MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống khó khăn, người Nga rộ mốt đầu tư lướt sóng

27-04-2018 - 15:04 PM | Tài chính quốc tế

Năm ngoái, sàn giao dịch Moscow đã mở đến 250.000 tài khoản day trading mới cho người dân, nâng tổng số tài khoản giao dịch lên mức 1,4 triệu.

Sau khi nghỉ việc tại một nhà máy sản xuất tên lửa không gian thời Chiến tranh Lạnh ở Moscow với mức lương 400 USD một tháng, Natalia Orlova lúc nào cũng "dán mắt" vào điện thoại, sử dụng ứng dụng giao dịch trong ngày (day trading) để đầu cơ giá dầu. Đúng như tên gọi, day trading là chiến thuật giao dịch trong đó tài sản được mua và bán lại trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí là trong ngày nhằm kiếm lời từ chênh lệch giá.

Gần đây, người phụ nữ 54 tuổi này đã kiếm được một khoản tiền không nhỏ khi giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong gần 4 năm qua, đặc biệt khoản lời này gắn liền với các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga. Cũng như cả chục nghìn người Nga khác, Orlova cho biết day trading chính là chìa khóa để sống sót trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay. Bà vừa mua một chiếc Infiniti mới và đang tiết kiệm để mua một căn hộ cho hai người cháu trai của mình.

Tại một quán café gần căn hộ từ những năm 1950 ở vùng ngoại ô phía tây Moscow, Orlova chia sẻ: "Thị trường tài chính là nơi bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình và thoát khỏi cảnh nghèo đói. Từ tối hôm qua, tôi đã kiếm được 1,5 triệu rúp (24 nghìn USD) rồi."

Phần lớn người Nga sẽ phải làm việc nhiều năm mới có thể kiếm được số tiền lớn như Orlava. Cho dù họ đang thử vận may của mình trên thị trường hay là lái xe Uber, khai thác Bitcoin ở Siberia hoặc hi vọng sẽ kiếm bộn tiền nhờ nổi tiếng trên YouTube, ngày càng có nhiều người Nga đang làm công việc thứ hai để cuộc sống bớt khó khăn hơn.

Mấy năm gần đây kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái trong bối cảnh giá dầu giảm, và tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ quyết định trừng phạt công ty sản xuất nhôm khổng lồ United Rusal Co., khiến đồng rúp giảm đến 8% trong tháng 4 vừa rồi, là mức thấp nhất kể từ năm 2015. Việc này đẩy nhanh nguy cơ lạm phát dù lam phát mới chỉ giảm xuống dưới mức 4% vào năm ngoái sau nhiều năm tăng cao.

Nước Nga ngày càng có nhiều day trader

Mặc dù thị trường thì luôn bấp bênh, day trading ngày càng phổ biến với người Nga. Năm ngoái, sàn giao dịch Moscow đã mở đến 250.000 tài khoản giao dịch trong ngày mới cho người dân, nâng tổng số tài khoản giao dịch lên mức 1,4 triệu. Các nhà giao dịch cá nhân đứng sau khoảng 37% khối lượng giao dịch chứng khoán và 7% khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối.

Xét theo nhiều góc độ thì hiện tượng này xuất phát từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin và mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến ở Syria và cáo buộc của Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài. Trong ngày 9/4 - ngày giao dịch đầu tiên sau khi Hoa Kỳ cập nhật danh sách các cá nhân và công ty Nga bị liệt vào danh sách trừng phạt, có 4.000 tài khoản đăng ký mới, cao gấp 4 lần so với bình thường.

Sở giao dịch chứng khoán Moscow thậm chí còn tổ chức các đợt đào tạo và các cuộc thi cho các "day trader" nhằm theo dõi hoạt động của họ và ngăn chặn các tay chơi nghiệp dư bị lỗ lớn, mặc dù, sự hiện diện của họ vẫn chưa đủ lớn để thực sự tạo sức ảnh hưởng đến những thay đổi về giá.

Tuy nhiên, cùng với sự bất định của các nguy cơ địa chính trị, nhà đầu tư rất dễ rơi vào cảnh "cháy tài khoản". Cũng như các nhà đầu tư khác, Alexander Semenyakov, một lập trình viên máy tính tại Moscow, kinh doanh các cổ phiếu của Nga trong thời gian rảnh rỗi, đã lơ là các lệnh trừng phạt mới nhất. Và anh đã mất một nửa số tiền kiếm được trong năm ngoái khi chỉ số chứng khoán chuẩn giảm 8,3%.

Semenyakov nói rằng: "Thật may mắn vì tôi đã không sử dụng hết số tiền tiết kiệm của mình. Hiện tại thị trường chứng khoán vẫn rất khắc nghiệt, rất nhiều người đã mất số tiền lớn." Tuy vậy, anh vẫn nghĩ rằng tốt hơn là nên đầu tư. Các khoản thu nhập cá nhân của người Nga chỉ mới bắt đầu hồi phục sau hai năm sụt giảm kể từ năm 2015 khi giá dầu giảm.

Khoản đầu tư mạo hiểm

Orlova đã quen với việc mạo hiểm. Sau khi đầu tư vào cổ phiếu của công ty dầu Yukos, khi mà một trong những cổ đông lớn nhất của công ty này bị bắt giữ vào năm 2003, bà đã bán gian hàng dụng cụ làm bếp ở một ga tàu điện ngầm tại Moscow để đầu tư hết số tiền đó vào thị trường chứng khoán.

Bà cũng có được "sự đền đáp" xứng đáng, cho đến khi toàn bộ số tiền tiết kiệm bị "thổi bay" trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2014 khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Lúc đó, bà đã phải kiếm tiền bằng cách làm một công việc bán thời gian tại Trung tâm Vũ trụ Khrunichev, nơi chế tạo các tên lửa Proton, cho đến khi bà có thể vực lại.

Ở tuổi 55 khi đã nghỉ hưu, Orlova nói rằng đầu tư là cách duy nhất để giúp đỡ con gái mình, là một nhà thơ, và hai cháu trai 3 và 8 tuổi. Trong quý cuối của năm 2017, dữ liệu giao dịch cho thấy bà đã kiếm được 4,5 triệu rúp. Bà cho hay: "Tôi phải để lại cho con gái và cháu một thứ gì đó, bởi không biết chúng sẽ sống như thế nào nếu thiếu tôi."

Hương Giang

Thời Đại

Trở lên trên