Cước vận tải 'nhấp nhổm' theo giá xăng dầu
Sau 4 lần giá xăng dầu tăng liên tiếp, nhiều doanh nghiệp đã “rục rịch” lên phương án tăng cước vận tải. Điều này nếu diễn ra sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Doanh nghiệp "nghe ngóng"
Từ ngày 5/9, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá xăng đồng loạt. Cụ thể, xăng RON 92 thêm 306 đồng/lít, xăng E5 tăng 285 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 155 đồng/lít, dầu hỏa tăng 149 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 43 đồng/kg. Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng tăng, với tổng mức tăng 1.777 đồng/lít (tương đương tăng 10,8%) tính từ tháng 7/2017.
Từ ngày 5/9, giá xăng A92 tăng thêm 306 đồng/lit. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Tính từ đầu năm 2017, với 7 lần tăng giá (thêm 2.934 đồng/lít) và 7 lần giảm (bớt được 2.682 đồng/lít), 3 kỳ điều chỉnh giữ nguyên giá, giá xăng đã tăng thêm 261 đồng/lít.
Qua ghi nhận, những lần thị trường vận tải tăng giá cước theo giá xăng dầu trước đây, thì khi giá xăng dầu cứ tăng khoảng 5%, thì các doanh nghiệp sẽ xem xét điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí đầu vào. Do vậy, lần này việc giá xăng đã tăng 10,8% và dầu diesel tăng 8,6% cũng sẽ khiến các doanh nghiệp vận tải “nhấp nhổm” đề xuất phương án tăng giá cước.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khi được hỏi đều nói đang “nghe ngóng” thị trường và chưa có phương án tăng giá cước chính thức gửi các cơ quan chức năng, nhưng khẳng định nếu giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp khó “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, việc tăng giá cước là không đơn giản.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, doanh nghiệp vận tải truyền thống đang phải cạnh tranh rất lớn, nhất là với loại hình vận tai công nghệ, thường có những chương trình khuyến mại, giảm giá rất mạnh. Đó là chưa kể, mỗi lần trình phương án điều chỉnh giá cước phải trải qua khá nhiều thủ tục…
Còn theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện việc điều chỉnh giá xăng dầu đang theo chu kỳ chỉ có 15 ngày, song các doanh nghiệp vận tải, taxi khó có thể tăng, giảm liên tục theo chu kỳ đó, nên phải tính toán dự liệu kế hoạch kinh doanh trong một thời gian nhất định.
Các chuyên gia nhận định, trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, các doanh nghiệp vận tải phải giải bài toán cơ cấu chi phí hợp lý, phương án tăng giá liệu có được thị trường chấp nhận hay không? Giá cước vận tải hiện nay hoàn toàn do thị trường quyết định, nên mức giá phải có sức cạnh tranh cả về giá lẫn chất lượng.
Không phê duyệt tăng giá cước theo giá xăng
Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), trong tháng 8/2017, Sở GTVT Hà Nội đã nhận được các đăng ký phương án tăng giá cước vận tải, nhưng đều không phê duyệt, vì các doanh nghiệp đề xuất đều chưa thực hiện đúng theo quy định về phương án tính giá, không thể hiện các chi phí để cấu thành giá, không có cột chi phí tính giá liền kề để so sánh đối chiếu.
Nhiều doanh nghiệp vận tải nhấp nhổm tăng giá cước theo giá xăng dầu tăng để bù đắp chi phí. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Đồng thời, Sở GTVT đã có Văn bản số 2522/SGTVT-KHTC về việc bình ổn giá cước vận tải hành khách bằng ô tô, nội dung văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố rà soát các chi phí cấu thành giá; không kê khai tăng giá cước, chủ động điều chỉnh giảm giá cước, tổ chức thu giá cước theo đúng phương án đã kê khai, có văn bản và phương án giá gửi về Sở GTVT Hà Nội.
Được biết, Thông tư 233/2016/BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2014/TT-BTC ngày 28/04/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá đã quy định rõ nếu doanh nghiệp tăng giá trong phạm vi 5% thì họ có quyền chủ động tăng, nhưng phải gửi kê khai giá lên Sở GTVT, nơi doanh nghiệp đăng ký đăng ký kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp phải trung thực trong việc kê khai, nêu cụ thể các căn cứ để đề xuất tăng giá...
Báo Tin tức