'Cứu' nền kinh tế thế giới tốn bao nhiêu tiền? Hãy tưởng tượng về việc bạn tiêu hết 834 triệu USD trong 1 giờ
834 triệu USD/giờ trong 18 tháng, đó là số tiền các ngân hàng trung ương đã bỏ ra để mua trái phiếu kể từ khi đại dịch bùng phát, theo các chiến lược gia của Bank of America. Ước tính, chỉ riêng Fed đã chi tới 4 nghìn tỷ USD.
Thông kê của các chiến lược gia đến từ BofA đã cho thấy "bức tường tiền" lớn chưa từng có đã giúp các doanh nghiệp tồn tại trong thời gian phong toả vì đại dịch và đà thăng hoa của thị trường chứng khoán diễn ra như thế nào.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan cho đến nay, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chi tới 9 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. "Làn sóng" tiền đó đã biến Cục Dự trữ Liên bang (Fed), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BOJ) trở thành những "con cá voi" trên thị trường, nâng tổng giá trị tài sản mà họ đang nắm giữ lên 24 nghìn tỷ USD.
Số tiền các ngân hàng trung ương đã chi để "cứu nền kinh tế" khi so sánh với vốn hoá của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Trưởng nhóm chiến lược gia Michael Hartnett cho biết: "Các biện pháp kích thích lớn đã gây lạm phát cho các loại tài sản trên Phố Wall."
Fed đã mua một lượng lớn trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp, nhiều hơn so với các NHTW khác, với kỳ vọng hỗ trợ một lĩnh vực vốn đã gây rất nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trên thực tế, số tiền Fed chi cho loại tài sản này đủ để mua hơn 1 triệu căn nhà ở New York. Một số quan chức Fed cho rằng chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp chính là lĩnh vực họ cần giảm quy mô trước tiên.
Trong khi đó, ECB và BOJ lại đưa ra hướng đi tích cực hơn với các khoản vay, giúp các doanh nghiệp hoạt duy trì hoạt động, người lao động giữ được việc làm và ngăn chặn tình trạng nợ xấu chồng chất đối với các ngân hàng. Hiện tại, ở Nhật Bản, khoản vay mới được triển khai sẽ hỗ trợ mọi doanh nghiệp ngừng hoạt động kể từ mùa thu năm 2003 chi trả các khoản nợ.
Khi các ngân hàng trung ương có sự hiện diện quá lớn trên thị trường trái phiếu và chi phí đi vay buộc phải giảm xuống, thì 16 nghìn tỷ USD trái phiếu lợi suất âm đang được giao dịch. Đó cũng là một phần lý do tại sao các nhà quản lý tài sản cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua cổ phiếu.
Rõ ràng rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn hiện tại nếu các NHTW không nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính. Hơn nữa, các chính phủ sẽ không thể tài trợ cho các khoản chi tiêu về y tế và phúc lợi nếu không có sự trợ giúp của NHTW.
Tuy nhiên, nhiều loại tài sản như cổ phiếu công nghệ và bất động sản cùng những người sở hữu đã ghi nhận lợi nhuận tốt hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người lao động trong năm qua. Fed cũng công bố dữ liệu cho thấy người giàu đang trở nên giàu hơn và người nghèo thậm chí tiếp tục tụt lại phía sau trong thời kỳ đại dịch.
Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã mua trái phiếu và bảng cân đối kế toán hiện còn lớn hơn quy mô nền kinh tế. Trong khi đó, Fed và ECB sẽ phải tiếp tục mua tài sản với tốc độ hiện tại trong nhiều năm mới có thể "đuổi kịp" BOJ. Do đó, có thể thấy, họ có thể vẫn chưa vượt quá "room" chính sách.
Đối với các nhà đầu tư, câu hỏi lớn đặt ra là các ngân hàng trung ương có thể giữ dòng tiền này duy trì mạnh mẽ trong bao lâu. Tại cuộc họp gần đây nhất của Fed, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã đồng tình rằng việc giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu có thể bắt đầu vào cuối năm nay.
Trong khi đó, sự bùng phát của biến thể Delta có thể trở thành lực cản. Tại New Zealand, ngân hàng trung ương đã buộc phải tạm ngừng việc nâng lãi suất khi quốc gia này phong toả trong 3 ngày. Song, nhóm chiến lược gia của BofA chỉ ra: "Nhà đầu tư lại không sợ hãi trước những động thái của các ngân hàng trung ương."
Tham khảo Bloomberg