MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Giám đốc CDC Hậu Giang cùng thuộc cấp hầu tòa vì nhận hoa hồng của Cty Việt Á

19-02-2024 - 15:42 PM | Xã hội

Ngày 19/2, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa xét xử nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hậu Giang cùng 2 thuộc cấp về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo trước đó đã "mượn" kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất sử dụng trước, rồi thanh toán tiền sau. Các bị cáo đã nhận từ Việt Á hơn 1 tỷ đồng tiền hoa hồng.

Mượn dùng trước thanh toán sau

Ba bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án gồm: Nguyễn Văn Lành (SN 1967) - nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang; Hà Tấn Bình Đẳng (SN 1978) - nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng (CDC Hậu Giang); và Huỳnh Thị Hồng Đoan (SN 1979) - nguyên Trưởng khoa Dược, vật tư y tế (CDC Hậu Giang).

Cựu Giám đốc CDC Hậu Giang cùng thuộc cấp hầu tòa vì nhận hoa hồng của Cty Việt Á- Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa (từ trái qua: Lành, Đoan, Đẳng).

Theo cáo trạng, từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2021, Nguyễn Văn Lành đã liên hệ với Trần Tiến Lực (nhân viên bán hàng của Công ty Việt Á ) để trao đổi về việc mượn kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất, sử dụng trước rồi thanh toán tiền sau.

Lành là người trực tiếp chỉ đạo Hà Tấn Bình Đẳng lập bảng dự trù vật tư, sinh phẩm hóa chất xét nghiệm, sau đó chỉ đạo Huỳnh Thị Hồng Đoan soạn thảo văn bản gửi Công ty Việt Á thông qua nhân viên phụ trách vùng là Lực để mượn hàng. Sau đó, các bị cáo thông đồng với Công ty Việt Á hợp thức hồ sơ, thủ tục để công ty này trúng thầu cung cấp kit xét nghiệm COVID-19 để trả nợ theo đơn giá Công ty Việt Á đưa ra.

Kết quả, CDC Hậu Giang đã thanh quyết toán cho Công ty Việt Á tổng cộng 6 gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19, với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Đối với Hà Tấn Bình Đẳng (trưởng khoa Xét nghiệm), cáo trạng nêu, bị cáo đã lập các bảng dự trù hóa chất, vật tư y tế xét nghiệm, cung cấp số lượng kit test của Công ty Việt Á cần sử dụng cho Huỳnh Thị Hồng Đoan; liên hệ, trao đổi với Trần Tiến Lực để mượn kit test sử dụng trước, tham mưu lãnh đạo CDC Hậu Giang sử dụng hóa chất xét nghiệm của Công ty Việt Á; giúp sức Nguyễn Văn Lành hợp thức hồ sơ, thủ tục cho Công ty Việt Á trúng 6 gói thầu.

Còn Huỳnh Thị Hồng Đoan (trưởng khoa Dược) trực tiếp phụ trách hồ sơ chỉ định thầu cho Công ty Việt Á; liên hệ, trao đổi với Trần Tiến Lực trong quá trình hợp thức hồ sơ thầu, nhận các báo giá do Lực, Trần Thị Hồng (Việt Á) cung cấp qua tin nhắn hoặc đường bưu điện, làm căn cứ chỉ định cho Công ty Việt Á trúng thầu; giúp sức Nguyễn Văn Lành hợp thức hồ sơ, thủ tục cho Công ty Việt Á trúng 6 gói thầu.

Hành vi nêu trên của Lành, Đẳng và Đoan được cơ quan tố tục xác định là thông đồng, cấu kết với Công ty Việt Á hợp thức hồ sơ các gói thầu; gian lận, không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu. Các hành vi của những bị cáo trên đủ yếu tố cấu thành tội “ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Bên cạnh đó, cả 3 bị cáo đều nhận tiền phần trăm ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á. Trong đó, Nguyễn Văn Lành nhận 450 triệu đồng, Hà Tấn Bình Đẳng nhận 557 triệu đồng và Huỳnh Thị Hồng Đoan nhận gần 86 triệu đồng. Quá trình điều tra xác định, số tiền trên do Công ty Việt Á chi cho các bị cáo một cách tự nguyện, không theo quy luật và không thỏa thuận trước.

Lành, Đẳng và Đoan đã tự nguyện giao nộp lại toàn bộ số tiền nêu trên để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án. Do đó, không xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và cá nhân có liên quan về hành vi đưa - nhận hối lộ theo quy định tại các Điều 364, 365 Bộ luật Hình sự.

'Tưởng quà Tết nên nhận'

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Lành khai, bản thân không liên hệ trực tiếp với Công ty Việt Á để mượn kit xét nghiệm, việc này do bị cáo Đẳng thực hiện. Sau một vài lần mượn, phía Công ty Việt Á yêu cầu phải có “tiếng nói” của lãnh đạo đơn vị mới cho mượn tiếp, lúc này bị cáo Lành mới “lên tiếng”.

Bị cáo Lành cũng thừa nhận, đã sai phạm trong đấu thầu để Công ty Việt Á trúng thầu. Tuy nhiên, bị cáo Lành cho rằng, thời điểm đó chống dịch cấp bách, chuyên tâm chống dịch nên không đủ thời gian kiểm tra các thủ tục pháp lý. Mặt khác, bản thân bị cáo chuyên về khoa học nên có khiếm khuyết trong nắm bắt quy định pháp luật về đấu thầu.

Về việc nhận tiền từ Công ty Việt Á, bị cáo Lành khai, lần thứ nhất nhận 50 triệu đồng, công ty nói là quà Tết nên mới nhận. Còn lần thứ hai nhận 400 triệu đồng, khi phát hiện số tiền lớn, bị cáo mang về cơ quan cất, vài ngày sau mới yêu cầu lập biên bản.

HĐXX truy hỏi: “Theo bị cáo, có ai tặng quà Tết bằng tiền hay không? Khi nhận quà bằng tiền bị cáo có suy nghĩ gì hay không? Ở lần nhận tiền thứ hai, nếu không phát hiện vụ Công ty Việt Á bị khởi tố, bị cáo có yêu cầu phòng chuyên môn lập biên bản và niêm phong hay không? Nếu không có suy nghĩ tư lợi, tại sao không báo cáo lãnh đạo?”. Bị cáo Lành im lặng...

Còn bị cáo Đẳng (cũng hai lần nhận tiền từ Việt Á) khai rằng, lần thứ nhất cũng là quà Tết, Trần Tiến Lực (nhân viên Việt Á) đã liên hệ xin số tài khoản ngân hàng để chuyển quà Tết và bị cáo đã cung cấp để Lực chuyển tiền. Riêng lần nhận tiền thứ hai là gặp trực tiếp đưa với lý do “chống dịch vất vả nên công ty bồi dưỡng”.

Sau đó, chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của Trần Tiến Lực về việc đưa tiền cho các bị cáo: “Đều có gọi điện thoại với cả 3 bị cáo nói là: công ty có phần tiền hậu mãi tặng do chống dịch cực khổ”. Khi đó, các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai ngày 19 - 20/2.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên