Cuộc sống giữa những 'đám mây'
Quý Châu, một tỉnh tương đối nghèo ở Trung Quốc đang đặt cược tương lai của mình vào Big Data và điện toán đám mây. Nhưng đối với các cư dân ở đây, mọi thứ có vẻ như chẳng có gì thay đổi.
- 20-04-2020Alibaba đầu tư 28,2 tỷ USD vào điện toán đám mây để đấu với Amazon, Microsoft, tận dụng cơ hội từ Covid-19
- 04-05-2019Một Microsoft lỗi thời "lột xác" ngoạn mục dưới thời của Satya Nadella: Lượng thuê bao cao hơn Netflix, doanh thu điện toán đám mây vượt Google và trở thành công ty giá trị nhất thế giới
- 05-09-2018Chân dung gã kín tiếng trong chiếc áo polo đỏ, người mang về sự thống trị điện toán đám mây và AI của Microsoft
Những người sống ở Quý Dương, thủ phủ của Quý Châu, một tỉnh hẻo lánh và tương đối nghèo khó ở khu vực miền núi phía tây nam của Trung Quốc, thích tự châm biếm rằng nơi mình sống “không có ba tấc đất liền kề nhau, cũng chẳng có ba ngày không mưa liên tục”. Để hiểu rõ câu chuyện cười này, bạn chỉ cần nhìn vào hình ảnh vệ tinh nơi đây, vùng đất ẩn mình giữa những ngọn núi và dường như vĩnh viễn bị bao phủ bởi những đám mây.
Tuy nhiên, ngày nay, thành phố này đang được biết đến nhiều hơn với một loại mây khác. Mùa xuân năm ngoái, Quý Dương đã tổ chức Triển lãm Big Data Quốc tế Trung Quốc lần thứ 7. Đây là một phần trong các nỗ lực của chính quyền tỉnh nhằm tái định vị nơi đây trở thành "thủ đô điện toán đám mây" của Trung Quốc. Và khoảng 50 km bên ngoài Quý Dương, tại Quận mới Quý An, nơi từng là một thị trấn ít người biết đến nhưng vào năm 2017, nó đã trở thành nơi đặt trung tâm dữ liệu đầu tiên của Apple ở châu Á, với đối tác hoạt động là Guizhou-Cloud Big Data (GCBD). Nếu đăng ký tài khoản iCloud ở Trung Quốc, bạn sẽ nhận được thông báo rằng dữ liệu của mình đang được lưu trữ bởi GCBD.
Ảnh chụp từ Google Earth về trung tâm dữ liệu đầu tiên của Apple ở châu Á, tại Quý Châu, vào tháng 5 năm 2021.
Apple không phải là công ty công nghệ duy nhất xây dựng trung tâm dữ liệu ở Quý Châu. Ở quận Tân An, một loạt các trung tâm dữ liệu của hàng loạt công ty như Tencent, Huawei và Qualcomm cũng đang kèn cựa nhau. Dòng vốn đầu tư mới đã và đang làm biến đổi nền kinh tế ở khu vực nghèo nàn này. Những vùng đất chỉ cách đây khoảng một thập kỷ vẫn là các nông trại miền nùi, nay đã trở thành những con đường rộng lớn hay các tòa nhà cao tầng lấp lánh.
Mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc không còn là một câu chuyện mới, nhưng quy mô của những thay đổi đang diễn ra ở Quý Châu vẫn rất ấn tượng. Hình ảnh vệ tinh tua nhanh theo thời gian cho thấy những khu ổ chuột đang trở thành thành phố, những ngọn đồi bị san bằng và những cây cầu cũng như đường hầm đã phá vỡ những rào cản từng được tạo ra bởi núi và sông. Kính thiên văn hình cầu một khẩu độ lớn nhất thế giới, FAST, được xây dựng trong một hố sụt tự nhiên ở huyện Bình Đường, cách Quý Dương khoảng 150 km. Và nếu nhìn thẳng xuống con quái vật khổng lồ cao 500 mét này qua ống kính của một camera vệ tinh, bạn sẽ cảm thấy như thể nó đang nhìn ngược lại.
Và thậm chí, ngay cả hình ảnh vệ tinh cũng có thể không nắm bắt được những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng xung quanh Quý Dương. Tính đến cuối năm 2021, hình ảnh từ Google Earth vẫn cho thấy trung tâm dữ liệu GCBD - hiện đã hoàn thiện như một khu phức hợp mới - vẫn đang bị bao quanh một phần bởi bụi bẩn. Tuy nhiên, tốc độ phát triển chóng mặt của Quý Châu chỉ là một phần của câu chuyện. Các thành phố có thể được xây dựng trong một sớm một chiều, nhưng con người thì thường di chuyển chậm hơn rất nhiều.
Ông Wu tạo dáng chụp ảnh, năm 2021.
Ở tuổi sáu mươi, anh em nhà Wu biết mọi ngóc ngách của cụm hang động đá vôi có cấu tạo giống như mê cung uốn lượn giữa các thung lũng của quê hương họ trên bờ sông Cách Đột (Getu), với la bàn chính là cả tuổi thơ đã dành vô số thời gian để khám phá.
“Không có điều gì thực sự thay đổi”, họ vừa nỏi vừa tình cờ cạy mở một thạch nhũ nhô cao, để lộ ra tảng đá màu hồng bên trong.
Những mỏm đá này và những hang động đang che giấu chúng, chính là thương hiệu vốn có của khu vực cảnh quan rừng núi đá vôi ở Quý Châu. Cao nguyên này từng là đại dương bao la, nhưng các chuyển động của lớp vỏ Trái đất đã khiến các mảng kiến tạo nâng lên, và biển rút dần để lộ ra các vùng đất bằng cùng những dãy núi rải rác với hang động, hố sụt, thác nước và sông ngầm.
Vào năm 2021, một nhà địa chất đi qua sân bay Long Động Bảo của Quý Dương đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các viên đá được sử dụng trong phòng tắm của sân bay có chứa hóa thạch động vật có vỏ với niên đại hàng trăm triệu năm. Cũng chính những viên đá đó, chứa rải rác với những hóa thạch làm bằng chứng về quá khứ xa xôi của Quý Châu, đang được sử dụng trong các dự án xây dựng trên khắp tỉnh này.
Các dự án bùng nổ về Big Data, cũng như các trung tâm dữ liệu ở tỉnh này đã tìm ra cách khai thác địa chất độc đáo của khu vực, bằng cách nép mình vào các hang động và thung lũng để giảm năng lượng và chi phí xây dựng. Trung tâm dữ liệu Seven Star sắp hoàn thành của Tencent là một ví dụ về tính thẩm mỹ trong thiết kế dạng này. Công ty đã dành toàn bộ một ngọn đồi cho trung tâm dữ liệu của mình, tận dụng khí hậu ôn hòa của tỉnh và không gian ngầm rộng lớn bên dưới mặt đất để giữ cho các máy chủ mát hơn, từ đó tiết kiệm về mặt kinh tế.
Nhưng không phải tất cả các công ty đều tìm cách bản địa hóa hoạt động của mình ở một mức độ cao như vậy. Cách trung tâm dữ liệu của Tencent không xa, Huawei đã xây dựng một khuôn viên theo phong cách châu Âu vốn rất được ưa thích của mình. Được thiết kế để giống một thị trấn ở trời Tây, các tòa nhà của nó được chạm khắc theo phong cách Romanesque và những nét kiến trúc đặc trưng khác. Còn trung tâm dữ liệu Apple gần đó cũng phản ánh tính thẩm mỹ riêng của công ty, hơn là điều kiện địa phương. Nó là một khối lập phương phẳng, sạch, màu trắng tối giản, nổi lên giữa các vùng núi đá vôi xung quanh.
Quang cảnh khuôn viên Huawei ở tỉnh Quý Châu, năm 2021.
Mức độ mà các công ty công nghệ đang bản địa hóa hoạt động của họ cũng vẫn còn hạn chế. Tháng 2 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã chính thức khởi động sáng kiến “dữ liệu ở phương đông, điện toán ở phương tây”. Ý tưởng của nó là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của miền Tây - đất rẻ, thủy điện dồi dào và nhiệt độ tự nhiên mát hơn - để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra ở các vùng duyên hải đông dân hơn của đất nước. Quý Châu, Ninh Hạ và Nội Mông được cho là sẽ đóng vai trò là xương sống của dự án, nhưng cho đến nay, hầu hết các công việc liên quan đến dữ liệu ở những khu vực này đều tập trung vào các lĩnh vực cấp thấp như dọn dẹp và phân loại dữ liệu.
Tương tự, bất chấp lượng dữ liệu khổng lồ được kính thiên văn FAST thu thập, có rất ít dấu hiệu cho thấy Quý Châu sẽ sớm trở thành trung tâm nghiên cứu thiên văn học. Thay vào đó, hầu hết dữ liệu FAST được gửi đi phân tích cho các tổ chức nghiên cứu ở Bắc Kinh và trên toàn thế giới.
Quang cảnh khuôn viên Tencent ở tỉnh Quý Châu, năm 2021.
Quý Châu cũng là một trong những khu vực đa dạng về sắc tộc nhất ở Trung Quốc. Một số ít phụ nữ Miao trong trang phục truyền thống làm công việc dọn dẹp và quét dọn tại một trung tâm dữ liệu đang được xây dựng ở Quý An. Vào cuối ngày, họ có thể được nhìn thấy đang làm vải thêu với các hoa văn truyền thống. Những người thân của họ ở làng quê giờ đã quen với đèn đường năng lượng mặt trời và các ứng dụng mới do GCBD điều hành.
Tuy nhiên, không phải ai cũng khó chịu với việc Quý Châu bị "gạt ra ngoài lề". Một sinh viên trẻ tốt nghiệp đại học người dân tộc Miao nói rằng anh ấy đang làm việc trong chi nhánh Quý Dương của một công ty công nghệ hàng đầu. Mặc dù công ty vẫn tiếp tục đặt cơ sở kinh doanh cốt lõi và công việc R & D ở các thành phố hạng nhất, nhưng sự xem nhẹ chi nhánh Quý Châu đã giúp anh có nhiều thời gian và không gian hơn để theo đuổi sở thích của mình. Anh cho rằng không nên phát triển trí tuệ nhân tạo để bắt chước con người. Vì vậy, anh thường dành thời gian rảnh để chơi với AI và viết một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về giám sát Big Data.
Tham khảo Sixthtone
Pháp luật & Bạn đọc