MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối năm, lao động mất việc làm tăng

Cuối năm, lao động mất việc làm tăng

Nêu thực tế tình hình việc làm của người lao động hiện nay, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc. Như vậy, có 42.000 gia đình, tương đương 100.000 người bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp mất đơn hàng, lao động mất việc

Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, qua khảo sát gần 330 doanh nghiệp (DN), thành phố có khoảng 108.000 người bị ảnh hưởng do DN giảm đơn hàng. Trong đó, số giảm giờ làm khoảng 102.000 người và hơn 6.000 người khác mất việc; Lao động trên 35 tuổi khoảng 40.000 người, lao động mang thai và nuôi con nhỏ khoảng 8.000 người.

Theo ông Đô, dự báo sản xuất kinh doanh của DN sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 1 và có thể kéo dài hết quý II/2023, dẫn tới nhiều người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Đáng lo ngại, tình hình nợ bảo hiểm xã hội sẽ gia tăng và quyền lợi người lao động sẽ bị ảnh hưởng, nhất là chế độ của người lao động yếu thế, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ. "Qua thống kê, khoảng 59% DN nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn" - ông Đô nói.

Còn tại Bình Dương, ông Đặng Tấn Đạt - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động Bình Dương chia sẻ, số người lao động giảm giờ làm của tỉnh này khoảng 240.000, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 140.000. Số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000.

Nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng ở tình trạng tương tự. Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

“Hơn lúc nào hết phải có chính sách thoả đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như để DN duy trì, tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển. Bên cạnh chính sách cấp bách thì cần chính sách lâu dài về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, việc làm…” – ông Hiểu nhấn mạnh.

Mức hỗ trợ chưa phù hợp

Thực tế trước làn sóng bị mất việc làm do DN thiếu đơn hàng, chính quyền nhiều địa phương đã phối hợp với tổ chức Công đoàn, DN có những chính sách hỗ trợ cho người lao động, đơn cử như hỗ trợ tiền từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng/người. Song theo các chuyên gia với mức hỗ trợ này rất khó để người lao động cầm cự chứ chưa nói để tìm đến công việc mới ổn định.

Điều tra mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; 59% không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng, 16,7% có tích luỹ, duy trì từ 1-3 tháng; 12,7% có tích luỹ, có thể "cầm cự" trên 3 tháng. Ngoài ra, 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn, nếu không sớm có giải pháp hỗ trợ khẩn cấp sẽ có hàng chục nghìn gia đình rơi vào tình cảnh túng quẫn vì thất nghiệp. Đề xuất cơ chế hỗ trợ cho người lao động, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các DN, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, thời gian tới, cần thực hiện những chính sách đã đưa ra trước đó cho người lao động (như hỗ trợ người lao động về các dịch vụ xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…). Ngoài ra, cần chính thức hoá các chính sách tạm thời (như hỗ trợ nhà ở cho người lao động), có thể bằng những văn bản ghi nhớ, hoặc cùng DN thoả thuận, đưa vào các thoả ước lao động tập thể.

TP Hồ Chí Minh chăm lo Tết, hỗ trợ người lao động mất việc

Sở Lao động - Thương binh Xã hội (LĐTBXH) và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đã bắt tay vào triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết và hỗ trợ công nhân, người lao động trên địa bàn. Số liệu thống kê cho biết, tính đến nay, trên địa bàn TP HCM có gần 30 DN thông báo cắt giảm lao động vì nhiều lý do.

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán 2023, ngoài nguồn kinh phí khoảng 140 tỷ đồng chăm lo Tết, LĐLĐ thành phố cũng đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện và TP Thủ Đức tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ, chăm lo, lập danh sách điều chỉnh theo thực tế phát sinh. Trong đó, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” sẽ tặng 30.000 - 35.000 vé xe đò, tàu hỏa, vé máy bay cho NLĐ gặp khó khăn. Riêng “Chuyến tàu mùa xuân” trong năm thứ 3 tổ chức sẽ hỗ trợ khoảng 500 hộ gia đình tại các khu chế xuất về quê ăn Tết.

Theo Lê Anh

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên