Cưỡng chế thu hồi đất của Công ty cổ phần May Hai: Những ý kiến trái chiều
Lãnh đạo quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng khẳng định, thu hồi đất tại số 72 Lạch Tray là đúng quy định, nếu doanh nghiệp thấy không đúng có thể khởi kiện UBND quận, thành phố. Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hải Phòng có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về xử lý thu hồi đất sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp.
Hải Phòng khẳng định doanh nghiệp thấy không đúng có thể khởi kiện ra tòa
Như VOV.VN đã phản ánh , sau quyết định cưỡng chế thu hồi đất Công ty cổ phần May Hai tại số 72 Lạch Tray (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) ngày 31/10. Nhiều vấn đề được đặt ra về pháp nhân “Công ty May Hải Phòng, nay là Công ty cổ phần May Hai”; vấn đề xử lý sử dụng đất sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đặt ra.
Hai quan điểm được người đại diện của Công ty cổ phần May Hai nêu lên đó là: Pháp nhân của Công ty cổ phần May Hai độc lập, được hình thành từ phương án cổ phần hóa do chính UBND thành phố Hải Phòng (năm 2004). UBDN quận Ngô Quyền ra văn bản ghép “Công ty May Hải Phòng nay là nay là Công ty cổ phần May Hai" là hoàn toàn sai lệch, không có căn cứ pháp lý, nhằm hợp thức hóa việc thu hồi đất.
Điểm thứ 2, từ năm 2005, khi thành lập doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty cổ phần May Hai, đất đai do công ty quản lý phải giải quyết theo phương án cổ phần hóa, theo các quy định về cổ phần hóa, việc thu hồi khu đất số 72 Lạch Tray vì hết hạn thuê đất không đúng theo quy định về cổ phần hóa.
Về các vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền cho biết: Từ năm 2005 khi Công ty cổ phần May Hai được thành lập trên phương án cổ phần hoá, Công ty cổ phần May Hai tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất, pháp lý, con người, tài sản và cả dư nợ của Công ty May số 2 Hải Phòng mà trước đó là Công ty May Hải Phòng (sáp nhập vào). Khi cổ phần hóa doanh nghiệp ký thuê đất mới, hạn định là được 50 năm, về nguyên tắc thành phố cũng làm cho như quy định, nhưng Công ty cổ phần May Hai lại thực hiện không đủ điều kiện tiếp tục thuê đất 50 năm, thành phố Hải Phòng rất muốn làm.
“Đến năm 2007, khi hợp đồng thuê đất tại số 72 Lạch Tray hết hạn thì có 2 hướng một là làm thủ tục thuê mới với thời hạn 50 năm, hai là kết thúc hợp đồng thuê đất, thành phố Hải Phòng hướng dẫn nhưng Công ty cổ phần May Hai không thể làm đủ thủ tục, điều này hoàn toàn do công ty. Từ năm 2007 đến năm 2018 rất nhiều lần các sở, ngành của thành phố Hải Phòng muốn công ty hoàn thiện thủ tục để thực hiện thuê đất nhưng không thể hoàn thiện được” - ông Nguyễn Quốc Thái nói.
Trong phương án cổ phần hóa của Công ty cổ phần May Hai cũng có một trụ sở tại Kiến An, một khu đất tại khu công nghiệp Tân Liên, công ty có nhiều cơ sở để sản xuất, khu vực số 72 Lạch Tray là lõi của đô thị thành phố Hải Phòng, về quy hoạch sẽ không còn cơ sở sản xuất. Theo yêu cầu đây là khu vực phải thu hồi khi hết hạn hợp đồng, thanh lý và chuyển đổi mục đích sử dụng, ông Nguyễn Quốc Thái cho biết thêm.
Về vấn đề pháp nhân “Công ty May Hải Phòng nay là Công ty cổ phần May Hai" ông Nguyễn Quốc Thái lý giải: Công ty May Hải Phòng và Công ty May số 2 Hải Phòng được sáp nhập vào theo quyết định của UBND thành phố Hải Phòng. Công ty May số 2 Hải Phòng tiếp nhận toàn bộ tài sản, con người, công nợ của Công ty May Hải Phòng, đây là nhận nguyên trạng. Sau đó thành phố cổ phần hóa Công ty May số 2 Hải Phòng thành lập doanh nghiệp sau cổ phần hóa là Công ty cổ phần May Hai. Như vây, ở đây có liên quan đến nhau, không phải hai pháp nhân khác nhau.
"Tại sao có câu chuyện "Công ty May Hải Phòng nay là Công ty cổ phần May Hai" vì đấy là công ty gốc để thuê đất số 72 Lạch Tray của thành phố" - ông Nguyễn Quốc Thái nói.
Việc thu hồi đất ở 72 Lạch Tray là do hết hạn thuê, còn việc sử dụng đất không đúng mục đích của doanh nghiệp chưa được đề cập đến, như tại khu đất 72 Lạch Tray doanh nghiệp cho thuê các gian hàng bên ngoài thu hàng tỷ đồng, đây là ưu ái của thành phố Hải Phòng cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thái thông tin.
“Nếu doanh nghiệp thấy rằng quyết định thu hồi đất không đúng, có thể khởi kiện ra tòa, UBND thành phố sẵn sàng trả lời, tiếp nhận việc doanh nghiệp kiện ra toà” - ông Nguyễn Quốc Thái khẳng định.
Công ty cổ phần May Hai được quyền cho thuê cửa hàng theo đăng ký kinh doanh
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Hai, ông Đỗ Nam Hải cho biết: “UBND quận Ngô Quyền và thành phố Hải Phòng đang nhầm lẫn giữa lịch sử hình thành và việc cổ phần hóa. Hiện tại thì từ khi cổ phần hóa theo quyết định của thành phố chỉ có một pháp nhân mới tồn tại là Công ty May Hai. Việc áp một quyết định hành chính “Công ty May Hải Phòng, nay là Công ty cổ phần May Hai” là không đúng chủ thể.
Về việc xử lý đất đai sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần May Hai có quyết định cổ phần hóa năm 2004 và thành lập năm 2005, theo quy định khi cổ phần hóa khi không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp, phần đất đai đang sử dụng được làm thủ tục thuê lại với thời hạn 50 năm. Với các doanh nghiệp cổ phần hóa trước năm 2007, khu đất được thuê lại không phải xây dựng dự án, kế hoạch kinh doanh…
Như vậy, UBND thành phố Hải Phòng phải cấp cho Công ty cổ phần May Hai hợp đồng thuê đất 50 năm từ khi cổ phần hóa theo quy định chứ không phải tính thời gian thuê đất của công ty còn 2 năm như hợp đồng thuê cũ của pháp nhân Công ty May Hải Phòng đã không còn tồn tại. Về thủ tục tiếp tục thuê sau khi cổ phần hóa chính quyền quận Ngô Quyền cho rằng do doanh nghiệp không hoàn thiện đủ, không làm đủ, nhưng chính các thủ tục đó là do hướng dẫn của chính quyền để doanh nghiệp làm, đại diện Công ty cổ phần May Hai nêu ý kiến.
“Lãnh đạo quận Ngô Quyền cho rằng đã ưu ái cho doanh nghiệp khi sử dụng đất sai mục đích ở số 72 Lạch Tray cho thuê làm cửa hàng. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần May Hai có danh mục ngành nghề kinh doanh là cho thuê nhà ở, nhà phục vụ các mục đích kinh doanh (kiốt, trung tâm thương mại). Vì vậy, việc cho thuê cửa hàng của doanh nghiệp là được phép, các hợp đồng thuê, hóa đơn thu tiền thuê… đều được đơn vị của thuế Hải Phòng kiểm tra” - ông Đỗ Nam Hải nói.
Công ty cổ phần May Hai cũng đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ để khởi kiện những quyết định sai quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và hàng trăm cổ đông, ông Đỗ Nam Hải cho biết.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng lên tiếng
Ngày 6/11/2024, Hiệp hội Dệt may Việt Nam gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ báo cáo sự việc của Công ty cổ phần May Hai. Văn bản Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu: “Qua xem xét các tài liệu và đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, Hiệp hội nhận thấy Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hải Phòng là không đúng về thể thức và lý do thu hồi đất, cụ thể:
Về căn cứ pháp lý: Quyết định thu hồi đất được thiết lập căn cứ vào quyết định cho thuê đất với Công ty May Hải Phòng, pháp nhân không còn tồn tại từ năm 2001, trong khi Công ty cổ phần May Hai được thành lập năm 2005.
Về đối tượng áp dụng: UBND thành phố đưa thêm cụm từ “nay là Công ty cổ phần May Hai” sau Công ty May Hải Phòng để tạo thành pháp nhân ảo và sử dụng tên ảo này trong các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế. Việc làm này là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Về xác định định thời hạn thuê đất: UBND thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào Quyết định số 1545 (ngày 8/9/1997) về việc cho thuê đất đối với Công ty May Hải Phòng (pháp nhân đã giải thể từ năm 2001) để xác đinh thời hạn thuê đất của Công ty cổ phần May Hai chỉ được 2 năm. Cách lý giải này là hoàn toàn trái với Nghị định 187 (năm 2004); Nghị định 181 (năm 2004) của Chính phủ và Thông tư 09 (năm 2006) của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Theo quy định tại các văn bản này, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp được sử dụng đất theo hình thức thuê trả tiền hàng năm, thời hạn thuê được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai chứ không bị giới hạn bởi thời hạn thuê đất của pháp nhân cũ đã giải thể”.
Văn bản Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng chỉ ra nhiều hệ lụy từ kinh tế, xã hội… và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hải Phòng xem xét vấn đề này, thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định thu hồi đất tại số 72 Lạch Tray.
Ngày 22/11/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng “Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ chuyển hai văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đến UBND thành phố Hải Phòng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, ngày 25/10/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hải Phòng đã gửi “Báo cáo và kiến nghị khẩn cấp” gửi Thủ tướng Chính phủ về quá trình thực hiện chính sách hậu cổ phần hóa liên quan đến việc thuê đất, thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa tại thành phố Hải Phòng.
Trong báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hải Phòng không chỉ có nội dung vướng mắc khu đất số 72 Lạch Tray của Công ty cổ phần May Hai mà còn rất nhiều các doanh nghiệp cổ phần hóa đang vướng mắc. Có những doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chỉ có duy nhất một địa điểm sản xuất kinh doanh nhưng bị thu hồi đứng trước nguy cơ phá sản.
Các vấn đề về xử lý thuê đất, thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa tại thành phố Hải Phòng VOV.VN sẽ tiếp tục đề cập.
VOV