Cuối 2018 sẽ có một số văn bản pháp lý cho condotel
Đây là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018 do Tạp chí The Leader tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
Ông Khởi dẫn chứng trong thời gian qua, thị trường bất động sản phát triển rất nhanh. Tính tới cuối năm 2017 có gần 4.500 dự án nhà ở tại các địa phương, đặc biệt là tại các đô thị phát triển, với khoảng 108 nghìn ha đất, tổng diện tích nhà ở theo quy hoạch khoảng 493 triệu m2. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng có chỗ đứng riêng.
"Trước đây nói tới thị trường bất động sản, gần như chúng ta chỉ nói tới thị trường nhà ở là chính. Nói về giao dịch, tồn kho, nợ xấu bất động sản, chủ yếu là trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, vấn đề bất động sản du lịch đã nổi lên rất nhanh. Bất động sản du lịch không chỉ phát triển ở 28 tỉnh thành có biển, mà còn rất nhiều tỉnh thành khác không có biển. Đó không chỉ mô hình kinh doanh khách sạn, mà còn nhiều loại hình kết hợp khác nữa, chẳng hạn như condotel, shophouse, resort…" - ông Khởi cho biết.
Theo thẩm quyền được phân giao lên Bộ Xây dựng thẩm định, thiết kế, từ 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định sơ bộ 25.000 căn condotel, officetel. Chưa kể hàng chục nghìn căn do địa phương thẩm định. Tập trung vào Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang...
Toàn cảnh diễn đàn
Nguồn cung về bất động sản du lịch, ngoài khách sạn bình thường còn nổi lên là một lĩnh vực kinh doanh rất mới tại Việt Nam, không chỉ dành cho nhà kinh doanh chuyên nghiệp mà cả các nhà đầu tư. Quy hoạch đến năm 2020, du lịch phấn đấu thu hút 58 triệu lượt khách du lịch, nói như vậy để thấy rằng, cơ hội để tham gia vào du lịch biển đang còn là một tiềm năng.
Ông Khởi cho rằng tiềm năng là vậy nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, về cơ sở pháp lý: Hiện chưa có quy định rõ ràng về loại hình bất động sản này.
"Bất động sản du lịch có nhiều loại, nếu mô hình khách sạn bình thường thì đã có đầy đủ hình thức quản lý, còn đối với những loại hình mà chúng ta vẫn quen gọi là "đứa con lai" như condotel thì chưa rõ ràng, chưa minh bạch và tồn tại nhiều điều lo lắng đối với nhà đầu tư khi muốn "rót" tiền đầu tư vào loại hình bất động sản này" - ông Khởi cho biết.
Vướng mắc thứ 2 được ông Khởi nêu ra là về vấn đề đất đai, được sử dụng đất ổn định lâu dài hay không?. Theo luật đất đai đã là đất ở thì được sử dụng lâu dài nhưng condotel thì không. Đây là loại hình bất động sản du lịch nhưng nó lại là có một phần lưu trú nên dẫn đến vấn đề thiếu vắng một số cơ sở pháp lý. Đó chính là lý do vì sao vừa qua có một số tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua, cùng với đó phát sinh một số thắc mắc của chủ đầu tư đối với cơ quan quản lý như việc cấp sổ đỏ…
Tiếp theo, một vấn đề được quan tâm lớn đó việc quản lý vận hành condotel. Việc quản lý vận hành sẽ như thế nào, có thành lập ban quản trị hay không, có phải đóng phí bảo trì hay không?
Ở góc độ quản lý, ông Khởi cho biết Bộ Xây dựng hoàn toàn đồng tình với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý du lịch và bất động sản du lịch biển phát triển bền vững vì đây là nhu cầu tất yếu, góp phần thúc đẩy kinh tế, bộ mặt của đất nước.
"Bộ đang nghiên cứu trong thời gian tới sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với loại hình condotel. Đồng thời nghiên cứu ban hành văn bản về quản lý vận hành condotel, tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra về sau. Dự kiến cuối 2018 năm hoặc đầu năm 2019 sẽ có một số văn phân định rõ ràng về loại hình này" – ông Khởi khẳng định.
Diễn đàn doanh nghiệp