MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối tuần rồi, đi xem phim thôi và bạn sẽ nhận lại những hiệu quả "giảm đau" không ngờ!

24-09-2016 - 23:45 PM | Sống

Khoa học chứng minh, những cảm xúc có được khi theo dõi một bộ phim tác động rõ rệt đến cơ thể con người, giải phóng chất giúp giảm đau và tăng cường khả năng gắn kết.

Các chuyên gia của trường đại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu tác dụng của việc xem phim đối với con người. Kết quả thí nghiệm đăng trên báo Open Science cho thấy, những bộ phim chính kịch hay tình cảm có khả năng kích hoạt hormone Endorphins, một loại chất được xem là “liều thuốc giảm đau tự nhiên” của cơ thể. Endorphins giúp con người cảm thấy thoải mái, dễ chịu và dễ dàng trở nên gắn kết với nhau hơn.

Giáo sư Robin Dunbar, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ về đề tài: Từ khi con người sống ở thời kì săn bắn hái lượm, nhu cầu và cảm xúc thích thú đối với những câu chuyện kể đã được hình thành. Nhu cầu thưởng thức chuyện hư cấu được coi là dấu hiệu văn hóa rõ nét của xã hội loài người, tuy nhiên cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tiến hành các nghiên cứu về cơ sở cũng như sự phát triển của nó.

“Chuyện hư cấu là đối tượng được nghiên cứu rộng rãi bởi đó là một đặc điểm quan trọng của xã hội loài người, phổ biến ở mọi nền văn hóa”, giáo sư Robin nói. “Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao chuyện hư cấu có thể khiến con người trở nên say mê và chức năng của nó lại chưa được nghiên cứu nhiều bởi các nhà tâm lý học và nhà sinh học hành vi”.

Chuyện hư cấu đem lại hiệu quả xã hội tốt: những câu chuyện dân gian giúp cha ông truyền đạt lại các kinh nghiệm, bài học trí tuệ cho đời sau, giúp người gần người hơn. Nhưng những mặt tích cực đó lại chưa hoàn toàn lý giải nguyên nhân khiến con người thường xuyên tìm đến chuyện để được giải trí.

Xuất phát từ cơ sở đó, các nhà khoa học của trường đại học Oxford đã tiến hành thí nghiệm để biết được liệu những câu chuyện hay bộ phim hư cấu có thể khiến cơ thể con người tiết ra hormone Endorphins (chất sinh ra từ não bộ giúp giảm đau) hay không. Họ cho các đối tượng tham gia thí nghiệm theo dõi bộ phim Stuart: A Life Backwards, kể về câu chuyện bi kịch của người đàn ông vô gia cư có tuổi thơ đầy khó khăn và một nhóm đối tượng khác thì xem phim tài liệu về chủ đề trung lập.

Các nhà khoa học kiểm tra sự thay đổi trong khả năng chịu đau của các đối tượng trước và sau khi xem phim để từ đó tìm ra mối liên hệ với việc giải phóng hormone Endorphins.

“Những người có phản ứng mạnh mẽ đối với bộ phim thì khả năng chịu đau cũng tăng lên cùng với cảm xúc muốn gần gũi với những người khác”, giáo sư Robin cho hay.

Theo giáo sư, sự đồng cảm của con người đối với những câu chuyện tình cảm hư cấu khiến chúng ta trở nên gắn kết hơn. Hiệu quả này của hormone Endorphins cũng đã được chứng minh khi chúng ta cùng xem phim hài, hát hay nhảy múa.

Hormone Endorphins được coi là “liều thuốc giảm đau tự nhiên” cho cơ thể.

Hormone Endorphins được coi là “liều thuốc giảm đau tự nhiên” cho cơ thể.

“Kết quả thí nghiệm không khẳng định rằng hormone Endorphins là lý do duy nhất khiến con người say mê chuyện hư cấu. Vẫn còn những khía cạnh khác của tâm lý con người cần được nghiên cứu, tuy nhiên chúng tôi tin rằng đó là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới nhu cầu thưởng thức các tác phẩm hư cấu của con người”, ông nói thêm.

Nghiên cứu của giáo sư Robin là sự kết hợp khá độc đáo giữa các nhà nghiên cứu tới từ lĩnh vực khoa học và nghệ thuật trong đó có sự tham gia của tiến sĩ Sophie Duncan, một học giả chuyên nghiên cứu về Shakespeare.

Trong bài phỏng vấn với trang BBC News tiến sĩ cho biết, bà muốn hiểu được cách thức cũng như lý do các tác phẩm nghệ thuật hư cấu có thể lôi cuốn con người. “Cơ thể bạn tiết ra nhiều hormone Endorphins khi xem phim, đọc chuyện hư cấu. Thường thức phim bi kịch có lợi cho sức khỏe, nó làm tăng hormone Endorphins, “liều thuốc giảm đau tự nhiên” của cơ thể”, bà nói.

Nguyễn Nguyễn

BBC

Trở lên trên