Cựu giám đốc sàn BĐS: Mới ngày nào mặc vest tiếp khách VIP, lái ô tô đi giao dịch nhà đất kiếm tiền tỷ...giờ đây, mặc quần đùi hái rau, nuôi lợn kiếm sống qua ngày
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến hàng loạt sàn môi giới đang phải sốt lay lắt hơn 1 năm qua chính thức phá sản, nhiều môi giới bỏ nghề đi làm thuê kiếm sống qua ngày, giám đốc sàn cũng rơi vào thảm cảnh trả mặt bằng, bỏ phố về quê sinh sống.
Dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đã trở thành thách thức lớn cho các môi giới. Thời điểm giữa năm 2020 đã có đến 80% sàn giao dịch phá, dừng hoạt động.
Đầu năm 2021, khi thị trường vừa khởi sắc các sàn giao dịch gắng gượng chút sức còn lại để hoạt động thì bỗng làn sóng dịch covid-19 xuất hiện, cuốn phăng đi tất cả. La liệt sàn môi giới đóng cửa vĩnh viễn, môi giới đã phải bỏ phố về quê làm thuê kiếm cơm qua ngày, nhiều giám đốc sàn trước mặc vest, đi ô tô sang trọng giờ tay trắng.
Nếu trong đợt dịch đầu năm 2020, nhiều môi giới non kinh nghiệm vẫn tìm được cách kiếm tiền sống qua ngày khi tạm thời chuyển sang làm shipper, bán hàng online tuy nhiên khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện, ngay cả những nghề kiếm cơm hàng ngày cũng trở nên khó khăn vì giãn cách, không trụ nổi ở thành phố, nhiều người đành bỏ nghề, bỏ phố về quê.
"Sống lay lắt ở Hà Nội suốt 1,5 năm với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Đầu năm 2021 khi thị trường bất động sản có tín hiệu nóng sốt, tôi và một nhóm anh chị em môi giới dốc sạch tài khoản để chạy quảng cáo tìm khách, nhưng vừa chạy xong thì dịch bệnh, khó khăn khắp nơi, không dễ gì chốt được, lỗ trắng tiền quảng cáo, đành khăn gói về quê ăn bám gia đình...", chị Nga, một môi giới ở Hà Đông chán nản kể.
Không chỉ môi giới, nhiều sàn BĐS cũng tan tác, giám đốc phải tuyên bố phá sản, bỏ sàn về quê. Anh Lê Văn Nam, 42 tuổi, quê ở Bắc Ninh, từng là chủ một sàn môi giới bất động sản Hà Nội, cho biết cuối năm 2020 anh đã bỏ phố về nhà làm trang trại sau khi đóng cửa sàn, trả lại mặt bằng.
"Năm 2013-2016 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phất lên cũng là lúc tôi ăn nên làm ra. Tách ra làm riêng chỉ 1 năm tôi đã huy động được nhóm 60 anh em thân thiết và lập sàn chuyên phân phối bất động sản ven biển. Có những tháng sàn của tôi kiếm vài tỷ hoa hồng, hàng bán đắt như tôm tươi.
Nhưng tôi không ngờ bước sang 2018 khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lao dốc, sàn chúng tôi bắt đầu vật lộn với khó khăn. Tôi chuyển dần từ phân phối bất động sản nghỉ dưỡng sang bán chung cư, nhà đất ven đô, cố gắng gượng qua thời gian khó khăn. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, do không chuyên phân khúc nhà ở, thị trường cạnh tranh khốc liệt nên doanh thu kém. Dịch dã, giãn cách liên miên khiến việc phân phối càng trở nên khó khăn, tiền vốn tiền lãi kiếm trước đây bị ăn mòn bởi các chi phí thuê văn phòng, lương trợ cấp cho anh em môi giới. Cuối cùng không trụ được tôi đành giải thể sàn, về quê sống", anh Nam tâm sự.
"Chỉ mới đây thôi hàng ngày tôi vẫn lái ô tô, tiếp toàn khách VIP, quân cán lên đến 50-60 người. Đến bây giờ, xe đã bán trả nợ, anh em trong sàn mỗi người đi một phương. Còn chút vốn, tôi về quê, làm trang trại sống tạm qua ngày. Nghĩ đến tình cảnh hiện tại, hàng ngày lại lăn lội ruộng đồng, nuôi lợn thả cá mà ứa nước mắt, nhớ nghề, nhớ đồng hữu. Chỉ mong dịch nhanh kết thúc thị trường sáng trở lại để lại theo đuổi niềm đam mê đất cát", anh Nam cho biết.
