Cựu kỹ sư của Apple: Siri quá cồng kềnh để có thể giống như ChatGPT
Một cựu kỹ sư của Apple nói rằng trợ lý giọng nói Siri của công ty không có cơ hội cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.
- 10-03-2023'Chúa tể hắc ám' Apple: Đối tác sợ tới mức không dám nhắc tên, tự tạo ra 'luật rừng' bất di, bất dịch trong giới công nghệ
- 09-03-2023Sa vào “cuộc hôn nhân bất hạnh nhất thế giới” với Samsung, Apple vùng vẫy "ly hôn" trong vô vọng
- 08-03-2023Quốc gia mà 'vua điện thoại’ Apple, Samsung phải chịu thua Vivo, Xiaomi, iPhone bị người dân kỳ thị
John Burkey, cựu kỹ sư của Apple, người được giao nhiệm vụ cải tiến Siri vào năm 2014 và rời công ty vào năm 2016, trong một buổi phỏng vấn mới đây đã chia sẻ rằng thiết kế cồng kềnh của Siri sẽ gây khó khăn cho việc thêm vào các tính năng mới.
“Siri có thể trả lời các câu hỏi đơn giản như thời tiết hôm nay ra sao, hay bạn có thể bật bài hát này được không", Burkey cho biết. Và hệ thống làm điều đó bằng cách rút ra các thông tin từ cơ sở dữ liệu với kho dự trữ lớn các từ như địa điểm nhà hàng và tên nhạc sĩ. Do đó, Siri chỉ có thể hiểu một số yêu cầu hạn chế. Điều đó có nghĩa là các kỹ sư phải thêm từ mới vào cơ sở dữ liệu của nó để mở rộng khả năng của trợ lý cá nhân này.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng với góc nhìn của Burkey thì cơ sở dữ liệu của Siri chính là "một quả cầu tuyết lớn". Ông cho biết việc thêm các cụm từ mới có thể mất tới sáu tuần vì cần phải đại tu toàn bộ cơ sở dữ liệu. Do đó, việc tích hợp thêm các tính năng nâng cao giống như ChatGPT có thể mất khoảng một năm. Và ông cũng cho biết ngay cả việc cập nhật các tính năng cơ bản của Siri cũng có thể mất hàng tuần vì hệ thống mã lập trình phức tạp và lỗi thời của nó.
Apple đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Quan điểm của Burkey về Siri xuất hiện khi chatbot AI ChatGPT hiện đang chạy trên GPT-4 , mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất của nó. Và giới công nghệ cho rằng với các khả năng ấn tượng của nó, hệ thống AI mới có nguy cơ khiến các công nghệ trợ lý giọng nói trở nên lỗi thời.
Satya Nadella, CEO của Microsoft, công ty gần đây đã rót 10 tỷ USD vào OpenAI, cũng nói với Financial Times trong tháng này rằng so với ChatGPT, các trợ lý giọng nói như Siri và Alexa của Amazon chỉ đơn giản là "câm như hến".
Đồng tác giả của Siri, Adam Cheyer cũng đồng ý với quan điểm này. Ông nói với Financial Times rằng khả năng của ChatGPT để làm những việc như viết bài luận và phát triển mã lập trình khiến các trợ lý giọng nói hiện tại trông thật ngu ngốc.
Nhiều người dùng Siri thậm chí cũng đang bày tỏ quan điểm tương tự. Trên Reddit, nhiều người đã hỏi những câu như "Tại sao Siri lại ngu ngốc như vậy" hay "Có phải Siri ngày càng ngu ngốc hơn mỗi năm không?"
Siri không phải là trợ lý giọng nói duy nhất đang gặp khó khăn. Một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy bộ phận Alexa của Amazon đã lỗ hoạt động hơn 3 tỷ USD vào năm ngoái.
"Alexa là một sự thất bại to lớn của trí tưởng tượng", một cựu nhân viên của Amazon chia sẻ. "Đó là một cơ hội bị lãng phí."
Giống như Amazon, Google đang gặp khó khăn trong việc tạo ra doanh thu đáng kể với trợ lý của mình. Tuy nhiên, Amazon và Google sẽ tiếp tục xây dựng và bổ sung các khả năng mới cho trợ lý giọng nói của họ, đại diện của mỗi công ty cho biết.
Còn đối với Apple, các nhân viên trong nhóm Siri của họ được cho là đang thử nghiệm các mô hình ngôn ngữ AI, mặc dù chưa có sản phẩm nào được công bố.
Tham khảo BI
Tổ quốc