Cuộc sống trong những "căn hộ hộp diêm" chật hẹp nhất ở Hồng Kông
Phóng viên Fiona Sun của South China Morning Post đã đến thăm một số căn nhà hộp diêm tồi tàn nhất ở Hồng Kông (Trung Quốc).
- 12-09-2022Các thị trường bất động sản 'hot' nhất thế giới bắt đầu sụt giá, nhiều người lao đao vì nợ thế chấp
- 12-09-2022Giữa bão suy thoái, các gã khổng lồ bán lẻ mạnh tay chi hàng chục tỷ USD vào đâu?
- 12-09-2022Một quốc gia ngập trong rác nhựa: Góc khuất phía sau chiến dịch "tẩy xanh" của những gã khổng lồ tiêu dùng
Siumei (tên thật đã được thay đổi) chuẩn bị bữa tối trong căn phòng chưa đầy 10m2 mà cô gọi là nhà ở Vượng Giác. Trong khi đó, cậu con trai 7 tuổi làm bài tập về nhà trên chiếc giường cạnh đó.
Người phụ nữ 42 tuổi này sống cùng con trai và người mẹ 70 tuổi trong một căn hộ nhỏ đến nỗi không đủ chỗ cho một căn bếp riêng.
Người lớn dùng bữa trên một chiếc bàn có thể gấp lại còn cậu bé ngồi ăn trên giường. Một sợi dây treo quần áo được mắc ngang phía trên chiếc giường.
Sau bữa tối, Siumei chơi với con trai trong khi mẹ cô ngồi xem tivi. Thỉnh thoảng, cả ba cùng nhau ra ngoài đi dạo để có thể rời xa không gian chật chội được một lát.
Nhà tắm 1m2 của họ bị bồn cầu và bổn rửa mặt chiếm gần hết diện tích. Nhà tắm nhỏ đến mức Siumei phải đứng bên ngoài để giúp con trai tắm. Hệ thống thoát nước bị tắc buộc họ phải tắm nhanh trong vòng 5 phút, nếu không nước thải bốc mùi sẽ tràn ngập sàn nhà.
Siumei trong căn hộ chia nhỏ ở Vượng Giác. Ảnh: Jonathan Wong
Siumei và con trai cùng nằm ở tầng trên của chiếc giường để mẹ của cô có thể ngủ tầng dưới. Đôi khi, họ bị giật mình bởi những con chuột gặm nhấm đồ đạc. Gián và chuồn chuồn thì họ bắt gặp thường xuyên.
Căn hộ của họ có một cửa sổ, khi mở ra mùi hôi của rác sẽ xộc vào nên luôn được đóng kín. Hệ thống thông gió kém khiến nơi ở của họ luôn ngột ngạt. Dù vậy, họ chỉ bật điều hoà vào ban đêm để tiết kiệm điện.
Siumei kết hôn năm 2009 và ly hôn sau 6 năm. Cô cho biết: “Khi con trai tôi hỏi tại sao chúng tôi lại sống ở một nơi nhỏ bé như vậy, tôi chỉ có thể nói với con rằng tôi quá nghèo để có thể xoay xở cho ngôi nhà lớn hơn”.
Cô trả khoảng 4.000 đô la Hồng Kông – HKD (tương đương 513 USD) một tháng cho căn hộ chia nhỏ thuộc toà chung cư 7 tầng đã xây được hơn 50 năm. Số tiền thuê nhà chiếm hơn một nửa thu nhập mà cô kiếm được hàng tháng từ công việc bán thời gian tại một nhà hàng.
Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) có khoảng 110.000 căn hộ chia nhỏ từ 2m2 đến 18,5m2. Những căn hộ này khét tiếng về điều kiện không đạt tiêu chuẩn, vệ sinh kém và các mối nguy về cháy nổ và an ninh.
Môi trường sống thiếu thốn gây thiệt hại nặng nề cho sức khoẻ và tinh thần của hơn 220.000 người sống trong đó.
Phần lớn các căn hộ chia nhỏ đều nằm trong các chung cư cũ nát. Nhiều căn được gọi là “toà nhà 3 không”: không chủ sở hữu là các tập đoàn, không có tổ chức của cư dân hoặc không có công ty quản lý bất động sản.
Kết quả từ một cuộc khảo sát do Cục Nhà ở và Giao thông công bố vào tháng 3/2021 cho thấy những lo ngại về việc nguồn cung điện, luật pháp và trật tự. Việc thiếu những lối thoát hiểm đề phòng xảy ra hoả hoạn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến những người thuê căn hộ chia nhỏ không hài lòng.
Giáo sư Yau Yung của Đại học Lĩnh Nam cho biết việc chia nhỏ các căn hộ thường dẫn đến các lối thoát hiểm bị thu hẹp, dài và bị tắc. Đồng thời, hệ thống thông gió kém khiến khói khó phân tán.
Một số vách ngăn phòng không có khả năng chống cháy. Việc nấu ăn trên lửa trong các căn hộ nhỏ hẹp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ hoả hoạn.
Bộ Xây dựng cảnh báo rằng việc loại bỏ các bức tường sẵn có của căn hộ và lắp đặt các vách ngăn mới để chia thành các căn nhỏ hơn có thể ảnh hưởng xấu đến vấn đề vệ sinh và an toàn, đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng của người thuê nhà.
Bộ đã ban hành 1.913 lệnh dỡ bỏ các công trình như vậy trừ năm 2016 đến năm 2020. Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã đưa ra 475 yêu cầu và thêm 18 lệnh dỡ bỏ trong 3 tháng đầu năm nay.
Ở Hồng Kông đông đúc, nguy cơ hoả hoạn luôn rình rập trong những căn hộ chia nhỏ. Ảnh: Sun Yeung.
Không gian sống nhỏ nhất tại Hồng Kông (Trung Quốc) phải kể đến “nhà lồng” hay “nhà hộp diêm”. Bộ Nội Vụ cho biết số lượng nhà lồng được cấp phép giảm từ 15 căn trong năm 2011 xuống còn 9 căn trong năm 2022.
Nhưng các nhân viên xã hội cho biết còn nhiều căn nhà lồng nhỏ chỉ chưa đến 2m2 đang tồn tại mà không có giấy phép hay được ghi chép.
Yau Sai, 68 tuổi, trả 2.000 HKD một tháng cho khoang phòng giống như hộp diêm trong căn hộ chung cư không có giấy phép cùng với 18 người đàn ông và phụ nữ khác ở Vượng Giác.
Sau khi kết thúc công việc của mình tại một nhà máy thực phẩm ở Thuyên Loan và trở về nhà vào đêm muộn, người đàn ông độc thân mở khoá căn hộp và trèo vào một cách cẩn thận để không bị cộc đầu.
Các hộp được xếp chồng lên nhau từ sàn cho đến trần thành ba tầng ngăn cách nhau bởi các lớp ván gỗ. Mỗi hộp như vậy vừa đủ cho một người nằm.
Căn hộp diêm của Yau Sai nằm kẹp giữa hai người thuê phía trên và dưới. Người đàn ông cao 1m80 không thể nằm duỗi thẳng chân vì một nửa chiếc giường để chứa đồ đạc cá nhân.
Yau Sai, 68 tuổi, trả 2.000 HKD một tháng để ở trong một không gian chật hẹp. Ảnh: Xiaomei Chen
Tất cả 18 người thuê nhà dùng chung một căn bếp nhỏ và 3 phòng tắm. Chủ nhà từng thuê một người ở trọ dọn dẹp các khu vực chung, nhưng việc này đã dừng lại khiến không gian sinh hoạt chung trở nên bẩn thỉu.
Để đảm bảo sự riêng tư, Yau Sai luôn đóng cửa căn hộp của mình, nhưng điều đó cũng không ngăn được âm thanh của những người thuê nhà khác đang nói chuyện, gọi điện thoại hoặc xem tivi.
Ông lướt điện thoại để đọc tin tức và xem video trước khi ngủ. Đôi khi, ông bị giật mình tỉnh giấc khi người thuê phía trên vô tình đạp vào ván gỗ.
Một đêm không ngon giấc có thể khiến Yau Sai hôm sau bị đau lưng. Ông luôn khoá căn hộp của mình, mang theo tất cả tiền mặt và thẻ ngân hàng mỗi khi ra khỏi nhà.
Ông nói thêm rằng với thu nhập hàng tháng khoảng 10.000 HKD, ông không thể tìm được nơi ở nào tốt hơn.
