi cùng bàn với Chen là Zhang, một người đàn ông 27 tuổi; Hu, một phụ nữ 28 tuổi đã kết hôn và có 2 con; và Guo - 40 tuổi rất thân thiện và lịch sự, với một bộ răng giả màu trắng ngọc trai. Guo là trường hợp ngoại lệ, bởi hầu hết công nhân tại nhà máy đề ở độ tuổi khoảng 20.
Họ đã làm việc tại nhà máy trong khoảng 1 năm, ngoại trừ Chen đã làm việc tại đây được 2 năm, hầu hết mọi người đều bỏ việc sau 1 năm. "Sau một năm, mọi người cảm thấy chán nản và muốn rời đi" Chen cho biết.
Chen và những người này không hẳn là bạn bè. Guo nói rằng họ cùng làm việc ở đội kiểm soát hàng tồn kho, là "bạn nhậu" thì đúng hơn. Đó là một công việc có mức lương khá hơn so với những người bị mắc kẹt bởi công việc hàn sàn nhà máy.
Chen và những công nhân khác thực hiện kiểm tra điện thoại sau khi lắp ráp và đóng gói.
Nhưng đó không phải là lựa chọn của họ, không được lựa chọn cho một vị trí cụ thể, công ty sẽ chỉ định vị trí làm việc cho mỗi công nhân.
"Công việc của chúng tôi thoải mái hơn", Chen nói. "Có thể nghỉ ngơi khi muốn, không như những người công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp."
Nhưng những công nhân đó có nhiều cơ hội để làm thêm giờ - và đương nhiên, mức lương sẽ cao hơn.
Theo Chen, công việc tệ nhất tại nhà máy là làm việc ở dây chuyền lắp ráp, họ phải làm cùng một công việc liên tục trong 8 hoặc 10 đến 12 tiếng một ngày. Chen đã từng làm việc tại bộ phận này và nhanh chóng cảm thấy chán nản.
Nhưng Chen nói rằng mình rất may mắn. Bởi vì anh chưa có gia đình, Chen có thể bỏ công việc này và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Nhiều người làm việc tại dây chuyền lắp ráp, còn phải kiếm tiền để nuôi gia đình, nên họ không sự lựa chọn nào khác.
Zhang rất lại cảm thông với những người không thích công việc này hoặc phàn nàn về giờ làm thêm. Anh cứ nói đi nói lại rằng: "Nếu bạn muốn làm, hãy làm ngay đi. Nếu không, hãy rời khỏi đó. Đó mới là tự do. Ngoài kia còn có nhiều công việc khác."
Trước đây, Chen không làm việc tại dây chuyền lắp ráp của Foxconn. Anh đã đi làm được 4 năm ở các nhà máy này đến nhà máy khác, cứ chuyển chỗ làm mới đến khi tìm được cơ hội tốt hơn. Như những người "bạn nhậu" của mình, Chen đã làm việc tại các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh khác như Oppo hoặc Xiaomi, tại các nhà máy sản xuất lắp ráp điều hoà, và cả trong các công trường xây dựng. Khi được hỏi rằng làm việc ở Foxconn có tốt hơn hay không, Chen chỉ trả lời: "Tất cả đều giống nhau, chỉ là để kiếm kế sinh nhai."
"Hoạt động" sau giờ làm của Chen hầu như chỉ là uống bia, anh uống đến nửa tá chai bia trong vòng vài tiếng. Trong khi đó Zhang chỉ quan tâm đến chiếc điện thoại của mình. Họ cho biết, những người khác chơi bi-a tại một quán bar gần đó, hát karaoke, chơi thể thao trong khu ký túc xá, hoặc chơi trò chơi điện tử tại những quán cà phê internet.
Giống như những người khác, Chen và Zhang sống trong ký túc xá. Chính quyền tỉnh đã chi khoảng 1 tỷ USD để xây dựng nhà ở cho hàng trăm ngàn công nhân tại nhà máy.
Chen cho biết, nhưng vì mọi người làm việc theo các ca khác nhau nên các khu ký túc xá hiếm khi đông đúc. Có một số công nhân đã phàn nàn rằng các ca làm việc xen kẽ như vậy khiến họ cảm thấy bị làm phiền và không thể ngủ ngon.
Chất lượng cuộc sống là một việc gây tranh cãi rất thường xuyên của công nhân tại Foxconn và các nhà máy Trung Quốc khác. Vào năm 2012, một số công nhân đã biểu tình tại một nhà máy của Foxconn để phản đối tình trạng vệ sinh thực phẩm kém và các ký túc xá quá đông đúc.
Những người không muốn ở ký túc xá hoặc có gia đình có thể thuê một căn hộ 1 phòng ngủ với giá khoảng 65 USD một tháng. Nhưng số đó không có nhiều.
Khi được hỏi rằng họ hy vọng những gì cho tương lai, Zhang nhún vai và nói: "Cơ hội tốt hơn chính là tương lai sáng hơn." Chen cũng có câu trả lời tương tự.
Chen cho biết, hầu hết mọi người không chỉ lo bản thân mình. Họ có con hoặc cha mẹ già trong làng cần được chăm sóc. Nếu tiết kiệm, mỗi người có thể lấy 75% tiền lương của mình để gửi về nhà hoặc rời khỏi nơi này. Nhưng nhiều người lại sử dụng chúng để uống bia và ăn uống.
Còn với Liu, khi được hỏi rằng liệu các công nhân ở Foxconn có cảm thấy hài lòng với cuộc sống này, cô chỉ cười: "Chúng tôi không có ai cảm thấy hài lòng cả. Đấy là kế sinh nhai, là cuộc sống. Chúng tôi phải làm việc cật lực dù trời có nóng như đổ lửa."
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, các nhân viên của Foxconn đã cho biết điều kiện làm việc tại đây tồi tệ không kém những nhà máy khác ở Trung Quốc, tuy nhiều trường hợp có vẻ khá khẩm hơn. Li, một công nhân kiểm tra chất lượng trên dây chuyền lắp ráp iPhone ở Trịnh Châu, trả lời South China Morning Post rằng Foxconn đã có phần ổn định hơn hầu hết các nhà tuyển dụng khác ở Trung Quốc.