MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu sĩ quan Mỹ: Việt Nam ra mắt máy bay huấn luyện có 2 điểm vượt T-6C Mỹ, mở cơ hội quý cho Không quân

30-12-2024 - 07:50 AM | Tài chính quốc tế

"Tính linh hoạt tuyệt vời" - Cựu sĩ quan Không quân Mỹ Christian D. Orr nói về mẫu máy bay huấn luyện đầu tiên trong lịch sử sản xuất tại Việt Nam.

Tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 tổ chức tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 19-23/12 vừa qua, sự xuất hiện của máy bay huấn luyện – tuần tra quân sự TP-150 "Make in Vietnam" đã thu hút sự chú ý lớn của truyền thông quốc tế.

Đây là sản phẩm hợp tác giữa công ty Flying Legend Italy và Flying Legend Vietnam, đánh dấu mẫu máy bay huấn luyện đầu tiên trong lịch sử được sản xuất tại Việt Nam và là mẫu máy bay đầu tiên do một công ty tư nhân ở Việt Nam sản xuất.

Cựu sĩ quan Mỹ: Việt Nam ra mắt máy bay huấn luyện có 2 điểm vượt T-6C Mỹ, mở cơ hội quý cho Không quân- Ảnh 1.

Máy bay huấn luyện TP-150 "Make in Vietnam" tại triển lãm quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Flying Legend

Toàn bộ khung thân của TP-150 đều được hoàn thiện tại Việt Nam. Máy bay được giới thiệu có trần bay 7.000m, tốc độ cất cánh 100km/h, vận tốc tối đa 300km/h, trọng lượng cất cánh tối đa 750kg và trang bị động cơ phun nhiên liệu Rotax 915iS công suất 150 mã lực, cho phép sử dụng cả các nhiên liệu thông thường như xăng A95.

Theo tạp chí Army Recognition (Bỉ), TP-150 được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của lực lượng không quân trong việc đào tạo phi công với hiệu quả chi phí cao, và "rất có thể sẽ trở thành máy bay huấn luyện tiếp theo của quân đội Việt Nam".

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai phía, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 5 máy bay huấn luyện T-6C thế hệ mới do Mỹ sản xuất. Đây là 5 trong tổng số 12 chiếc T-6C mà Mỹ đã cam kết sẽ chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2024-2027.

Để làm rõ hơn các tính năng ưu việt của TP-150 và sự phù hợp của mẫu máy bay này đối với nhu cầu của Không quân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Christian D. Orr – cựu sĩ quan Không quân Mỹ, đồng thời là một chuyên gia quân sự với các bài bình luận sâu và đa chiều trên các tạp chí chuyên ngành như National Interest, 19FortyFive…

2 điểm TP-150 "vượt trội" T-6C

Theo ông Orr, cảm nhận đầu tiên về TP-150 là mẫu máy bay huấn luyện "Make in Vietnam" cho thấy "tính linh hoạt tuyệt vời".

"Ấn tượng ban đầu của tôi về TP-150 là mẫu máy bay này cho thấy tính linh hoạt tuyệt vời khi có thể hoạt động hiệu quả trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau, như đường bê tông, đường rải nhựa hay có cỏ, sỏi. Như tôi được biết, mẫu T-6C của Mỹ không có mức độ linh hoạt như vậy" – Ông Orr nói.

Bên cạnh đó, theo ông, TP-150 có lợi thế là khung máy bay mới hơn khoảng 10-12 năm so với T-6C, giúp giảm bớt những lo ngại về sự hao mòn khung máy bay.

"Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mẫu máy bay này vừa có chi phí mua ban đầu tương đối rẻ, vừa có chi phí bảo dưỡng thấp" – Cựu sĩ quan Mỹ bình luận.

Cựu sĩ quan Mỹ: Việt Nam ra mắt máy bay huấn luyện có 2 điểm vượt T-6C Mỹ, mở cơ hội quý cho Không quân- Ảnh 2.

Cũng theo ông Orr, có một điểm rất đặc biệt: Cơ sở và nguồn cảm hứng cho Flying Legend chế tạo TP-150 chính là mẫu Embraer EMB Tucano 312 của Brazil. Đây là một mẫu máy bay đã chứng minh được hiệu quả cao trong thực tế.

Theo chuyên san Aircraft – Naval Ship của Éditions LELA PRESSE, một nhà xuất bản chuyên về lịch sử hàng không và hàng hải, EMB Tucano 312 là mẫu máy bay đầu tiên trong phân khúc máy bay huấn luyện turbin cánh quạt có buồng lái và hệ thống điều khiển tương đương với các máy bay chiến đấu hiện đại, cũng như có đủ sức mạnh để thực hiện các thao tác tốc độ cao giống như các máy bay huấn luyện phản lực.

