Cựu chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng rót hàng trăm tỷ đồng vào doanh nghiệp có cổ phiếu tăng từ 5.000 lên 35.000 đồng chỉ trong hơn 1 tháng
Ông Nguyễn Đức Hưởng dự kiến sẽ mua vào gần 17,2 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam (CMS), tỷ lệ sở hữu của ông tại CMS sẽ tăng lên 41,63% vốn sau đợt chào bán cổ phiếu sắp tới.
Theo nghị quyết này 16/02/2022 của HĐQT công ty CMH Việt Nam về thông qua danh sách dự kiến các nhà đầu tư được chào bán trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022, ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ mua vào với số lượng lớn nhất gần 17,2 triệu cổ phiếu. Ngoài ông Hưởng thì con trai ông là Nguyễn Hoàng Duy cũng mua thêm 300.000 cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đức Hưởng sinh năm 1962, tại Phú Thọ. Ông đã có nhiều năm liền giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt (sau này là LienVietPostBank). Tháng 6/2017, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này. Tuy nhiên, vì lí do sức khỏe, đầu năm 2018, ông đã rời khỏi vị trí này.
Ngày 22/11/2021, ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ trở thành thành viên Hội đồng quản trị của CMH Việt Nam. Trước đó, ông Hưởng đã sở hữu 570.000 cổ phiếu, ứng với 3,34% vốn tại đây. Ít lâu sau khi nhậm chức, ông Hưởng đã đăng ký mua vào hơn 3,7 triệu cổ phiếu CMS, tương đương 21,56% vốn để nâng sở hữu lên 24,9%.
Nếu mua thêm 17,2 triệu cổ phiếu, ông Hưởng sẽ sở hữu 21,48 triệu cổ phiếu CMS, chiếm 41,63% số lượng cổ phiếu lưu hành (51,6 triệu cổ phiếu) của công ty sau đợt chào bán cổ phiếu này.
Cùng với sự xuất hiện của ông Hưởng, cổ phiếu CMS đã có đà tăng ấn tượng từ 5.000 đồng vào cuối tháng 10 lên 35.000 đồng vào đầu tháng 12/2021. Hiện cổ phiếu này dao động quanh mức 30.000 đồng.
CMH Việt Nam được thành lập năm 2007, đã trải qua 2 lần đổi tên, từ CTCP Cavico Xây dựng Nhân lực và Dịch vụ (Cavico CMS) đổi thành CTCP Xây dựng và nhân lực Việt Nam (CMVIETNAM) và hiện tại là CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam. Đồng thời, ngành nghề kinh doanh của CMH GROUP được mở rộng sang các lĩnh vực như: Xây dựng nhà; Hoàn thiện công trình xây dựng; Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; Hoạt động thiết kế chuyên dụng; Cho thuê tài sản vô hình phi tài chính; Hoạt động của các cơ sở thể thao, công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; Hoạt động vui chơi giải trí khác ....
Kết quả kinh doanh của CMS trong mấy năm gần đây không mấy khả quan. Năm 2020, công ty này thua lỗ kỷ lục gần 14 tỷ đồng. Năm 2021, công ty ghi nhận có lãi nhờ lãi 19 tỷ đồng từ bán các khoản đầu tư và chi phí tài chính giảm hơn 10 tỷ đồng dự phòng giảm giá và tổn thất đầu tư.
Tổng số vốn CMS dự kiến thu được từ việc chào bán cổ phiếu là 344 tỷ đồng. Về phương án sử dụng, công ty sẽ dùng 220 tỷ để bổ sung vốn lưu động, 86 tỷ để chuyển nhượng dự án đầu tư bất động sản và 38 tỷ đầu tư trang thiết bị thi công. Ngoài ra, vốn điều lệ của CMS sẽ tăng gấp 3 lần từ 172 tỷ đồng lên 516 tỷ đồng và vốn hóa đầu năm 2022 của CMS dự kiến sẽ đạt khoảng trên 1.500 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế