Cước vận tải giảm nhiệt theo giá xăng dầu
Một số doanh nghiệp vận tải cho biết đã điều chỉnh giá cước khi xăng dầu liên tục đi xuống nhưng vẫn nhiều lo âu vì lượng khách chưa phục hồi hoàn toàn.
- 23-09-2022Đấu giá biển số ô tô đẹp: Biển Hà Nội, TP.HCM khởi điểm 40 triệu đồng
- 23-09-2022Tắm thật nhanh, lái xe thật chậm, tắt điện tháp Eiffel: Nghìn lẻ một cách tiết kiệm năng lượng ở châu Âu cho mùa đông
- 22-09-2022Cận cảnh Yamaha Grande 2022 vừa ra mắt, siêu tiết kiệm xăng, 1.66 lít/100km
Trả lời PV VTC News, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại - Dịch vụ Đất Cảng nói: “Trước việc giá xăng dầu liên tục giảm, chúng tôi đã giảm giá cước vận tải 15% từ tháng trước. Mức giảm này bằng đúng mức tăng lúc giá xăng dầu lên cao đỉnh điểm".
Ông Hải cho biết thêm, việc điều chỉnh này là điều tất yếu trong bối cảnh xăng dầu đã giảm giá sâu. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được lợi gì nhiều trong bối cảnh hiện nay, khi lượng khách vẫn rất èo uột, chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Hiện lãnh đạo nhà xe Đất Cảng đang rất đau đầu tìm cách để tăng lượng khách di chuyển nội địa, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt tỏ ra vui mừng vì giá xăng dầu liên tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà xe này cho biết chưa giảm giá cước vì thời điểm xăng ở đỉnh điểm họ không tăng giá cước.
Hãng xe Sao Việt tính toán giảm giá cước nếu xăng dầu tiếp tục bình ổn và có xu hướng giảm.
“Thời điểm chúng tôi kê khai giá cước là vào khoảng thời gian giá xăng dầu tương đương hiện tại nên không điều chỉnh tăng. Do đó bây giờ chúng tôi chưa thực giảm giá cước. Tuy nhiên, nếu xăng dầu tiếp tục bình ổn và đi theo xu hướng giảm, chắc chắn chúng tôi sẽ tính toán để điều chỉnh", ông Bằng cho biết.
Tương tự, đại diện nhà xe Minh Tuấn (Yên Bái) nói: “Xăng dầu giảm giá là tín hiệu đáng mừng đối với chúng tôi bởi chúng tôi hoạt động ở quy mô nhỏ. Trước đây, khi giá xăng dầu tăng mạnh, nhà xe không tăng giá cước vì e ngại phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp và khó cạnh tranh với các hãng khác cùng tuyến. Thời điểm đó, chỉ còn cách duy nhất là bán “lốt", giảm xe để duy trì”.
Nhà xe này trước dịch có 4 xe hoạt động liên tục, còn giữa đại dịch, ngoài thời gian phải dừng hoạt động theo quy định thì có thời điểm chỉ còn vận hành 1 trong tổng số 4 xe vì quá vắng khách, giá xăng dầu lại đắt đỏ.
“Chi phí xăng dầu chiếm 30-40% tổng chi phí hoạt động của đơn vị vận tải. Trong khi đó, hết dịch khách cũng ít đi lại khiến công việc của chúng tôi rất khó khăn. Hiện tại giá xăng dầu đã giảm gần như về mức thấp trước đây và điều này là điểm mấu chốt để chúng tôi tự tin hoạt động, không lo lắng phải bù lỗ cho mỗi chuyến nữa”, đại diện nhà xe nói.
Theo thống kê của Bộ GTVT, ở lĩnh vực đường bộ, đến thời điểm hiện tại khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đ/km) tương đương từ 4,5% đến 12%; Khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm từ 5,26% đến 14,7%; các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.
VTC