Dù nhiều sàn phá sản, môi giới bỏ nghề nhưng vẫn có nhiều môi giới có thâm niên đã từng kiếm đậm và có khoản tích lũy tốt vẫn đang cố gắng hàng ngày bám trụ với nghề. Đối với anh Thanh, một môi giới kỳ cựu phân khúc BĐS ven đô cho biết anh đã từng kiếm được tiền tỷ ở cơn sốt trước nên khi dịch bệnh ập đến nên anh vẫn có sẵn nguồn tích trữ. Đã mấy tháng trời không có khách, không chốt được giao dịch nào nhưng anh vẫn có cách xoay sở bám trụ với nghề.
"Bằng kinh nghiệm của mình, tôi dồn một ít vốn sang chứng khoán, chơi thận trọng kiếm tiền sinh hoạt hàng tháng, chờ bất động sản tốt lên", anh Thanh cho biết.
Cũng giống anh Thanh, Thắng Huy – một môi giới bất động sản tại một sàn BĐS lớn tại Hà Nội chia sẻ đã hơn 1 tháng anh phải làm việc tại nhà. Nhiều người nghĩ nghề môi giới bất động sản thì sẽ không có nhiều việc để làm khi giãn cách nhưng thực chất nếu là một môi giới năng động sẽ có rất nhiều việc để làm.
"Có nhiều thời gian hơn nên mình chịu khó tương tác với khách nhiều hơn trước. Mình rà lại danh sách khách hàng tiềm năng có được trong thời điểm giãn cách và dự định khi giãn cách kết thúc sẽ lên lịch gặp mặt trực tiếp khách hàng, dẫn khách đi xem dự án. Theo mình, khi tất cả mọi người đều ngồi yên vì lý do gì đó thì bạn hãy cứ khởi động. Vì khi mọi người bắt đầu đứng lên để di đi thì bạn đã có sẵn đà để chạy trước rồi", anh Huy cho biết.
Môi giới này cũng chia sẻ: "Mình cũng thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, tình hình dịch bệnh tại nơi khách hàng đang sống bởi hiện có rất nhiều khách hàng đang bơ vơ, dịch bệnh phức tạp họ cũng đang lo lắng về khoản đầu tư bất động sản đã mua trước đó liệu giá có bị giảm. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm nhiều nhà đầu tư cần sự động viên, cần lời tư vấn và chia sẻ của môi giới. Có được niềm tin của khách hàng trong lúc khó khăn cũng là cách bạn nắm trong tay những khách hàng tốt nhất khi thị trường phục hồi".
Quan sát thực tế cho thấy, nhiều môi giới hiện chuyển sang bán nhà đất online, dù khó nhưng không phải không chốt được giao dịch. "Từ khi dịch xảy ra, kênh tôi tương tác với khách hàng qua zalo là chính. Nhờ chuẩn bị khá chu tất thông tin, hình ảnh, clip giới thiệu dự án, kết nối được đội ngũ mối giới rộng lớn nên nguồn hàng của tôi tăng thêm. Đặc biệt, thời gian này có những bất động sản chủ nhà bán giá rẻ do cần tiền gấp nên vẫn có khách mua. Tiền hoa hồng phải chia nhiều người, không được là bao nhưng có thu nhập ở thời điểm này là tốt lắm rồi", Lan Hương một môi giới bất động sản lâu năm trong nghề cho biết.
Mặc dù lạc quan, Hương cũng rất lo lắng bởi trong tay cô đang có nhiều hợp đồng đặt cọc nhưng nhiều tuần nay không thể hoàn tất giao dịch do giãn cách, trụ sở, văn phòng công chứng cũng tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ. Cô rất sợ nếu lâu dài dịch bệnh không được kiểm soát có thể khách hàng sẽ cảm thấy chán nản và thay đổi quyết định.
Trước những khó khăn, thách thức của nghề môi giới, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có rất nhiều sàn bị phá sản vì không chống đỡ được COVID-19.
"Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa biết bao giờ sẽ dừng lại, do đó phải xác định rõ tư tưởng rằng ngành nghề môi giới bất động sản thậm chí còn có thể thê thảm hơn bây giờ. Nhưng tất cả chỉ là ngắn hạn, một khi dịch bệnh được kiểm soát thị trường như một chiếc lò xò bật dậy mạnh mẽ, đây cũng là lúc những môi giới tâm huyết, đã "nếm mật nằm gai" trong giai đoạn khó khăn hưởng quả ngọt", ông Đính cho biết.