MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống khó tin trong những ngôi nhà 2 mét vuông giữa lòng Phố cổ Hà Nội

"Nếu có ai đề nghị cho tôi một ngôi nhà to hơn - đổi lấy đôi chân của tôi, tôi sẽ trao nó cho họ trong tích tắc" - ông Hoàng Văn Xuân, một người 56 tuổi sống trong một căn gác nhỏ xíu ở Phố cổ Hà Nội nói.

Bên cạnh những con đường đẹp như tranh mà khách du lịch yêu thích, có rất nhiều cư dân sống trong cảnh nghèo khó, trong những không gian siêu nhỏ - như ông Xuân.

Căn gác rộng 5 mét vuông của ông nhỏ đến nỗi ông không thể đứng thẳng. Nấm mốc bám đầy trên tường và chỉ có các tấm kim loại mỏng manh để chống ẩm. Không có giường. Một chiếc chăn in hình hoa hồng, được trải trên một tấm nệm đã cũ.

"Không có cửa hay khóa. Nếu trộm vào thì chỉ phí thời gian của chúng vì tôi chẳng có gì quý giá" - ông nói.

Cuộc sống khó tin trong những ngôi nhà 2 mét vuông giữa lòng Phố cổ Hà Nội  - Ảnh 1.

Xuân đang xem tin tức trong ngôi nhà nhỏ bé của mình, trong một con hẻm ngoài phố Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: Sen Nguyễn

Khu Phố cổ Hà Nội có từ thời phong kiến, trước năm 1945, với mỗi con phố dành riêng cho một ngành thương mại hoặc thủ công khác nhau. Chẳng hạn, có những con phố chuyên bán giày dép, đồ chơi hoặc vàng mã giấy, nhưng trong những năm gần đây, nhiều người Hà Nội đã có tham vọng kinh doanh lớn hơn.

Thương mại đã phát triển mạnh ở thủ đô trong 4 thập kỷ, kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong khu Phố cổ, các tòa tháp văn phòng lấp lánh được thuê bởi các ngân hàng và các công ty, nằm cạnh những ô cửa sổ vẫy gọi của khách sạn, cửa hàng sang trọng và các cửa hàng khác bán giày dép, lụa, đồ trang sức, thủ công, hàng truyền thống và các món ngon của thành phố.

Xuân là một trong những cư dân sống lâu năm giữa sự xa xỉ này. Ông kiếm được một khoản thu nhập ít ỏi từ việc giao hàng từ các cửa hàng quần áo trong khu phố cổ đến các trạm xe buýt, để được phân phối đến các cửa hàng khác nhau trong nước. Ông cũng lái xe ôm, kiếm khoảng 100.000 VND mỗi ngày.

Nhưng ngay cả khi sự phổ biến của các nền tảng gọi xe bùng nổ, cái nghèo với ông - người không quen với việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh - vẫn chưa thể kết thúc

"Tôi thậm chí không thể đỗ xe và ngồi trên xe trên vỉa hè, để khách có thể nhìn thấy tôi", anh nói.

Cuộc sống khó tin trong những ngôi nhà 2 mét vuông giữa lòng Phố cổ Hà Nội  - Ảnh 2.

Một người bán bò bía bên ngoài cửa hàng Cartier ở khu phố cổ của Hà Nội. Ảnh: Chris Humphrey

Mùa đông của Hà Nội nổi tiếng với cái lạnh ẩm ướt và nhiệt độ có thể xuống dưới 10 độ C, nhưng ông Xuân thích cái lạnh này hơn so với mùa hè. Căn phòng nhỏ bé của ông bị dột nặng trong những cơn mưa mùa hè. "Mùa hè ở đây ngột ngạt lắm" - ông nói.

Từ một gia đình có tám người con, ông Xuân đã sống trên gác mái gần 50 năm, từ khi còn là một cậu bé. Anh trai của ông sống cùng gia đình trong một căn phòng lớn hơn bên dưới gác mái, nhưng những anh chị em khác của ông đã chuyển đến các khu khác của Hà Nội hoặc chuyển ra nước ngoài.

Ông Xuân từng sống chung với vợ cũ một thời gian, nhưng năm 2002, bà đi theo người khác, và từ đó ông Xuân "gà trống nuôi con". Họ sống cùng nhau trên gác mái cho đến khi Thủy - con trai ông - bước sang tuổi 22, khi việc chật chội trở nên quá sức chịu đựng. Ông Xuân gửi Thủy đến sống chung với mẹ và dượng, cách 14km từ khu Phố cổ: "Tôi cũng buồn khi không sống cùng nó, nhưng tôi không thể chăm sóc nó và nó cần nhiều không gian hơn".

Trong một ngôi nhà khác, gần nhà ông Xuân, một người đàn ông đơn thân 72 tuổi đã sống cùng con trai trưởng thành trong căn phòng chỉ rộng 2 mét vuông kể từ năm 1992. Không có đủ không gian cho cả hai duỗi chân mà không va vào nhau.

"Đây là chiếc lều hiện đại của tôi" ông Chu Văn Cao nói. Món đồ đắt nhất trong "lều", theo ông Cao, là một chiếc quạt nhựa có giá 250.000 VND. 

Cuộc sống khó tin trong những ngôi nhà 2 mét vuông giữa lòng Phố cổ Hà Nội  - Ảnh 3.

Tường và sàn của căn phòng nhỏ xíu được phủ bằng thảm mà Cao nói là ông được hàng xóm cho. Chỉ có hai món đồ nội thất: kệ kim loại và tủ quần áo bằng nhựa trắng - do Chu Anh Vân, con trai 31 tuổi của ông Cao làm.

Anh Vân, hiện đang làm việc tại một cửa hàng đồ nội thất, bắt đầu sống với bố, vài ngày sau khi bố mẹ chia tay khi anh lên sáu. Hai cha con đã tập mặc quần dài trong tư thế ngồi - vì trần nhà thấp đến mức không thể đứng thẳng để thay đồ. Từng là một phần của ngôi nhà của Cao, căn phòng gác mái nhỏ bé là không gian duy nhất ông còn lại, sau khi bán hầu hết mọi thứ ông sở hữu để trả nợ vì làm ăn thất bát.

Những ngày này, ông Cao kiếm đủ tiền để sống bằng cách làm vài công việc vặt tại một số quán cà phê trong khu Phố cổ.

"Tôi vẫn có tiền để ăn hàng ngày. Tôi thích ăn phở, nhưng tôi thực sự không thể nhai thịt bò vì tôi làm gì còn răng nữa", ông nói, cười khúc khích.

Ánh sáng duy nhất trên gác mái của anh đến từ một chiếc đèn bàn. Hàng xóm của ông cho phép ông cắm nhờ.

Cuộc sống khó tin trong những ngôi nhà 2 mét vuông giữa lòng Phố cổ Hà Nội  - Ảnh 4.

Là một cựu chiến binh và cựu giáo viên, Cao có một sự phấn khởi và sức sống đáng kinh ngạc khi sống trong căn phòng chật chội này. "Đây chưa là gì so với thời tôi phục vụ trong quân đội hồi chiến tranh với Mỹ," ông nói. Tôi phải ngủ trên võng, dưới xe; đầy muỗi rừng và bom tấn công.

Cũng như việc thiếu ánh sáng, các căn phòng nhỏ của ông Cao và ông Xuân cũng không có nước, nhà vệ sinh hay nhà bếp. Họ dùng nhà vệ sinh chung - được chia sẻ bởi các gia đình trong hẻm.

Khu Phố cổ của Hà Nội là một trong những khu vực đông dân nhất của thủ đô. Khu phố này được biết đến với những ngôi nhà ống hẹp cực kỳ hẹp, chật chội mọc lên trong thời kỳ khan hiếm đất đai. 

Sau khi thực dân Pháp rời Việt Nam năm 1954, những người đến làm việc tại Hà Nội đã được phân chỗ ở trong những ngôi nhà này, nhưng nó chỉ là một sự sắp xếp tạm thời, theo một tác giả người Canada sống ở Hà Nội từ năm 1998 và đã viết hai cuốn sách về những ngôi nhà cổ của Hà Nội.

Sau một thời gian dài bị tàn phá bởi chiến tranh rồi lại tái thiết trong nhiều thập kỷ, đất ở khu Phố cổ hiện được bán với giá cắt cổ - khoảng 1 tỷ VND (43.000 USD) mỗi mét vuông - và chủ sở hữu có thể kiếm được một khoản tiền lớn bán những ngôi nhà chật hẹp.

Tuy nhiên, đối với một số người, sau nhiều thế hệ, họ không còn nơi nào để đi nữa. Công việc của họ ở khu vực trung tâm và họ không cũng thể mua nổi một ngôi nhà khác ở khu trung tâm.

Về phần mình, ông Xuân đã chán ngấy căn gác rộng 5 mét vuông của mình và mơ ước về một ngôi nhà lớn hơn, yên tĩnh hơn, không có nấm mốc. "Nếu một số cặp vợ chồng già có một ngôi nhà lớn hơn mà không có ai chăm sóc họ, tôi rất sẵn lòng trở thành con nuôi của họ và trông chừng họ", ông nói.

Nhưng ông Cao, cựu chiến binh lớn tuổi chen lấn trong căn phòng rộng 2 mét vuông, thì lại hạnh phúc với nơi mình đang sống. "Vài người ở chính quyền địa phương và các tổ chức khác đã đề nghị đưa tôi đến một nơi khác, nhưng tôi không muốn đi", ông ấy nói. "Tôi coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất. Ngoài ra, tôi thích khu Phố cổ".

Hoàng An

South China Morning Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên