Cuộc sống của những người dân Mỹ dậy từ 2 giờ sáng, mất 3 tiếng để di chuyển từ nhà tới công ty
Câu chuyện về một ngày làm việc của bà Sheila James đã phần nào cho thấy những góc khuất tăm tối mà người lao động tại Mỹ đang phải đối mặt: Chỉ đủ tiền thuê nhà cách nơi làm việc hàng trăm cây số, dậy từ 2 giờ sáng và bắt đầu ngày mới khi cả thế giới vẫn còn đang say giấc.
Sống giữa một đất nước với chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều người dân lao động tại Mỹ đã chấp nhận thuê nhà ở khu vực cách nơi làm việc tới hàng trăm cây số, dậy từ sáng tinh mơ để có thể tới công ty đúng giờ.
Và bà Sheila James, 62 tuổi – một nhân viên tư vấn sức khỏe cộng đồng cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ chi nhánh San Francisco cũng không phải ngoại lệ.
Bắt đầu ngày làm việc từ 2 giờ sáng
Với mức lương 81.000 USD một năm (tương đương hơn 150 triệu đồng mỗi tháng), bà James vẫn chẳng thể sống được ở nội đô thành phố San Francisco – nơi có giá nhà đất và sinh hoạt phí cao bậc nhất nước Mỹ.
Do đó, bà đành phải lựa chọn thị trấn Stockton thuộc hạt San Joaquin làm điểm dừng chân sau chuỗi ngày lao động vất vả: "Giá nhà đất ở đây chỉ rẻ bằng 1/4 các khu vực khác.
Nhưng đổi lại, tôi phải dậy từ sớm, vượt quãng đường gần 130 cây số bằng cách bắt hai chuyến tàu điện ngầm cùng một chuyến xe buýt để có mặt tại công ty vào đúng 7 giờ sáng".
Bà James thường dậy từ sáng sớm, tự pha cà-phê và chậm rãi thưởng thức trong căn phòng yên tĩnh.
Trên thực tế, nếu thức giấc vào 4 giờ kém thì bà James vẫn có thể tới nơi làm việc đúng giờ. Tuy nhiên, bà lại không hề muốn lao thẳng từ giường ngủ ra khỏi căn nhà nhỏ khi chưa kịp nhâm nhi ly cà-phê nóng như bao đồng nghiệp khác.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống vội vã như vậy. Tôi luôn cố tỉnh dậy vào 2 giờ 15 phút sáng, sau đó chuẩn bị tư trang cá nhân và rời khỏi tổ ấm khi mọi người mới bắt đầu thức giấc".
Bà James trong lúc đợi chuyến tàu của mình tới nhà ga quen thuộc.
Đang nhâm nhi ly cà phê vừa pha, bà James chợt nhận ra đã tới giờ di chuyển tới ga tàu điện sau tiếng chuông báo thức vào lúc 3 giờ 45 phút sáng. Bà đang dần chuyển từ trạng thái thả lỏng sang chính xác tuyệt đối khi dành đúng 11 phút để có mặt ở khu vực sảnh chờ trên chiếc xe hơi cũ của mình.
"Mọi chuyện giống hệt ngày tôi còn đi học. Khi ấy, tôi thường ngồi ở vị trí quen thuộc trên tàu điện và tranh thủ đọc sách cho đến lúc cần xuống", bà mỉm cười nói.
Trên chuyến tàu sớm, đa phần hành khách đều chọn cách ngủ bù cho vơi đi cái mệt.
Trong thập niên vừa qua, lượng khách sử dụng dịch vụ của hệ thống tàu điện Altamont Corridor Express đã tăng hơn gấp đôi, lên tới con số 2.500 người mỗi ngày.
Dẫu vậy, nhiều người dân vẫn thường lái xe hơi trực tiếp từ nhà tại hạt San Joaquin tới thẳng nơi làm việc ở thành phố San Francisco để chủ động thời gian, hay nói cách khác là có thể ngủ thêm vài tiếng nữa so với những ai di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Những chuyến tàu im lặng
Ngồi trên chuyến tàu sớm chạy về phía đèo Altamont Pass, bà James có thể chứng kiến dòng xe cộ đông đúc trên con đường cao tốc chật cứng. Những vị tài xế ấy luôn phải tập trung hết mức, đối mặt với tiếng còi xe nhức tai và chẳng kịp ăn bữa điểm tâm.
Còn bên trong toa tàu lại giống như một chuyến bay đêm với chăn mỏng, gối dựa cùng vài chiếc kính ngủ. Nếu không muốn tranh thủ chợp mắt, các hành khách có thể giết thời gian bằng cách sử dụng smartphone, laptop hoặc chăm chú đọc vài cuốn sách yêu thích.
"Sự im lặng là điều thường thấy trên mỗi toa tàu sớm. Rất hiếm khi tôi được nghe thấy tiếng trò chuyện", bà Jame nhấn mạnh.
Bà James rời tàu điện để lên xe buýt tại thị trấn Pleasanton.
Không gian yên ắng chỉ dần được phá vỡ khi đoàn tàu chuẩn bị dừng lại tại nhà ga thị trấn Pleasanton.
Lúc này, bà James cùng rất nhiều người khác mới di chuyển qua khu vực bãi đỗ nhằm kịp bắt xe buýt tới một nhà ga tàu điện ngầm khác thuộc hệ thống Bay Area Rapid Transit.
Do quá lo lắng vì sợ lỡ chuyến, một phụ nữ trẻ bỗng lên tiếng thúc giục tài xế với thái độ khó chịu. Chính sự vội vã đã khiến đám đông trưởng thành có cung cách ứng xử chẳng khác gì trẻ con.
Mức sinh hoạt phí đắt đỏ tại vịnh San Francisco
Trước đây, bà James từng sống tại thị trấn Alameda, nơi chỉ cách khu vực vịnh San Francisco chưa đầy 30km. Nhưng do khu chung cư đang thuê bị một đơn vị phát triển bất động sản mua lại nên bà đành chuyển về thị trấn Stockton.
"Tôi phải trả 1.600 USD mỗi tháng cho căn hộ tương đối chật chội. Còn ở thị trấn Stockton, tôi có thể sở hữu một căn nhà rộng rãi với mức giá rẻ hơn 600 USD".
Tuy nhiên, cuộc hành trình di chuyển vào các buổi sáng và buổi chiều trong tuần lại khiến bà gần như kiệt sức vì quá mệt mỏi.
Bình minh đã lên và bà James mới hoàn thành được một nửa cuộc hành trình mỗi sáng của mình.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân xung quanh khu vực vịnh San Francisco phải di chuyển quãng đường quá dài để đến được chỗ làm là do sự phát triển nhanh chóng của mảng kinh doanh công nghệ.
"Các kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương cao chuyển về đây càng nhiều thì giá nhà đất lại càng có xu hướng tăng cao. Bởi vậy, nếu chưa đạt mức thu nhập cần thiết thì tầng lớp bình dân phải chấp nhận tá túc ở khu vực có chi phí thấp hơn", ông Cameron khẳng định.
Bà James tiến vào nhà ga của hệ thống Bay Area Rapid Transit sau khi đã di chuyển được gần hai tiếng.
Tại thị trấn Stockton nơi bà James thức dậy, một căn nhà chỉ có giá trung bình khoảng 300.000 USD. Riêng tại khu vực nội đô thành phố San Francisco thì con số này lại đạt ngưỡng trên 1 triệu USD.
Nhưng do quá nhiều người đổ về "lánh nạn" nên giá nhà đất ở các khu vực hẻo lánh cũng tăng lên 12% trong năm qua.
Khung cảnh vắng vẻ tại nhà ga vào buổi sáng sớm.
Ngoài ra, sinh hoạt đắt đỏ cùng vấn đề đi lại khó khăn đã gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế của vịnh San Francisco nói riêng và toàn bộ bang California nói chung. Các nhà tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự.
"Ba năm trước, Oakland từng là một thành phố với mức chi phí sinh hoạt trung bình với giá nhà rơi vào khoảng 500.000 USD. Vậy mà nó bỗng tăng lên gần 700.000 USD ở thời điểm hiện tại, và thu nhập của đa phần người lao động không thể nào đuổi kịp sự thay đổi chóng mặt ấy. Họ sẽ chuyển đi.
Lúc đó, các công ty không thể tạo nhiều việc làm hơn số người muốn làm việc được", một chuyên gia kinh tế nói.
Nơi có số dân cư phải đi làm xa cao nhất nước Mỹ
Mỗi ngày, có khoảng 50.000 người sinh sống tại hạt San Joaquin phải rời nhà để tới nơi làm việc ở khu vực vịnh San Franciscon – một con số cho thấy sự phục hồi kinh tế tại đây kể từ cuộc suy thoái năm 2008.
Chính điều này khiến thị trấn Stockton trở thành nơi có mật độ dân cư phải di chuyển xa vào mỗi buổi sáng cao nhất nước Mỹ.
Chuyến tàu điện cập bến với rất nhiều ghế trống.
Việc phải di chuyển một quãng đường quá dài để tới nơi làm việc cũng không chỉ xảy ra tại bang California.
Theo thống kê, hiện đang có khoảng 3% người dân Mỹ đang phải di chuyển trên 90 phút mới có thể tới được công ty của mình, riêng thị trấn Stockton thì con số này là có 8%. Song tình trạng đó lại đặc biệt rõ ràng ở khu vực vịnh San Francisco khi mà con số ấy tăng từ 3% lên 5% trong vòng ba năm qua.
Bà James kết thúc cuộc hành trình dài đúng ba tiếng bằng cách đi bộ tới nơi làm việc.
Nhiều lúc, bà James cũng xuống ga sớm và chậm rãi đi bộ nốt quãng đường còn lại – nhưng không phải hôm nay.
Khoảng 7 giờ kém, sau thời điểm chuyến tàu điện dừng lại bên dưới khu bất động sản Civic Center của thành phố San Francisco, bà đã tự thưởng cho bản thân bằng cách đi thang cuốn lên mặt đất.
"Tôi kết thúc hành trình mỗi sáng bằng việc đi bộ từ ga tàu điện tới tòa nhà Federal Building trong vòng ba phút. Và dĩ nhiên, tôi lại mất thêm ba tiếng nữa để có thể trở về căn nhà quen thuộc khi đến giờ tan sở", bà James khẽ nói.
Thời Đại