Theo một báo cáo về chất lượng sống của các căn hộ chia nhỏ do Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SoCO) công bố vào tháng 8/2021, gần như tất cả 347 hộ gia đình được khảo sát đều phàn nàn về các vấn đề vệ sinh.
Trần nhà của một căn hộ bị hư hỏng. Ảnh: Edmond So
Trong một cuộc khảo sát khác của SoCO đối với 385 hộ gia đìng sống trong nhà lồng và buồng nhỏ năm 2020, cứ 3 hộ gia đình thì có một người thấy bất an khi phải ở nhà trong thời gian đại dịch Covid-19 và họ sợ bị lây nhiễm virus.
Hơn một nửa số người được khảo sát phải dùng nhà vệ sinh chung với 7-10 người khác. Một số phải dùng chung với 16-20 người. Nhiều người phàn nàn rằng các khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, nhà tắm không được dọn dẹp sạch sẽ trong thời gian đại dịch bùng phát.
Các nhân viên xã hội cho biết việc sống trong điều kiện tồi tệ như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của người thuê nhà.
Một cuộc khảo sát do Tổ chức phi chính phủ Phát triển Cộng đồng Caritas thực hiện từ năm 2020 – 2021 với 527 hộ gia đình đang sống trong những căn hộ tồi tàn, bao gồm cả những căn hộ chia nhỏ. Những người tham gia khảo sát sẽ chấm điểm tình trạng sức khoẻ và tinh thần của họ trên thang điểm 100.
3/5 số người khảo sát cho điểm sức khoẻ thể chất dưới 50 và hơn 9/10 số người cho điểm sức khoẻ tinh thần dưới 50 điểm.
Nhiều người bị căng cơ, mắc các bệnh tim mạch và gặp các vấn đề về hô hấp cũng như rối loạn tâm thần. Một số người đổ lỗi do điều kiện sống tồi tệ của họ.
Wong Siu-Wai, người giám sát công tác xã hội cấp cao của tổ chức phi chính phủ, cho biết trẻ em sống trong các căn hộ chia nhỏ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về mắt cao hơn do thiếu ánh sáng tự nhiên. Nhiều trẻ em cũng gặp vấn đề về cột sống khi phải học trên giường.
Bà Wong nói: Nhà ở có tác động đáng kể đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của con người”.
Một cuộc khảo sát khác cho thấy 3/4 trong số 78 người sống trong các căn hộ thiếu thốn bị trầm cảm từ trung bình cho đến nặng. Hơn nữa, 2/5 số người mắc chứng lo âu từ trung bình đến nghiêm trọng.
Một cư dân sống trong căn hộ chia nhỏ ở Thâm Thuỷ Bộ. Ảnh: Xiaomei Chen
Nhân viên xã hội Poon Wing-shan cho biết việc chia sẻ không gian nhỏ thường dẫn đến xung đột và những người thuê nhà không có nơi để xả stress. Họ cũng phải chịu gánh nặng về tiền thuê nhà, chiếm khoảng 40 đến 50% thu nhập của họ.
Cô cho biết những người thuê nhà thường xuyên sống trong tình trạng bất an, bị chủ nhà tăng tiền thuê nhà và phụ phí, Họ nơm nớp lo sợ bị đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào.
Một số cha mẹ cảm thấy tội lỗi về việc không thể cung cấp một môi trường tốt cho con cái của họ. Ảnh: Dickson Lee
May Lau, 34 tuổi, là 1 bà nội trợ. Gia đình của cô chuyển đến một căn hộ nhỏ rộng 150 m2 ở Kwai Chung với giá 6.300 HKD/tháng vào tháng 6 năm ngoái. Nhưng với thu nhập hàng tháng của chồng cô là khoảng 14.000 HKD, dưới mức nghèo khổ của Hồng Kông đối với một hộ gia đình ba người, họ không thể mua được bất cứ căn nhà nào lớn hơn.
Ở nhà một mình, đôi khi Lau lo lắng lo lắng tiền thuê nhà của họ có thể tăng lên và sợ điều kiện sống khổ sở của gia đình sẽ ảnh hưởng đến con gái cô.
“Đó không phải là một ngôi nhà. Tôi không có cảm giác thân thuộc ở đây”, Lau nói.
Nguồn: SCMP
Nhịp Sống Thị Trường