MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống hiện tại của nam diễn viên nổi tiếng với câu nói 'Biết rồi, khổ lắm nói mãi'

16-08-2023 - 16:30 PM | Sống

Ít ai biết NSƯT Đức Khuê là diễn viên tay ngang, không được đào tạo bài bản. Vì đam mê nghệ thuật, anh từng xin làm bảo vệ giữ xe ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Hạnh phúc vì được quen mặt, nhớ tên

NSƯT Đức Khuê bén duyên với nghệ thuật từ các tiểu phẩm của chương trình Gala Cười và nhiều phim truyền hình như Lập trình cho trái tim, Tết này ai đến xông nhà, Những người nhiều chuyện, Mùa hoa tìm lại, Đấu trí…

Những vai diễn của NSƯT Đức Khuê thường theo một mô tuýp quen thuộc: hiền lành, khắc khổ, ngẩn ngơ, nhu nhược, hài hước… nhưng vai nào cũng được khán giả yêu mến bởi sự chân chất, gần gũi. Có thể nói, hài kịch Bệnh nói nhiều đã giúp tên tuổi Đức Khuê phủ sóng.

Nhắc đến NSƯT Đức Khuê là nhắc đến loạt câu nói “cửa miệng” một thời: “Ở đời phải biết mình là ai”, “Trời không mưa vẫn mặc áo mưa”, “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, “Giá trị đảo lộn hết cả, chả biết đường nào mà lần”...

Theo Đức Khuê niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ chính là được khán giả “quen mặt, nhớ tên”. Diễn viên Quỳnh Nga - người từng đóng chung phim Lập trình cho trái tim với NSƯT Đức Khuê chia sẻ về đàn anh: “Đôi khi diễn viên trẻ không nhớ thoại, nhưng với anh Khuê thì điều đó rất khó xảy ra. Anh ấy thực sự chăm chút cho vai diễn, dù là những chi tiết nhỏ nhất”.

Chia sẻ trong chương trình Lời tự sự ngày 16/8, NSƯT Đức Khuê nói mong muốn của nghệ sĩ là sáng tạo, đem đến những hình tượng nhân vật mới, khác cái tôi cá nhân và những vai diễn cũ.

“Tôi có những tiêu chuẩn cao hơn một chút, không hẳn là khó tính. Với tôi, tiêu chí đầu tiên là thời gian có cho phép mình cộng tác được với dự án đó hay không. Sau đó là vai diễn và cuối cùng là tổ chức sản xuất. Hiện tôi vẫn công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ nên nhiều khi có vai diễn hay, dù tiếc đứt ruột đứt gan cũng đành từ chối”, NSƯT Đức Khuê nói.

Bên cạnh đó, NSƯT Đức Khuê cho rằng áp lực với nghệ sĩ là “vượt qua chính mình”. “Tôi đã từng bị ám ảnh bởi những vai diễn cũ. Làm sao phải thoát được nhân vật và mang thông điệp của tác phẩm. Diễn viên khắc họa nhân vật theo tưởng tượng của tác giả. Lý tưởng nhất là tất cả bộ phận sáng tạo đều chung một đích là hình tượng nhân vật và thông điệp của tác phẩm”, anh nói.

Cuộc sống hiện tại của nam diễn viên nổi tiếng với câu nói 'Biết rồi, khổ lắm nói mãi' - Ảnh 1.

Tôi rèn luyện cho mình thói quen, lên sàn diễn là gạt đi tất cả, tập trung vào vai diễn. Lúc đó, không còn cái tôi nữa mà là sống cùng nhân vật

'Tôi không cho phép mình chán nản'

Ít ai biết NSƯT Đức Khuê là diễn viên tay ngang, không được đào tạo bài bản. Anh từng xin làm bảo vệ ở Nhà hát Tuổi trẻ. Vốn đam mê nghệ thuật từ nhỏ, NSƯT Đức Khuê bày tỏ sự ngưỡng mộ trước dàn nghệ sĩ đình đám của nhà hát khi ấy: Lê Khanh, Anh Tú, Chí Trung, Minh Hằng, Lan Hương…

NSƯT Đức Khuê thi tuyển diễn viên khóa 4 của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1990. Sau 5 năm, anh tốt nghiệp loại xuất sắc với vai ông Nhân trong vở Người lang thang không cô đơn của tác giả Minh Chuyên.

Đó cũng là vai diễn sân khấu đầu tiên của Đức Khuê. Chàng trai ngoài 20 tuổi gây ấn tượng khi vào vai ông già hơn 60 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp, NSƯT Đức Khuê gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ. Về sau, anh học thêm một khóa đạo diễn ở Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Đức Khuê chia sẻ gia đình anh không có ai làm nghệ thuật. Lần đầu mở lời với bố về quyết định có tính chất bước ngoặt này, nam diễn viên nhận được lời khuyên nên cân nhắc bởi con đường nghệ thuật nhiều chông gai và không có đích đến.

Tuy nhiên, Đức Khuê kiên trì với đam mê của mình dù không biết có thành công hay không. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, NSƯT Đức Khuê thừa nhận mình không đẹp trai, không thể đóng những vai hoàng tử hay vua. Vì không có thế mạnh về hình thể nên anh thường nhấn vào tính cách.

“Tôi tiếp cận với từng nhân vật khác nhau, tưởng tượng để làm sao cho hài hòa nhất”, anh nhấn mạnh.

NSƯT Đức Khuê chia sẻ anh không cho phép bản thân chán nản, luôn cố gắng lạc quan, nạp năng lượng mới để làm tốt nhất công việc. Trên sân khấu, anh tự nhủ phải làm chủ cảm xúc. Người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật mang cảm xúc tới cho khán giả, muốn họ cười hay khóc, vui hay buồn thì cần làm chủ cảm xúc.

“Tôi rèn luyện cho mình thói quen, lên sàn diễn là gạt đi tất cả, tập trung vào vai diễn. Lúc đó, không còn cái tôi nữa mà là sống cùng nhân vật”, nam diễn viên chia sẻ.

Nhìn lại quãng đường đã qua, NSƯT Đức Khuê khẳng định anh luôn cảm thấy hạnh phúc vì mỗi bước đi của mình. Với anh, thành công là cảm nhận của mỗi người, không được đánh giá bằng bằng khen hay giải thưởng. “Tôi đơn giản lắm, tôi sống cuộc đời nhẹ nhàng, chân thành”, anh nói.

Theo Đỗ Quyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên