Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị đề nghị tuyên y án 18 năm tù
Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nộp thêm 1 tỉ đồng, song theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo này nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, phạm tội nhiều lần nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo
Sau 1 ngày xét hỏi, chiều nay 16-5, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm giải quyết kháng cáo của 11 bị cáo, và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đại án Việt Á.
Theo đó, đại diện VKSND đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, 18 năm tù; bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN), cũng bị đề nghị bác đơn, tuyên y án 14 năm tù; Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, bị đề nghị tuyên y án 13 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ". Tương tự, bị cáo Phan Quốc Việt, cựu tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị đề nghị bác đơn, tuyên y án 29 năm tù cho các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ". 7 bị cáo còn lại xin giảm nhẹ, theo đại diện VKSND không có căn cứ xem xét nên đề nghị giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên.
Theo đại diện VKSND, trong vụ án, Phan Quốc Việt giữ vai trò cao nhất, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn (hơn 1.200 tỉ đồng). Việc bị cáo nộp 200 triệu đồng tại phiên phúc thẩm là "không đáng kể".
Bị cáo Nguyễn Thanh Long, theo VKSND, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết về nhân thân có công với cách mạng. Mặc dù tại phiên phúc thẩm, bị cáo nộp thêm 1 tỉ đồng và nộp 100 triệu đồng tiền phạt bổ sung, song số tiền nhận hối lộ (2,25 triệu USD) là đặc biệt lớn, phạm tội nhiều lần nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo.
Đối với mẹ ruột của bị cáo Phan Quốc Việt đề nghị giải tỏa kê biên số tiền tiết kiệm 412 tỉ đồng, VKSND thấy, khoản tiền này Việt gửi trong thời gian phạm tội (năm 2021) và có nguồn gốc từ thu lời bán kit test. Do đó, VKSND đề nghị tiếp tục phong tỏa.
Đối với yêu cầu giải tỏa 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỉ đồng của vợ bị cáo Việt, cơ quan công tố xác định, số tiền này được Việt gửi năm 2021 trong khi hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra năm 2020. Nguồn gốc tiền này có được từ bán kit test. Do vậy, VKSND đề nghị bác kháng cáo của vợ Việt. Cơ quan công tố cũng đề nghị bác kháng cáo của Công ty Việt Á về việc không tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền hơn 600 tỉ đồng.
Theo cáo buộc, khi dịch COVID-19 bùng phát, các bị cáo đã cấu kết chuyển giao đề tài nghiên cứu kit test của Nhà nước sang Công ty Việt Á. Sau khi được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá 470.000 đồng/kit test.
Theo đó, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỉ đồng. Hành vi của Việt và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.235 tỉ đồng, trong đó Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỉ đồng tại 19 tỉnh, thành khi mua kit test đã bị nâng khống giá.
Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ tổng cộng hơn 106 tỉ đồng cho các cựu quan chức. Trong đó, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh 4 tỉ đồng; Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên 100.000 USD. Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; Chu Ngọc Anh (cựu bộ trưởng KH-CN) 200.000 USD; Phạm Công Trạc (cựu thứ trưởng Bộ KH-CN) 50.000 USD.
Người lao động