“Cường Phò Mã” và câu chuyện nhà sáng lập truyền nghề “độc” cho con rể
Suốt 3 năm đầu không bán được hàng, Nguyễn Tiến Cường từng bị bạn bè bảo là hâm khi bỏ việc, bán sạch cổ phần tại một công ty phần mềm đang ăn nên làm ra để theo học nghề làm dép lốp của bố vợ.
Trước khi bắt tay vào làm dép lốp, anh nghĩ về sản phẩm này như thế nào?
Tôi biết đến dép lốp từ năm 2011. Lý do là bố vợ tôi, nghệ nhân Phạm Quang Xuân – người chịu trách nhiệm phục chế đôi dép bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - là người hiếm hoi còn làm dép lốp ở Hà Nội, thậm chí là người duy nhất. Thỉnh thoảng tôi sang nhà ông cụ chơi và gặp vài khách đến đặt dép lốp. Họ chủ yếu là những người hoài cổ hoặc thích phong cách "quân khu".
Khi đó tôi khá tò mò, hỏi ông về cách làm, lịch sử đôi dép. Càng nghe tôi càng thấy nó thú vị và có ý nhĩa. Tôi cho rằng sản phẩm này sẽ là di sản của Việt Nam. Làm dép lốp thường rất kỳ công nhưng điểm đặc biệt là loại dép này gắn liền với toàn quân, toàn dân qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt yêu thích và sử dụng. Ngoài ra, dép được làm từ vật liệu tái chế nên rất hữu ích với môi trường.
Tuy nhiên, lúc bắt tay vào làm, tôi nghĩ rất ngây thơ là mình có bố vợ giỏi nghề nên nhờ ông dạy làm để sau này ông không làm nữa thì mình sẽ làm thay ông giữ nghề truyền thống của gia đình và bảo tồn di sản cho đất nước.
Anh từng chia sẻ một trong những khó khăn lớn nhất của cuộc đời là thuyết phục bố vợ truyền nghề cho mình. Anh có thể nói rõ hơn về nguyên do cũng như cách thức để có được cái gật đầu của bố vợ?
Ai cũng nghĩ rằng tôi có người bố vợ giỏi thì việc học sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tôi theo nghề của ông khó khăn vô cùng. Khi tôi có ý định học thì ông đã 72 tuổi. Ngoài ra, ông còn bỏ nghề rất lâu rồi, chỉ làm vài đôi để đỡ nhớ mà thôi.
Ngoài ra, ông cụ rất khó và kỹ tính, đặc biệt không thích kinh doanh. Ông luôn nói rằng cả đời ông làm dép cao su nhưng cũng chỉ đủ ăn nên cụ không tin một người làm phần mềm, chân tay lóng ngóng như tôi có thể làm và sống được với nghề này. Chính vì vậy, cứ đề cập đến học là bố tôi lại gạt đi, không muốn nói chuyện.
Tôi nghĩ rằng ông gật đầu đồng ý cũng vì bởi tôi quyết tâm quá lớn. Không thuyết phục trực tiếp được, tôi viết thư nhờ vợ gửi cho ông khi ông đi du lịch cùng gia đình để ông hiểu hơn tâm huyết của tôi. Cùng với đó, tôi cũng hay xin sang phụ việc lặt vặt. Dần dần ông cũng chiều ý tôi. Ông dạy là để cho tôi thấy những khó khăn của nghề này, xem tôi có thực sự làm được không.
Vì sao anh lại có biệt danh "Cường Phò Mã"?
Tôi thấy cái tên là nghe vui và cũng đúng. Phò mã đúng là con rể của Vua mà. Ở đây là Vua Dép Lốp (cười). Từ năm lên 10 tuổi, bố vợ tôi đã bắt đầu theo nghề làm dép cao su khi được bố truyền nghề từ bố của ông. Sau đó, ông vào làm việc cho Xí nghiệp dép lốp Trường Sơn và mày mò học tất cả các công đoạn để làm ra được một đôi dép lốp hoàn chỉnh.
Sau đó, ông là một trong những người được chọn để tái tạo đôi dép lốp mà bác Hồ đã đi trong suốt những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ. Đến lúc này, bố vợ tôi đã có hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép Bác Hồ, được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, dép lốp từng trải qua nhiều thập niên thất sủng. Trong giai đoạn đó, bố tôi phải làm nhiều nghề để nuôi sống gia đình. Phải tới đầu những năm 2010, dép lốp mới nhận được sự quan tâm trở lại của mọi người. Năm 2014, cơ sở sản xuất dép cao su Phạm Quang Xuân ra đời lấy hiệu là Vua Dép Lốp, trụ sở ở Nguyễn Biểu, Quán Thánh, Ba Đình, Hạ Nội. Từ đó, người ta gọi tôi là Cường Phò Mã.
Đang làm CNTT, anh lại thích và rẽ ngang sang một công việc hoàn toàn dùng chân tay để tạo ra sản phẩm như dép lốp. Điều gì đã khiến anh có bước ngoặt đó?
Có lẽ đó là cái duyên, thậm chí là cái nghiệp. Với dép lốp, trong tôi luôn luôn rạo rực khát khao làm thế nào để bảo tồn và phát triển nó. Tôi nghĩ nếu mình không làm sẽ không có ai làm. Như vậy thì vô cùng đáng tiếc.
Đến giờ, tôi cũng không bao giờ tin mình lại rẽ ngang như vậy. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy ân hận với lựa chọn này dù ở những thời điểm khó khăn nhất.
Lúc bỏ việc về làm dép, anh tin mình có thể chắc chắn thành công bao nhiêu phần trăm?
Khi đó tôi chỉ có tâm huyết làm sao có thể gìn giữ và phát huy đôi dép này. Tôi đặt mục tiêu là đào tạo những người trẻ làm nghề này và bán túc tắc để gìn giữ một nét văn hóa truyền thống chứ không nghĩ gì to tát.
Bên cạnh đó, biến cố gia đình cũng một phần tác động tới quyết định của tôi. Dù làm quen với dép lốp từ đầu những năm 2011 nhưng năm 2014, bố đẻ tôi đột ngột qua đời. Sự ra đi của ông khiến tôi nhận ra rằng cuộc sống của mỗi người chỉ là hữu hạn. Tôi quyết định thay đổi lớn cho cuộc đời mình.
Trong vai trò sáng lập một doanh nghiệp phần mềm đang ăn nên làm ra, tôi quyết định bỏ việc, nhượng lại cổ phần cho anh em cùng làm, để chuyên tâm theo nghiệp dép lốp. Với cá nhân tôi khi đó, làm phần mềm đã không còn hấp dẫn và tôi nghĩ mình sẽ chẳng có thêm đột phá gì từ công việc này. Đó cũng là năm Vua Dép Lốp ra đời.
Khó khăn lớn nhất Vua Dép Lốp đang phải đối đầu hiện nay là gì?
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải tạo ra những đôi dép, dù được làm thủ công nhưng sản phẩm lại phải đa dạng và khắc phục những hạn chế của dép lốp truyền thống. Có như vậy đôi dép lốp vẫn giữ được nét đặc trưng mà không bị lạc hậu.
Ngoài lốp máy bay và lốp xe tải khổng lồ, dép lốp có được làm ra bởi loại nguyên liệu nào khác?
Chúng tôi vẫn sử dụng nguyên liệu chính là lốp cao su. Sở dĩ chọn lốp máy bay hoặc lốp các loại xe trọng tải lớn đang được sử dụng trong ngành công nghiệp khai thác than ở Việt Nam vì chúng có nhiều cao su, có thể đáp ứng được yêu cầu của việc sản xuất. Hiện nay, loại nguyên liệu này cũng khá sẵn có tại Việt Nam.
Ngoài vật liệu truyền thống là cao su, chúng tôi cũng kết hợp những vật liệu khác vào sản xuất để tranh thủ ưu điểm của chúng. Chẳng hạn như dép dành cho nữ, đế không thể quá dày vì như vậy sẽ rất nặng. Thay vào đó, chúng tôi độn xốp vào giữa 2 lớp cao su để nâng chiều cao cho người đi nhưng không khiến sản phẩm trở nên quá nặng nề. Cao su cũng có thể được nhuộm các màu sắc khác nhau nhằm tăng tính đa dạng và thời trang cho sản phẩm.
Để tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, anh đánh giá công đoạn nào là quan trọng nhất?
Công đoạn khó nhất của 1 đôi dép là phần quai dép. Đôi dép dù có đẹp đến đâu mà quai đóng không ôm chân thì đi vào sẽ gây khó chịu. Dép của chúng tôi có 22 size và sản phẩm thì có có 30 mẫu. Tuy nhiên, chúng tôi sản xuất thủ công nhưng phải đáp ứng việc chọn đúng size là có thể đi vừa chân ngay. Đây là thách thức lớn nhất nhưng chúng tôi đã chuẩn hóa được.
Dép lốp là sản phẩm thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam trong những năm tháng khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống người Việt đã thay đổi rất nhiều. Anh thấy sản phẩm của Vua Dép Lốp còn lại những lợi thế gì để phát triển trong điều kiện hiện nay?
Lợi thế của Vua Dép Lốp là lịch sử, là làm hoàn toàn thủ công. Vật liệu làm dép là cao su nên chịu được mưa nắng và đặc biệt có độ bền rất cao. Có đôi khách đi liên tục 5 năm chưa hỏng.
Ngoài ra đội ngũ của chúng tôi gồm những người trẻ, có sức sáng tạo vượt ra khỏi khung tư duy cách làm dép ngày xưa. Chúng tôi tìm cách kết hợp vật liệu cao su với các thứ khác, nhanh nhạy nắm thị hiếu của người dùng, đa dạng sản phẩm và rộng kênh phân phối. Đó là lợi thế lớn.
Khách hàng của Vua Dép Lốp thường có những đặc điểm chung gì?
Họ có tinh thần dân tộc cao và rất cá tính.
Anh chia sẻ rằng doanh thu hiện tại từ Vua Dép Lốp đủ giúp anh sống được với đam mê. Nhìn lại những năm qua, đâu là giai đoạn mà anh thấy rằng khốn khó nhất?
Tôi nghĩ rằng mình có 2 giai đoạn khó khăn. Giai đoạn đầu tiên là tìm người làm dép rồi dép sẽ bán đi đâu. Có thời điểm 3 năm tôi không thể bán được hàng và cảm thấy rất bế tắc. Bỏ việc phần mềm để theo đuổi nghề này, nhiều người còn nói rằng tôi bị "hâm", trong đó có cả anh em, bạn bè thân thiết. Quãng thời gian đó rất áp lực.
Khi vượt qua được rồi, giai đoạn phát triển gặp phải bài toán hóc búa là làm sao để cân đối doanh nghiệp. Kinh doanh lúc bán nhiều lúc bán ít, tôi phải làm sao để cân đối công ăn việc làm cho công nhân, cho nhân viên, cân đối tồn kho, cân đối dòng tiền…. Hiện tại, doanh nghiệp của tôi có khoảng 40 lao động. Tôi luôn nỗ lực để đảm bảo cho họ có được mức thu nhập khá để họ yên tâm cống hiến.
Theo đánh giá của anh, cái khó khi làm sản xuất hoàn toàn thủ công là gì?
Khó nhất khi sản xuất hoàn toàn thủ công là phải đẹp như làm máy. Dù khách thích dép thủ công nhưng họ luôn muốn một sản phẩm hoàn hảo, không tì vết. Ngoài ra, cần phải quản trị làm sao để vạn đôi như một. Thợ thủ công cũng cần phải tuân theo những quy trình, quy chuẩn nhất định nhằm đảm bảo cho sản phẩm hoàn hảo và không thể làm ẩu.
Cuối cùng, dép làm thủ công nhưng cũng cần đúng chuẩn, đúng cỡ để khách chọn đúng size là có thể đi vừa chân. Phục vụ khách trong và ngoài nước nên chúng tôi phải có giải pháp để quy đổi size cho chính xác.
Anh áp dụng những kinh nghiệm của mình khi làm trong ngành công nghệ thông tin vào đổi mới kinh doanh, sản xuất như thế nào?
Làm công nghệ thông tin giúp tôi có tư duy hệ thống. Mỗi mẫu dép, chúng tôi đều có hồ sơ thông số lưu lại. Khi bán ra thị trường, chúng tôi sẽ quan sát và nghe phản ánh của khách để điều chỉnh lại. Điều này có nghĩa một người thợ thủ công phải làm theo thông số chứ không làm theo thói quen hay cảm tính kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ giúp tôi có cách quản trị doanh nghiệp thông minh hơn. Ngay từ đầu chúng tôi đã áp dụng phần mềm vào hỗ trợ sản xuất. Cuối ngày, tôi có thể biết các cửa hàng của mình bán được bao nhiêu sản phẩm, gồm những chủng loại gì, doanh thu ra sao….
Ngoài ra, tôi cũng am hiểu một chút về bán hàng online và tăng cường thúc đẩy hoạt động trên lĩnh vực này.
Nếu phải so sánh, anh thấy thị trường nội địa hay nước ngoài quan trọng hơn?
Chúng tôi xác định thị trường nước ngoài quan trọng nhất vì nếu bán được ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… thì sản lượng sẽ rất lớn. Và nếu chinh phục được nước ngoài thì chứng tỏ sản phẩm chất lượng thật và người Việt sẽ ủng hộ mà không cần quảng cáo.
Đương nhiên bất kỳ nhãn hiệu nào cũng cần có sự ủng hộ của người dân nội địa, bởi thị trường nội địa là ổn định và trung thành nhất. Nhưng chúng tôi có cách tiếp cận ngược. Ưu tiên ra thế giới, thành công sẽ quay về Việt Nam.
Slogan "Đi dép cao su giúp ý chí mạnh hơn" có từ bao giờ?
Slogan này có từ năm 2014, thời điểm tôi chính thức từ bỏ làm phần mềm để dành toàn tâm phát triển dép lốp. Slogan cũng là do tôi đặt bởi tôi đặc biệt thích 2 từ "ý chí" gắn với đôi dép cao su bởi chỉ có ý chí thì nhân dân ta mới có thể chiến thắng được những kẻ thù lớn nhất thế giới.
Ngày nay thì con người cũng hơn nhau ở ý chí.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Bí mật công ty gia đình
Xem tất cả >>- Vòng đời không bao giờ khép lại của nhựa ở Tân Hiệp Phát: Kinh tế tuần hoàn giúp nhựa không bao giờ là… rác
- Thiếu gia nhà Biti’s Vưu Tuấn Kiệt: “BĐS là con đường an toàn bền vững để đi nhưng ra MV âm nhạc vì đam mê từ nhỏ”
- Thử thách liên tục và niềm tin mãnh liệt của người Tân Hiệp Phát
- Chủ tịch New Viet Dairy tiết lộ lợi thế ‘khủng khiếp’ của doanh nghiệp gia đình: ‘Nhiều ý tưởng chúng tôi chỉ quyết định trong 10 phút!’
- Cuộc cách mạng tại dầu Tường An và 30 năm gìn giữ lời hứa với mẹ của 2 anh em nhà KIDO