Tính đến nay, hơn 660 chiếc đã được sản xuất để phục vụ tại 16 quốc gia, và 7 quốc gia trong số này đã đưa EMB Tucano 312 vào triển khai trên tuyến đầu. Mặc dù được biết đến nhiều nhất với vai trò máy bay huấn luyện, EMB Tucano 312 đã cung cấp năng lực phòng thủ tiền tuyến cho các quốc gia như Paraguay và Honduras. Sau gần 35 năm phục vụ, máy bay này vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Cơ hội đào tạo phi công với hiệu quả chi phí cao

Nhận định về khả năng TP-150 được Không quân Việt Nam lựa chọn, ông Orr lưu ý rằng, những điểm vượt trội nêu trên khiến TP-150 trở thành sự bổ trợ lý tưởng cho T-6C trong trang bị của Không quân Việt Nam.

Theo vị chuyên gia, TP-150 có thể được sử dụng để huấn luyện phi công giai đoạn 1, còn T-6C phù hợp với huấn luyện nâng cao.

Các máy bay huấn luyện như dòng T-6 có thể mô phỏng các đặc tính xử lý của máy bay phản lực, đòi hỏi cao hơn so với hầu hết các máy bay huấn luyện cơ bản, cho phép thách thức năng lực của học viên phi công một cách nghiêm ngặt hơn và được đánh giá chính xác hơn.

Cựu sĩ quan Mỹ: Việt Nam ra mắt máy bay huấn luyện có 2 điểm vượt T-6C Mỹ, mở cơ hội quý cho Không quân- Ảnh 3.

Lễ bàn giao máy bay huấn luyện T-6C tại Phan Thiết, Việt Nam ngày 20/11. Ảnh: Không quân Mỹ

"TP-150 chưa được thử nghiệm thực tiễn nhiều, còn T-6C đã được biết tới với danh tiếng vững chắc và hiệu suất đáng tin cậy" – Ông Orr nhận định.

Tuy nhiên, ông lưu ý thêm rằng, TP-150 mang tới cho Không quân Việt Nam cơ hội quý để đào tạo phi công với hiệu quả chi phí cao, do mẫu máy bay này có lợi thế về cả chi phí mua sắm và bảo dưỡng.

Trước đó, trả lời báo giới tại triển lãm, ông Nguyễn Hoài Nam - Nhà sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Flying Legend Vietnam tin rằng, nếu được sử dụng trong huấn luyện phi công ở Việt Nam, TP-150 sẽ góp phần hiện đại hóa đội bay và tăng cường năng lực huấn luyện đào tạo phi công lái máy bay trong nước. Mẫu máy bay này dùng cho huấn luyện phi công quân sự và có thể áp dụng trong hàng không dân dụng.

Theo tạp chí Forcast International (Mỹ) chuyên cung cấp dữ liệu về lĩnh vực hàng không và quốc phòng, nhiều quốc gia trên thế giới đang có xu hướng trang bị các loại máy bay huấn luyện giá rẻ với hệ thống điện tử hiện đại để tối ưu chi phí.

Việc kết hợp các hệ thống bay mô phỏng với máy bay huấn luyện trong thế giới thực cho phép phi công thực hành liên tục trong môi trường ảo và thực tế theo thời gian thực, từ đó giúp tiết kiệm đáng kể phí nhiên liệu và bảo dưỡng.

Cựu sĩ quan Mỹ: Việt Nam ra mắt máy bay huấn luyện có 2 điểm vượt T-6C Mỹ, mở cơ hội quý cho Không quân- Ảnh 4.

Cận cảnh máy bay huấn luyện TP-150 Việt Nam được lắp ráp, hoàn thiện trong nhà máy tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Flying Legend

Trong khi đó, bình luận riêng về TP-150, tạp chí Army Recognition nhận định thêm rằng, mẫu máy bay này được thiết kế cho cả nhiệm vụ huấn luyện phi công và tuần tra. Với khung nhôm và hệ thống càng hạ cánh siêu bền, TP-150 "là máy bay lý tưởng để huấn luyện các phi công mới trên đường bằng cỏ hoặc rải nhựa đường".

Ngoài ra, khả năng thực hiện các động tác nhào lộn cơ bản và bay theo đội hình khiến nó trở thành mẫu máy bay huấn luyện tiên tiến.

Mô hình hợp tác cho ra đời mẫu máy bay này "rất phù hợp với mục tiêu phát triển ngành hàng không và tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam thông qua quan hệ với các đối tác châu Âu nổi tiếng" – Tạp chí Bỉ kết luận.

Theo Minh Nhật

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên