MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cảnh báo châu Âu lặp lại sai lầm như khủng hoảng nợ công 2008

25-03-2020 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Nếu có một cơ quan châu Âu luôn thể hiện sự yếu đuối trong việc kiểm soát các cuộc khủng hoảng kinh tế, thì đó là Eurogroup. Đúng như hình thức, họ sẽ ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 với các với những con số ấn tượng, ẩn giấu sau đó là những chính sách không liên quan và thiếu quyết đoán.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Yanis Varoufakis - cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp. Hiện tại, ông là lãnh đạo đảng MeRA25 và giáo sư kinh tế học tại Đại học Athens. 

Nhóm Eurogroup bao bồm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đang gặp khó khăn trong việc thống nhất để đưa ra một biện pháp tài chính phối hợp, tác động mạnh đến nền kinh tế vĩ mô để ứng phó trước những ảnh hưởng mang tính suy thoái của đại dịch Covid-19. Tôi lo sợ rằng, kết quả cuối cùng sẽ là những lời tuyên bố đầy hào nhoáng với những con số ấn tượng, ẩn giấu sau đó là những chính sách không liên quan và thiếu quyết đoán. 

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy điều này là tuyên bố mới đây của chính phủ Đức về gói hỗ trợ tài chính dành cho khối tư nhân. Mặc dù truyền thông quốc tế ví đây là “khẩu bazooka hạng nặng” trị giá 550 tỷ euro (600 tỷ USD), sau khi soi xét kỹ càng thì gói hỗ trợ này thực chất không hơn gì một khẩu súng nước.

Gói kích thích kinh tế của Đức bao gồm các khoản hoãn thuế và những hạn mức tín dụng lớn, thể hiện một sự hiểu lầm nghiêm trọng về bản chất của cuộc khủng hoảng này. Và đây cũng chính là sự hiểu lầm đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng đồng euro vào 1 thập kỷ trước. Hiện tại, cũng như trước đây, các công ty đang đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán, chứ không phải là mất thanh khoản. Để có thể ngăn lại cuộc khủng hoảng này, chính phủ các nước cần “toàn tâm toàn ý” thực hiện mở rộng chính sách tài khóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây chính xác là điều Đức muốn né tránh khi tung gói hỗ trợ.

Bộ trưởng tài chính ở các quốc gia hiện đang mắc phải các vấn đề về kinh tế sâu sắc hơn Đức (ví dụ như Italy và Hy Lạp) chắc chắn sẽ nỗ lực thúc đẩy chính sách tài khoá mở rộng cần thiết. Tuy nhiên, họ sẽ gặp phải ý kiến phản đối từ phía bộ trưởng tài chính Đức và những người ủng hộ trung thành của ông trong Eurogroup. Rồi những “cá nhân đề đạt” này sẽ sớm phải rút lui, sự đồng thuận miễn cưỡng của họ sẽ một lần nữa đẩy đến một gói tài chính thiếu ý nghĩa mà cuộc khủng hoảng tới đây sẽ nuốt chửng.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cảnh báo châu Âu lặp lại sai lầm như khủng hoảng nợ công 2008 - Ảnh 1.

Tại sao tôi có thể chắc chắn đến vậy? Bởi tôi đã trực tiếp chứng kiến điều đó. Tôi đã đại diện Hy Lạp tham gia cuộc họp Eurogroup 2015 – nơi mà chính phủ các nước đã cố gắng trong tuyệt vọng để tránh tiếp nhận thêm các khoản vay, điều đẩy chúng tôi lún sâu hơn vào suy thoái, và tôi thất bại hoàn toàn. Chính những biểu hiện mang tính sắp đặt của các cuộc họp Eurogroup, qua đó dập tắt mọi diễn đàn tranh luận xây dựng về những chính sách tài khoá phù hợp, là “chìa khoá” để hiểu tại sao Eurogroup sẽ một lần nữa thất bại trong việc bảo vệ hệ thống tài chính trước cú sốc do đại dịch gây ra.

Một điểm đáng chú ý khác nổi bật lên sau những cuộc họp của Eurogroup 5 năm trước: bất kỳ một bộ trưởng tài chính đến từ quốc gia đang gặp vấn đề nào dám lên tiếng phản đối quan điểm của nhóm Berlin, hay đề xuất các giải pháp có lợi cho phần lớn người dân châu Âu thay vì khối tài chính, đều bị đẩy vào tình thế khó khăn.

Và tôi đã tự đâm đầu vào tình thế đó. Bất kỳ ai theo dõi những cuộc họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ đó (hiện có thể truy cập miễn phí) sẽ nghe thấy rằng Chủ tịch Eurogroup đe doạ sẽ chấm dứt đàm phán, nếu tôi dám viết lên bàn giấy những đề xuất mà Đức không muốn thảo luận (để rồi sau đó trả lời với phương tiện đại chúng rằng tôi “tay không” đến tham dự cuộc họp). 

Sau đó là người đứng đầu Quỹ cứu trợ, trực thuộc Cơ chế Bình ổn châu Âu, cáo buộc rằng tôi dành sự quan tâm quá mức tới các hộ gia đình mắc nợ và quá ít đến việc tái cấu trúc các ngân hàng (khi đó đã phá sản). Không thể không nhắc đến việc Bộ trưởng Tài chính Đức -  Wolfgang Schäuble, yêu cầu lợi nhuận mà ECB có được thông qua việc giao dịch trái phiếu Hy Lạp phải dành cho ngân sách Đức –  cái mà ông ấy mô tả là “ngân sách của nước tôi”. EU đã đồng tình rằng số tiền này nên được trả lại cho Hy Lạp, nhưng thực chất cuối cùng Schäuble đã giữ lại cho ngân sách của Đức.

Trong khi đó, bộ trưởng các nước vùng Bắc Âu đã cảnh báo về mối đe dọa “Grexit” và Kế hoạch B (về một loạt tiền tệ thay thế cho Hy Lạp) để buộc tôi phải chấp nhận nhiều khoản vay hơn. Thay vì đưa ra các biện pháp thực tiễn để giảm gánh nặng nợ và tái cơ cấu, chúng tôi phải đối mặt với một loạt tối hậu thư “chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị”, cùng với đó là một danh sách dài những biến cố sẽ xảy ra với người dân nếu chúng tôi không vay thêm và chấp nhận những điều khoản thắt lưng buộc bụng vô lý, bảo đảm rằng Hy Lạp sẽ không bao giờ có thể trả hết nợ.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cảnh báo châu Âu lặp lại sai lầm như khủng hoảng nợ công 2008 - Ảnh 2.

Các cuộc họp Eurogroup năm 2015 mang đến cho người theo dõi cái nhìn trực quan nhất về một môn thể thao đẫm máu, bị chi phối bởi thứ quyền lực không thể phản kháng lại. Nó quy tụ đủ: những quyết định quan trọng được đưa ra bất chấp tính hợp lý về khoa học hay toán học đơn giản; bắt nạt kẻ yếu cho đến khi họ đầu hàng; “ăn cắp” trá hình; tin tức giả được sử dụng làm vũ khí chống lại những người dám phản kháng; và cuối cùng phải kể đến sự khinh thường trước tính minh bạch, giám sát và cân bằng lẫn nhau cần có trong bất kỳ nền dân chủ nào.

Không phải ngẫu nhiên mà các chủ đề này đang được thảo luận rất sôi nổi ở phương Tây. Những cuộc họp Eurogroup năm 2015 – nếu tôi được phép nói - là nơi mà ở đó cho thấy sự thất bại của nền dân chủ châu Âu, điều mà gây tiếng vang không chỉ trên khắp châu Âu mà còn ở châu Mỹ và các nơi khác. 

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Brexit và việc Donald Trump đắc cử Tổng thống không còn là những giả thuyết “thú vị”. Tất cả những gì nay bị chê bai bởi những tổ chức nhân danh tự do, đã từng hiện diện rõ ràng và sinh động trong những cuộc họp của Eurogroup – cũng là tổ chức nay phải quyết định về chính sách tài khoá của châu Âu trong việc ứng phó với Covid-19.

Những người mang quan điểm hoài nghi về châu Âu, dù ở bên ngoài EU, như ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hoặc bên trong EU như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Cựu phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini và Chủ tịch của Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen, chắc chắn sẽ lấy dẫn chứng từ nội dung cuộc họp Eurogroup năm 2015. Tuy nhiên, việc công khai những nội dung đó lại là vì lợi ích của chủ nghĩa châu Âu. 

Nếu sai lầm trong quá khứ lặp lại, các quyết định của EU, đặc biệt là trong đại dịch này, về chính sách tài khoá, đầu tư xanh, y tế, giáo dục và chính sách di cư chắc chắn sẽ không hiệu quả, cũng như những gì đã làm khuyếch đại cuộc khủng hoảng đồng euro cách đây 10 năm. Sau đó, chỉ có những người như ông Trump, Putin, Orbáns, Salvinis và Le Pens – những người muốn phá vỡ thể chế chung của chúng ta từ bên trong, sẽ được hưởng lợi.

Tham khảo Project Syndicate

Giang Ng

Trở lên trên