MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt”

Cả sự nghiệp của mình, TS. Phan Hữu Thắng gắn chặt với dòng vốn đầu tư nước ngoài, vốn là thành tố không nhỏ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Ở tuổi gần 70, cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài vẫn tìm thấy hứng khởi trong công việc. Ông vừa hoàn thành cuốn sách tổng hợp lại gần 30 năm kinh nghiệm với FDI với mong muốn “có thể có ích cho những ai quan tâm”.

TS. Phan Hữu Thắng là Cục trưởng đầu tiên của Cục Đầu tư Nước ngoài (FDI) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam (VAFIE).

Ông Phan Hữu Thắng hẹn gặp chúng tôi vào lúc 10h sáng thứ 7 tại khách sạn Daewoo. Khách sạn hơn 20 năm tuổi này là một địa điểm thú vị cho cuộc gặp gỡ vị chuyên gia về đầu tư nước ngoài bởi đây là một trong những "sản phẩm" đầu tiên của FDI tại Việt Nam với những giá trị đã thành biểu tượng.

Người đàn ông xấp xỉ 70, mái tóc nhuộm đen cẩn thận, ăn vận đơn giản với áo sơ mi trắng, quần âu, thẳng thắn chia sẻ những trăn trở về đồng tiền FDI.

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 1.
Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 2.

Ông Phan Hữu Thắng có cơ hội được gắn bó với FDI Việt Nam ngay từ khi bắt đầu xuất hiện các dự án, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 29/12/1987.

Nhìn lại 30 năm lịch sử của FDI, ông nhận xét tương tự đồng tiền, FDI có mặt trái và phải. Nếu như thành công của FDI tại Việt Nam là góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thay đổi cơ cấu lao động, chuyển giao công nghệ, thì chuyển giá, trốn thuế, ô nhiễm môi trường... lại là những điểm xấu xí của dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, ông Thắng nhận định, những gì FDI mang lại vẫn là tích cực nhiều hơn tiêu cực. Tỷ lệ tốt – xấu được ông đưa ra là 80 – 20. Dù vậy, những tồn tại của FDI lại đôi khi lại lấn lướt, khiến không ít lần câu chuyện về FDI trở nên ám ảnh.

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 3.

Nói về vấn đề này, ông Thắng cho biết không phải đến nay mới có những dư luận xấu về FDI. Những bài xích đã xuất hiện từ những ngày đầu FDI vào Việt Nam. Bước ngoặt mà ông Thắng vẫn ghi nhớ là câu hỏi của lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài lớn là tại sao báo chí Việt Nam chỉ nói về mặt xấu của FDI, trong khi, dòng vốn này làm được nhiều điều hơn thế?

Từ câu hỏi đó, mô hình Sharing – Success (chia sẻ - thành công) được thiết lập. Những doanh nghiệp FDI thành công được mời đến các hội thảo, hội nghị cùng chia sẻ nhờ đó, hiểu lầm được giảm bớt.

"Đến nay, có thể các luồng tư tưởng chỉ trích FDI lại xuất hiện nhưng phải xác định FDI đã góp một phần không nhỏ giúp kinh tế Việt Nam phát triển", cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.

Nhìn ra xung quanh, ông Thắng nhẹ nhàng bảo "nơi chúng ta đang ngồi cũng là sản phẩm của dòng vốn FDI". Ông kể rằng thời điểm Daewoo được xây dựng, ông và các anh em trong Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư háo hức lắm.

"Chúng tôi đếm từng ngày. Mỗi tuần xong được một tầng", ông Thắng nhớ lại và cho biết Hà Nội trước đó chưa có khách sạn nào có thể đáp ứng được tiện nghi tiếp đón khách quốc tế. Daewoo Hà Nội được hoàn thành năm 1996, là một trong những khách sạn đạt chuẩn 5 sao đầu tiên. Và nơi đây đã trở thành địa điểm lịch sử của Việt Nam khi là khách sạn chính thức của hội nghị APEC 2006 tiếp đón nhiều chính khách cấp cao của các nước.

Nhiều thứ đã thay đổi nhờ vào dòng vốn FDI, ông Thắng nói và khẳng định chủ trương thu hút FDI là đúng đắn, phổ biến ở các nền kinh tế trên thế giới. Tính tốt – xấu của FDI phụ thuộc vào cách quản lý của nước tiếp nhận dòng vốn này. Đối với Việt Nam, nhìn nhận cả quá trình, thành công đang là chủ yếu. Dù vậy, ông Thắng nhấn mạnh rằng dù "khiếm khuyết" là thứ yếu nhưng phải nhìn trực diện, không né tránh để tìm ra những giải pháp cho thời gian tới. Bởi FDI vẫn là một chặng đường dài.

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 4.

Khuấy đều cốc nước cam, ông Thắng tâm sự rằng ông chưa thực sự vừa ý với cuốn sách lần này. Bởi FDI: Đồng tiền "hai mặt" mới chỉ là sự tổng hợp của những bài báo, trả lời phỏng vấn của ông về FDI giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017. Ông bày tỏ ý muốn được tự tay viết toàn bộ, theo từng nhóm chủ đề. Nhưng rồi, vốn thời gian bị hạn chế và sự thôi thúc từ bạn bè, ý định tự viết của ông đành để dành cho lần sau.  

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 5.

"Dù sao nó cũng có ích", ông nói và cho biết dù rằng nhiều tư liệu đã không còn phù hợp nhưng cuốn sách 500 trang này vẫn phản ánh được cơ bản các vấn đề của FDI kể từ khi "đặt chân" vào Việt Nam, là kinh nghiệm, bài học cho những ai quan tâm đến chủ đề đầu tư nước ngoài tại đất nước hình chữ S.

Đơn cử như câu chuyện làm sao thu hút được dự án Intel (Mỹ) vào Việt Nam khi phải đồng thời cạnh tranh với các quốc gia có nhiều lợi thế hơn như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Kêu gọi đầu tư từ Mỹ đã đặt ra nhiều bài học về chính sách đầu tư rõ ràng, minh bạch, về điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Hay cơ hội trị giá 500 tỷ USD với Tập đoàn đầu tư BĐS Sama Dubai mà Việt Nam đã bỏ qua vào năm 2008 vì lý do không phù hợp luật pháp trong nước. Ông Thắng nhấn mạnh rằng dù FDI là cần thiết nhưng không có nghĩa là thu hút bằng mọi giá.

Formosa cũng là chủ đề được ông nhiều lần nói đến như là một thất bại lớn nhất trong thu hút và quản lý FDI. Sự cố môi trường do Formosa đặt ra cho Việt Nam cần có những cách đánh giá mới, sát thực hơn trong các khâu quản lý. Bởi nếu không làm chặt chẽ, sự cố sau có thể nghiêm trọng hơn khi nhìn lại trong quá khứ, trước Formosa là sự cố sông Thị Vải của Vedan.  

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 6.

Vị chuyên gia về FDI cũng nói rằng không thể trách khi người dân lo ngại một cách tiêu cực về dòng vốn FDI. 20% xấu nhưng vẫn đầy ám ảnh và trách nhiệm của cơ quan chức năng, những người quản lý là phải học từ quá khứ và giải đáp được những câu hỏi tại sao có tính gốc rễ để có biện pháp khắc phục.

Như nói về sự phụ thuộc đối với FDI, ông Thắng góp ý rằng không thể để một nhà đầu tư nào chiếm tỷ lệ đầu tư quá cao vào Việt Nam. "Cần xác định một tỷ lệ cân đối, hài hoà giữa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", ông nói. Mặt khác, ông cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư tại một dự án để tránh hiện tượng thâu tóm.

"Để giữ được sự quản trị bền vững, phải tính đến nguồn lực của chúng ta, năng lực, nguồn nhân lực đáp ứng đến đâu thì cấp phép đến đó. Các dự án cấp phép phải phụ thuộc những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến, còn những cái mà doanh nghiệp Việt có khả năng làm được thì phải để cho người Việt làm", ông chia sẻ thêm.

Cựu Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể chuyện “đồng tiền 2 mặt” - Ảnh 7.

Tự nhận là người hay hoài cổ, cựu Cục trưởng Đầu tư nước ngoài cho biết ông thường nghĩ về những đàn anh hay bạn bè cùng trang lứa đã xếp "bút nghiên" ra chiến trường, đổi lại một đất nước hoà bình. Đối diện với những tấm huân chương xương máu, ông đặt ra áp lực phải làm tốt công việc của mình, để không phải xấu hổ.

FDI tại Việt Nam đã trải qua 30 năm với những thời kỳ, nhiệm vụ, mục tiêu, bài học khác nhau. Để trực quan, ông Thắng nói rằng chỉ bên kia đường thôi là một toà nhà cũng của Hàn Quốc đầu tư - Lotte Center hiện đại, cao thứ hai ở Hà Nội, đối lập với Daewoo, từng là nơi hiện đại bậc nhất của những năm cuối thập niên 90, nay đã nhuốm màu thời gian.

"Hai công trình của Hàn có thể phần nào thể hiện được hai thời kỳ thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", ông nói và không dấu đi mong ước, một ngày nào đó, sau những tiếp thu thu, học tập được từ dòng vốn FDI, Hà Nội sẽ có được một công trình đẹp và hiện đại do người Việt xây dựng, vượt qua những gì mà những toà nhà có chủ đầu tư là người nước ngoài đã thực hiện trước đó. 

Phương Ánh
Mai Lân
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ2/7/2018

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên