Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đức Thái bị cáo buộc, khi làm Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo đấu thầu sai quy định, gây ảnh hưởng tính minh bạch và hiệu quả kinh tế. Ông Thái được doanh nghiệp hối lộ 24,9 tỷ đồng, giai đoạn điều tra đã nộp toàn bộ khắc phục hậu quả.
- 31-12-2024Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam sắp hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng
- 16-12-2024Chủ tịch phường ở Bắc Giang bị bắt khi đang nhận hối lộ tại phòng làm việc
- 04-12-2024Hai cán bộ cảng vụ nhận hối lộ hơn 800 triệu đồng
- 01-12-2024Vụ Sài Gòn Đại Ninh: Cần thu hồi 10 tỷ đồng nhận hối lộ của cố Phó tổng Thanh tra Chính phủ
Hôm nay (14/1), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Trong số 8 bị cáo có Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) cùng bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Nhóm còn lại là cựu lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục, gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng Ban Kế hoạch Maketing), Đinh Quốc Khánh (cựu Phó trưởng Phòng in, Phát hành Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội - thời điểm phạm tội đang làm việc tại Nhà xuất bản Giáo dục), Phạm Gia Thạch (thành viên Hội đồng thành viên), Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải (đều là Phó Tổng Giám đốc) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Theo quyết định xét xử, có 13 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. HĐXX cũng triệu tập gần 20 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được triệu tập với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Theo cáo trạng, việc mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, đơn vị này đều áp dụng hình thức "chào giá".
Từ năm 2017 trở đi, ông Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm đại diện pháp luật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam , có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục. Trên cương vị này, ông bị cáo buộc chỉ đạo lựa chọn mua giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định, nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Cáo buộc cho rằng, trong quá trình thực hiện các gói thầu được giao với tổng giá trị hơn 452 tỷ, ông Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tổng số tiền 24,9 tỷ đồng.
Cụ thể, ngay khi Thái được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Nhà xuất bản, lãnh đạo 2 công ty Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát, đã đến gặp vừa để giới thiệu về công ty vừa nhờ ông tạo điều kiện giúp đỡ cho trúng thầu và “sẽ cảm ơn”.
Sau khi thống nhất với Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Minh Cường Phát) và Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐQT Phùng Vĩnh Hưng), ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn phương thức “chào hàng cạnh tranh rút gọn” và đưa 2 công ty này vào “danh sách ngắn” được nhận yêu cầu báo giá trái quy định.
Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục đã khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ
Năm 2017, Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng 3 gói thầu; trong các năm từ 2018 - 2021, doanh nghiệp này liên tiếp trúng thêm 10 gói thầu. Tổng cộng 13 gói thầu có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.
Đổi lại, nữ chủ tịch công ty đã "cảm ơn" 20 tỷ đồng vì đã "tạo điều kiện" trúng thầu.
Đối với Công ty TNHH giấy Minh Cường Phát, cáo trạng thể hiện, khoảng tháng 7/2017, bị can Nguyễn Trí Minh đến phòng làm việc của cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để gặp và giới thiệu công ty của mình là đối tác cung cấp giấy từ những năm trước. Đồng thời, đề nghị được tạo điều kiện cho công ty của mình được tiếp tục là đối tác cung cấp giấy.
Minh Cường Phát sau đó được ông Thái chỉ đạo "hợp thức hóa" cho trúng gói thầu số 6 và số 7.
Từ 2018 - 2020, để được vào danh sách tham dự và cung ứng giấy in, Nguyễn Trí Minh đều đến gặp, đề nghị và được ông Thái đồng ý cho tiếp tục tham gia chào hàng, cung cấp giấy in.
Tổng cộng, Công ty Minh Cường Phát đã hối lộ 4,9 tỷ đồng và được ông Thái "tạo điều kiện" trúng 4 gói thầu.
Ông Thái khai tất cả những lần đưa tiền hối lộ, chỉ có hai người trong phòng làm việc của ông, nên lúc đưa tiền không ai chứng kiến. Nhận tiền xong, ông đều cất tiền vào két sắt sau bàn làm việc và sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Đến nay, các bị cáo trong vụ án đã nộp tiền khắc phục hậu quả và giao nộp số tiền hưởng lợi bất chính với tổng số hơn 47,3 tỷ đồng. Trong đó, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái nộp 25 tỷ đồng; nữ Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng nộp 19 tỷ đồng; Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát Nguyễn Trí Minh nộp hơn 2,7 tỷ đồng.
Tiền Phong