MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu cố vấn Tổng thống Hàn Quốc bật mí bí quyết thoát bẫy thu nhập trung bình và bài học cho Việt Nam

Đằng sau kỳ tích sông Hàn là công nghệ: Đầu tư rất nhiều cho công nghệ. Đó là chia sẻ của TS. Youngrak CHOI, cựu thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, sáng 9/5.

Nền kinh tế Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ sau gần 60 năm qua. Nếu như GDP nước này năm 1960 chỉ là 2 tỷ USD thì đến năm 2017 đã đạt 1.530 tỷ USD, tăng gấp 765 lần. GDP bình quân đầu người cũng tăng gpas 376 lần, đạt 29.744 USD.

Nền khoa học công nghệ của Hàn Quốc cũng đã phát triển nhanh chóng.

Hàn Quốc, theo ông Youngrak CHOI, cốt lõi đã biến chuyển từ một nước nhập khẩu công nghệ trở thành quốc gia sở hữu nhiều tập đoàn tư nhân lớn, có khả năng làm chủ công nghệ. Những doanh nghiệp được ông Choi nhắc lại rất quen thuộc như Samsung, Hyundai… và những kinh nghiệm của các đơn vị này.

Ví dụ như Samsung, thời gian đầu doanh nghiệp này đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi. Sau 10 năm, tập đoàn này đã vươn lên thành một trong những ông lớn hàng đầu thế giới. Huyndai cũng đi theo con đường này, nhập khẩu, học hỏi từ những người đi trước, sau đó mới phát triển công nghệ cho riêng mình.

Theo ông Choi, một trong những đổi mới sáng tạo quan trọng là phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. "Đây là động lực tăng trưởng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu, 58% trong tổng chi cho nghiên cứu và phát triển", ông nói.

Lĩnh vực này đã được Chính phủ Hàn Quốc phát triển từ giữa thập niên 1980 với một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động...

Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, Blockchain, xe tự hành, big data…

Nước này cũng xây dựng chương trình R&D mang tầm quốc gia với 4 trọng tâm: định vị phân khúc riêng, phát triển nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh, củng cố hệ sinh thái thân thiện.

Cựu cố vấn Tổng thống Hàn Quốc bật mí bí quyết thoát bẫy thu nhập trung bình và bài học cho Việt Nam - Ảnh 1.

Theo ông, điểm mấu chốt là động lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân. "Họ đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thúc đẩy quá trình học hỏi", ông nói.

Chính phủ cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, theo vị chuyên gia này, Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới...

Đó là sự kết hợp chính sách giữa quy hoạch CNTT dài hạn, ưu đãi tài chính, phát triển các chương trình R&D quốc gia...

Ông cũng cho biết việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở kinh tế hiện nay là cần thiết, song song với đó là việc phân tích tính khả thi của các khoản đầu tư trong khoa học công nghệ, thu hút nhân tài cho Chính phủ và tuyển dụng nhân tài.

Từ bài học của Hàn Quốc, ông Youngrak Choi đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ.

Về chính sách, Việt Nam cần tích hợp khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp, hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển khoa học công nghệ. Ông cho rằng cần phải mạnh tay hơn cho R&D và phát triển nguồn nhân lực.

Cần phải quyết tâm cao độ, ông nhấn mạnh và nói thêm rằng cần xác định động lực là sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp.

Đối với chính sách quan điểm về kinh tế và công nghiệp vị chuyên gia này cho rằng, cách tiếp cận "Chính phủ kiến tạo phát triển" hay chủ nghĩa tân tự do tại Việt Nam chưa thoả mãn. Do đó, Chính phủ cần kết hợp tốt với các doanh nghiệp, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, vượt qua ngại ngần cho các doanh nghiệp.

N.Dương Ảnh: Tuấn Mark

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên