MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu sinh viên Bách Khoa du học ở Canada: Kể tường tận cuộc sống nơi xứ người, lớ ngớ là mắc bệnh phong thấp, sưng phổi

03-11-2021 - 13:24 PM | Sống

Để sinh sống, học tập tốt nơi xứ người, du học sinh sẽ phải chuẩn bị trước nhiều điều.

Trong cộng đồng du học sinh, Lê Hùng Phi là cái tên khá nổi tiếng. Dù đã có vợ con nhưng chàng cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM vẫn quyết tâm du học Canada ở tuổi 32. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực, anh đã giành được suất học bổng du học, sau đó đạt loạt thành tích đáng nể:

- Xếp loại học tập luôn đạt A, A , đạt liên tiếp 5 học bổng và đạt 3 job offers ở Toronto khi còn chưa tốt nghiệp.

- Đạt chứng chỉ CELPIP 9.0 tại Canada (tương đương IELTS 8.0) và bằng TESOL (chứng chỉ đủ điều kiện để trở thành gia sư dạy tiếng Anh cho chính người nước ngoài).

- Đạt điểm thi GPA là 4.35/4.5 và đủ chuyên môn trở thành một gia sư tiếng Anh.

Cựu sinh viên Bách Khoa du học ở Canada: Kể tường tận cuộc sống nơi xứ người, lớ ngớ là mắc bệnh phong thấp, sưng phổi - Ảnh 2.

Anh Lê Hùng Phi.

Lê Hùng Phi cũng đạt mục tiêu phải có thẻ xanh trong 5 năm. Nhờ loạt thành tích học tập tốt, anh đủ điều kiện để xin hồ sơ cấp thẻ định cư. 5 tháng sau khi hồ sơ được xử lý, anh chính thức trở thành những thường trú nhân của Canada và đón cả gia đình sang nước ngoài sinh sống. Hiện tại, anh đang là kỹ sư cho một công ty vận tải tại Canada và là gia sư tiếng Anh tại nhà. Từ kinh nghiệm học tập của mình, anh Hùng Phi cũng hỗ trợ tư vấn, lập kế hoạch du học và định cư cho các bạn trẻ.

Nói về chủ đề "Những điều cần biết để thích nghi với môi trường sống ở Canada", anh Lê Hùng Phi đã có chia sẻ rất chi tiết, dựa trên chính kinh nghiệm thực tế của mình. Với mong muốn giúp ích cho những bạn trẻ đang có ý định du học ở xứ sở lá phong, chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của anh:

1. Nơi ở

Nội trú – Ký túc xá (Residence/Dormitory): Nhiều trường đại học và Cao đằng Canada có ký túc xá nằm trong khuôn viên hoặc gần trường. Các ký túc xá cũng thường được trang bị nhà bếp, phòng tắm và giặt ủi để sử dụng chung.

Hầu hết các ký túc xá đều trang bị đầy đủ các tiện ích sinh hoạt. Tuy nhiên, cũng có một vài nơi, học sinh phải tự trang bị những vật dụng trong nhà như khăn trải giường, chén bát, hoặc dụng cụ nấu nướng.

Hãy liên lạc với văn phòng phụ trách ký túc xá nơi trường bạn học để biết thêm thông tin chi tiết. Ngoài ra, tiền thuê phòng khác nhau tuỳ theo trường. Thông thường, chi phí chỗ trong ký túc xá sẽ mắc hơn rất nhiều so với bạn thuê phòng ở ngoài, mà sinh hoạt đi ra vào cũng không được thoải mái, nhất là những bạn có người yêu.

Homestay: Nhiều gia đình Canada đón nhận du học sinh quốc tế ở trọ. Không ít lời đồn cho rằng đây là cách hiệu quả để học sinh học tiếng Anh và cách sinh hoạt hàng ngày ở Canada, nhưng thật ra cuộc sống ở Canada bận rộn nên cũng không ai rảnh để ngồi trò chuyện cả ngày giúp bạn tăng khả năng Tiếng Anh, ngoại trừ việc bạn tự học và chủ động giao tiếp ở trường lớp, chỗ làm thêm.

Homestay bao gồm các bữa ăn và phòng riêng cho học sinh ngay trong gia đình chủ nhà và học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động trong gia đình. Nhà trường có thể sắp xếp những gia đình phù hợp với sở thích của học sinh khi được yêu cầu. Chi phí cũng tương tự ký túc xá, khoảng 1400 CAD/ tháng, bao gồm ăn 3 bữa.

Cựu sinh viên Bách Khoa du học ở Canada: Kể tường tận cuộc sống nơi xứ người, lớ ngớ là mắc bệnh phong thấp, sưng phổi - Ảnh 3.

Thuê nhà bên ngoài (Room or Apartment) (Thuê nhà bên ngoài khuôn viên trường học):  Thường thì tại các văn phòng tìm chỗ ở tại trường bạn đang học sẽ có dán danh sách nhà đang cho thuê hoặc bạn có thể tìm trên Kijiji, hay Facebook Group cho thuê nhà. Các trường không kiểm tra nhà cho thuê, học sinh phải tự kiểm tra, chọn lựa và thương lượng với chủ nhà để chọn chỗ ở thích hợp cho mình.

Tiền thuê nhà trung bình khoảng 500 CAD/ phòng mỗi tháng, tuỳ theo địa điểm. Thuê nguyên căn hộ hoặc basement 2 phòng ngủ là khoảng 1500 CAD/ tháng. Bạn có thể thuê chung với bạn bè để chia sẻ phần chi phí. Bạn cũng có thể thuê những căn hộ chung cư, loại chỗ này thường chỉ có bếp, nhà tắm, 1 - 2 phòng ngủ và không bao gồm bàn ghế hoặc các bữa ăn. Nên nhớ hợp đồng thuê nhà cần phải được xem xét cẩn thận từng điều khoản trước khi ký tên.

2. Đồng hồ sinh học

Những ngày đầu tiên ở Canada là những ngày bạn cần tạo cho đầu óc, cơ thể mình thích ứng với giờ giấc của xứ sở mới vì Canada trái múi giờ với Việt Nam từ 9 - 12 tiếng. Do đó bạn cần có thời gian 7 - 10 ngày đầu mới thích ứng hoàn toàn được. Ngày ở Việt Nam là đêm ở Canada nên bạn cố gắng đừng ngủ sớm quá ngay cả khi ríu mắt trong lúc đồng hồ chỉ khoảng 5 - 6 giờ chiều.

Nếu bạn đi ngủ giờ đó, bạn sẽ thức dậy khoảng 2 – 3 giờ sáng và mệt mỏi suốt ngày hôm sau. Cố gắng đi ngủ ngày đẩu khoảng 8 – 9 giờ tối, sau đó chậm dần lại cho tới khi quen giấc sinh hoạt.

3. Thích ứng với thời tiết

Mùa Đông đương nhiên là mối bận tâm lớn nhất, đặc biệt là khi bạn sang Canada đúng trong mùa này. Mùa Đông Canada thường bắt đầu khoảng cuối tháng 11 và chấm dứt khoảng tháng 4. Tuy nhiên, nhiệt độ thay đổi đáng kể theo vùng bạn sinh sống.

Ở vùng Vancouver, mùa Đông ẩm ướt, mây mù, ít khi có nắng mặt trời kéo dài. Nhiệt độ trung bình 0 – 10 độ C. Vùng Trung Tây (Manitoba, Alberta, Saskatchewan) trong lúc đó lại lạnh (có khi -30 độ C), khô và có nắng nhiều, tương tự vùng Ontario trung bình -20 độ C và Québec là tuyết nhiều và lạnh tương tự các tỉnh bang khác. Chung quy lại chỉ có Vancouver và Toronto là 2 thành phố ấm và được thành phố dọn dẹp băng tuyết nhanh gọn để đường xá sạch sẽ dễ lái xe.

Cựu sinh viên Bách Khoa du học ở Canada: Kể tường tận cuộc sống nơi xứ người, lớ ngớ là mắc bệnh phong thấp, sưng phổi - Ảnh 4.

Nhiệt độ thực ra không phải là thước đo chính xác duy nhất của "độ lạnh". Ở Canada, người ta thường tính thêm "yếu tố gió" (windchill factor) và độ ẩm (humidity). Một ngày có gió mạnh (60 – 80 km/giờ) cộng thêm nhiệt độ -20 độ có thể làm "độ lạnh" thực tế xuống đến -30 độ hay -35 độ.

Kinh nghiệm của mình là bạn thấy tuyết rơi thẳng xuống là sẽ không lạnh, mà rơi xéo hoặc có mưa nhẹ là sẽ rét nên chuẩn bị áo ấm mặc multi layers hoặc ở nhà cho lành. Nếu hôm nào có dự báo thời tiết black-ice trời mưa gây đóng băng trên đường thì tốt nhất đừng lái xe, hãy sử dụng bus/ subway hoặc ở nhà. Nếu phải đi bộ thì bạn nên đi trên tuyết đỡ trơn trượt hơn là đi trên đường bóng sẽ dễ trượt té. Hồi mới qua mình bị ngã 2 lần, cũng may không bị gãy tay hay bể đầu như mấy trường hợp mình thấy, nghe được.

Tóm lại, bạn cần che chắn thân thể mình chống lại gió và lạnh chứ không chỉ chống "lạnh" chung chung. Cần đội mũ che kín đầu, tai vì hơi nóng trong người bạn thoát ra ngoài 80% là theo hai ngõ này. Cần đeo găng (gloves), mang ủng cao (boot), quấn khăng choàng cổ (scarf) để tránh sưng phổi. Không nên vì lý do "thẩm mỹ" hay "thời trang" mà ăn mặc phong phanh, đi giầy cao gót, giầy thể thao, để đầu trần… trong mùa Đông. Bạn sẽ thấy tác hại của việc này sau khoảng 5 - 10 năm ở Canada mà biểu hiện phổ biến nhất là bệnh phong thấp và sưng phổi.

4. Đi lại

Các loại hình di chuyển liên tỉnh: Canada là đất nước rộng, nên ngành giao thông vận tải cũng rất phát triển. Bạn có thể di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác bằng các phương tiện vận tải phổ biến như máy bay, xe lửa, xe buýt và xe hơi riêng. Tất cả các phương tiện này đều rất tiện nghi và giá phải chăng, xe hơi thì rẻ nhưng bảo hiểm mỗi tháng giá cao cho những ai mới có bằng lái xe tại Canada.

Vận tải công cộng nội thành: Trong các thành phố lớn và trung bình của Canada, bạn chỉ nên di chuyển bằng xe buýt hay xe điện ngầm (metro, subway). Đây là phương tiện di chuyển phổ biến, an toàn nhất và có thể nói là tiết kiệm nhất (sau xe đạp). Vé một lượt khoảng 3,50 CAD và giá vé tháng khoảng 150 CAD (không giới hạn số lượt đi về). Nếu bạn trả tiền cho một lượt đi thì có thể dùng cà metro lẫn xe bus trên cùng một tuyến đường. Sống cuộc đời sinh viên, học sinh ở Canada là đồng nghĩa với di chuyển bằng bus và subway.

Cựu sinh viên Bách Khoa du học ở Canada: Kể tường tận cuộc sống nơi xứ người, lớ ngớ là mắc bệnh phong thấp, sưng phổi - Ảnh 5.

Có nên đi xe gắn máy không? Tất nhiên ở Canada cũng có xe gắn máy, moto phân khối lớn và xe đạp điện nhưng chủ yếu là phương tiện giải trí, thể thao và chỉ dùng được vài tháng Hè - Thu. Còn lại 6 tháng phải trùm mền và vẫn phải trả tiền bảo hiểm cả năm. Nhìn chung đi xe 2 bánh ở Canada khá nguy hiểm do tất cả phương tiện đều di chuyển tốc độ cao, chỉ cần té ngã là xác định thương vong.

5. Trang phục

Canada không phải là xứ sở của các loại quần áo thời trang nổi tiếng nhưng đây là nơi có các kiểu quần áo "thực dụng" nhất. Chính vì thế, bạn không phải lo tốn tiền quá nhiều cho "thời trang" của mình. Là sinh viên, học sinh, ăn mặc đơn giản, gọn gàng, hợp với điều kiện khí hậu thời tiết là đủ.

Mùa Đông: Đây là mùa "thử thách" cho các loại quần áo. Bạn chỉ nên mua quần áo ấm ở Canada cho hợp "thuỷ thổ", giá cả cũng phải chăng, nhiều lựa chọn. Căn bản nhất là: Áo choàng (coat), khăn choàng cổ, găng tay, giày ủng, mũ (nón). Trên xe bus, subway và các tòa nhà đều có sưởi ấm nên bạn chỉ thấy lạnh khi ở ngoài đường đi bộ hoặc đợi bus, còn khi vào lớp học, bạn bỏ quần áo khoác và các thứ lỉnh kỉnh khác của mình vào một ngăn tủ gọi là "locker". Tủ này có trong tất cả các trường học ở Canada. Không có ai ngồi học với áo choàng hay giày ủng trên mình vì các phòng đều có sưởi ấm.

Mùa Xuân - Hè - Thu: Vào tháng 4 - 11 bạn có thể cất đồ mùa Đông vào thùng chờ năm sau lôi ra mặc tiếp và lấy những chiếc áo khoác mỏng nhẹ hơn ra mặc. Mùa Hè ở Canada cũng nóng 30 - 35 độ C như ở Việt Nam; mùa Thu thì giống khí hậu ở thành phố sương mù Đà Lạt và Sapa. Do Canada xứ hàn đới, nên ngay cả trong mùa Hè, bạn cũng nên đem theo áo khoác mỏng khi đi ra ngoài vì nhiệt độ có thể thay đổi xuống thấp vào buổi chiều tối và có nhiều gió.

6. Ăn uống

Thức ăn Canada: Thức ăn Canada phản ánh nền văn hoá đa dạng của đất nước này. Món ăn "thực sự Canada" thì không nhiều, nhưng tôm hùm (lobster), cá hồi (salmon/ saumon), bò AAA, nước ngọt chiết xuất từ lá cây thích (maple/ érable) và trái blueberries (bleuets) và cherry là những thức ăn trong nhiều loại thực phẩm được xem là tiêu biểu của Canada.

Bữa ăn truyền thống của người Canada bao gồm thịt, khoai tây và rau. Thông thường người Canada không dùng nhiều gia vị. Một trong những điều thú vị trong ăn uống ở Canada là chúng ta có thể chọn thưởng thức những món ăn ngon nhất trong kho tàng ăn uống mà các sắc dân nhập cư mới mang đến. Bạn sẽ thấy những loại thức ăn nhanh được bày bán đủ khắp nơi trên thế giới Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Đông, Ấn Độ,...

Bạn cũng dễ dàng tìm thấy những nhà hàng hợp với khẩn vị của bạn. Riêng đồ ăn Việt Nam phần lớn được bày bán ở ChinaTown có trong hầu hết các thành phố Canada. Các siêu thị Á sẽ bán mọi thứ bạn cần, từ gạo, nước mắm, chả giò gia vị, rau thơm, các loại cá,... nhập khẩu từ trong nước, kể cả các loại thức ăn nấu sẵn như canh chua, cá lóc, cá kho tộ, nước mía rau má, khoai.

Ăn tại trường: Sinh hoạt của bạn chủ yếu là trong trường học, ít nhất là từ 7 – 8 giờ sáng đến 3 – 5 giờ chiều, tuỳ theo chương trình học của bạn. Việc ăn uống của bạn do đó liên quan mật thiết đến canteen của trường. Nếu trường của bạn là trung học (tư và công), Cao đẳng hay Đại học, bạn có thể ăn sáng, trưa và tối tại căn tin.

Bạn có thể chuẩn bị một hộp cơm (gọi là lunch box) đem theo từ nhà và dùng tại trường, đỡ tốn kém và hợp khẩu vị. Ăn nhà hàng thì tô phở hoặc cơm sườn trung bình giá khoảng 13 - 15 CAD/ phần gồm tax và tips. Đồ ăn khá nhiều theo khẩu phần ăn của dân bản xứ cho nên bạn dùng không hết có thể lấy hộp đem về, để dành cho bữa sau.

Bia, rượu: Nếu bạn đến từ một đất nước cấm rượu, bạn có thể thấy rằng luật hạn chế rượu ở Canada rất nghiêm khắc. Nói chung, luật pháp hạn chế việc mua và uống rượu. Bạn phải có ID khi vào LCBO hay Beer store để mua. Và chỉ được phép dùng bia rượu ở những nơi quy định (như nhà riêng, quán rượu, trong nhà hàng có giấy phép). Uống rượu ở nơi công cộng như công viên, đường phố, nơi mua sắm, hoặc trong xe hơi cho dù xe đang đậu đều bị cấm. Một số tỉnh cấm bán rượu ngày chủ nhật, sau 23 giờ và trong ngày bầu cử.

Cấm uống rượu khi lái xe: Ở Canada, lái xe khi uống rượu là phạm luật, bởi vì điều này gây nguy hiểm cho bản thân bạn và cho người khác. Cảnh sát có thể kiểm tra hơi thở để phát hiện rượu. Nếu say rượu và gây tại nạn, sẽ bị truy cứu hình sự và sẽ bồi thường cho người bị nạn những khoản tiền khổng lồ có thể lên đến hàng trăm ngàn đô và bị cấm lái xe lên đến 10 năm. Ngoài ra nó có thể triệt tiêu con đường định cư của gia đình bạn vì dính vào criminal record (hồ sơ tội phạm).

7. Chi tiêu - Mua sắm

Ngân hàng và máy rút tiền tự động ATM: Dịch vụ ngân hàng và máy rút tiền tự động là cách phổ biến trong các giao dịch thanh toán bằng tiền tại Canada. Thay vì mang theo tiền mặt, du học sinh nên mở tài khoản tại ngân hàng và dùng thẻ rút tiền tự động để thuận tiện, an toàn hơn. Giờ làm việc của các ngân hàng Canada thường từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Có nhiều dịch vụ cho khách hàng như: Đổi tiền, cho thuê két sắt để cất giữ hộ chiếu và các đồ đạc quý giá.

Credit card (Thẻ tín dụng – TTD): Học sinh - sinh viên có thể dùng thẻ tín dụng khi học tại Canada, tuy nhiên hãy cẩn thận khi mua sắm nhiều bằng TTD (on credit/ mua chịu) vì bạn sẽ có xu hướng tiêu tiền nhiều hơn và nhớ thanh toán đầy đủ mỗi tháng, tránh bị lãi suất rất cao (18 – 20%/ năm) và ảnh hưởng đến credit score (điểm tín dụng) – cực kỳ quan trọng để mai này bạn mượn tiền mua xe mua nhà.

Client Card (Debit card): Khi mở tài khoản tại ngân hàng, bạn sẽ được cấp một thẻ khách hàng hay còn gọi là thẻ thanh toán. Bạn dùng thẻ này để rút tiền mặt từ các máy ATM, thanh toán tiền mua hàng tại các siêu thị, tạp hoá, tiệm sách,... Khác Credit Card là thẻ này phải có tiền trong tài khoản bạn mới nhấn lên máy dùng được.

Personal cheques: Séc cá nhân dung phổ biến ở Canada. Đây là hình thức thanh toán đơn giản và tiện dụng nhất cho các giao dịch với các công ty lớn như trả tiền thuê nhà, điện nước, điện thoại, mua bảo hiểm y tế.

Money Order/ Bank Draft: Một số giao dịch hay một số nơi không nhận séc cá nhân, và bạn sẽ cần mua một dạng séc có bảo chứng gọi là "Money Order" hay "Bank Draft" (ngân phiếu) để thanh toán. Bất tiện của hình thức này là nếu mất, bạn sẽ tốn nhiều thời giờ để được hoàn tiền. Phí cho mỗi lần làm cái này mất khoảng 10 CAD.

Shopping Card (Thẻ mua hàng): Để cạnh tranh với thẻ tín dụng, nhiều cửa hàng lớn như The Bay, Canadian Tire, Walmart… phát hành thẻ mua hàng của mình, thường là Master Card có Cashback hoàn tiền và phát hành miễn phí thường niên cho khách hàng có đăng ký. Thẻ này chỉ có giá trị để mua hàng và trả chậm ở cửa hàng phát hành ra nó. Với thẻ này, bạn có thể ung dung đi mua sắm thoải mái mà không phải trả một đồng tiền mặt nào cả. Nhưng hãy cẩn thận nếu bạn không trả hết số tiền nợ thì sẽ phải chịu một lãi suất rất cao, có thể lên đến 30% năm, cách dùng Master Card tương tự Visa Credit Card.

8. Sử dụng điện thoại

Điện thoại nhà riêng: Hầu hết các gia đình Canada đều có điện thoại. Giá thuê bao hàng tháng thay đổi tuỳ theo hãng điện thoại (ở Canada kinh doanh dịch vụ điện thoại không có "độc quyền", trung bình khoảng 20 CAD/ tháng). Với sự phát triển của gói di động kèm Data nên giờ cũng ít người dùng điện thoại bàn và điện thoại công cộng. Bạn hãy kiểm tra các gói khuyến mãi của các hãng sẽ có gói thuê bao 35 - 60 CAD/ tháng, gồm data 5Gb dùng 4G và tặng 1 cái điện thoại mới. Nếu muốn lấy điện thoại Samsung & iPhone đời mới thì có thể phải trả thêm 20 - 30 CAD trả góp mỗi tháng.

9. Sử dụng Internet

Các loại hình dịch vụ Internet: Là sinh viên, học sinh du học, bạn không thể thiếu Internet trong sinh hoạt của mình. Với Internet bạn có thể liên lạc gia đình qua video call, email, tìm kiếm tài liệu học tập, tán gẫn khi rãnh rỗi với bạn bè gần xa,... Tất nhiên việc đầu tiên là bạn phải có máy vi tính, từ đó bạn kết nối với Internet. Tại Canada, một trong những xứ sở "nối mạng" lớn nhất thế giới, bạn có nhiều lựa chọn về phương thức kết nối với Internet.

Internet Wifi tốc độ cao: Nhiều công ty Canada cung cấp dịch vụ cho phép kết nối 24/24 với Internet trọn gói thuê bao khoảng 60 - 70 CAD/ tháng tốc độ cao 100 - 150 Mbps. Ở Canada có hãng HD Telecom là của người Việt mình làm chủ đầu tư. Tổng đài có người Việt trực nên bạn nào mới qua mà kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh chưa tốt có thể tự tin liên hệ dịch vụ nhé.

10. Làm việc tại Canada

Giấy phép làm việc: Học sinh quốc tế theo học tại các chương trình sau trung học (Cao đẳng, Đại học) được phép làm việc 20 giờ/ tuần trong khuôn viên trường và được làm toàn thời gian trong mùa hè mà không cần xin giấy phép. Các bạn học English ESL sẽ không được làm việc. Khi tốt nghiệp ở một trường Đại học, Cao đẳng ở Canada với chương trình học full time 2 năm trở lên, bạn sẽ được cấp Work Permit (giấy phép làm việc) 3 năm. Đây là thời gian tuyệt vời để gia đình bạn có cơ hội định cư tại Canada sau khi làm đủ 1 năm kinh nghiệm.

11. Tổng đài 911: Cấp cứu - Cứu hỏa - Cảnh sát

Khác với Việt Nam, cấp cứu ở Canada là động tác "một cửa". Bạn chỉ cần quay điện thoại cho số "911" là sẽ có nhân viên cảnh sát, xe cứu hoả, xe cứu thương… chạy đến cho các tình huống khẩn cấp chỉ sau 2 - 3 phút. Tổng đài trực 911 được tự động hoá, do đó nếu bạn gọi từ 1 điện thoại cố định, nhân viên tổng đài sẽ tìm ra được chỗ bạn gọi cho dù bạn không có cơ hội nói hết câu. Ở Canada có luật định phạt tiền (và có thể ở tù) đối với những người chỉ gọi đến 911 để đùa giỡn hay "báo động giả".

12. Bảo hiểm y tế

Chi phí y tế và bệnh viện rất cao, vì vậy bạn phải mua bảo hiểm ngay từ khi còn ở Việt Nam. Hầu hết bảo hiểm y tế đã bao gồm trong học phí của trường học, nếu bạn dẫn theo các thành viên gia đình để đi du học thì phải mua thêm gói bảo hiểm y tế của trường học cung cấp hoặc cty tư nhân. Bạn nên đọc kỹ các chính sách bảo hiểm để đảm bảo rằng bạn biết rõ bạn mua bảo hiểm loại gì và nó có thể giúp gì hoặc không thể giúp gì cho bạn. Tránh trường hợp có bầu rồi mới mua bảo hiểm hoặc nằm cấp cứu 5.000 CAD/ đêm mới chạy loạn lên hỏi mua bảo hiểm và cầu cứu quyên góp.

Bảo hiểm y tế cơ bản phải bao gồm chi phí bệnh viện, phẫu thuật, dịch vụ và nhân viên y tế phòng cấp cứu, y sỹ khám chữa bệnh, chuyên viên gây mê, phòng phẫu thuật, phòng hồi sức và nhân viên điều dưỡng, bệnh viện và nhân viên điều dưỡng. Các dịch vụ khác như phòng thí nghiệm, x quang, tiếp máu và cho đơn thuốc,...

Một số dịch vụ y tế không có bảo hiểm như chữa răng, mua kính đeo, kính thuốc, khám sức khoẻ định kỳ,... bạn phải tự chi trả. Bạn sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế và luôn nhớ mang theo mình. Việc sử dụng thẻ bảo hiểm của người khác là bất hợp pháp.

Nếu bạn mất thẻ bảo hiểm hãy báo ngay với văn phòng bảo hiểm y tế của nhà trường và địa phương. Bảo hiểm ở Canada chủ yếu tập trung cho các bệnh nặng cấp bách, các bệnh thông thường có thể phải chờ đợi rất lâu, đặc biệt là các phòng khám chuyên khoa hoặc chờ chụp hình MRI để chuyển tuyến từ Family Doctor sang Specialist.

13. Rời khỏi và quay lại Canada

Nhiều bạn vẫn lầm tưởng về Visa và Permit. Để có thể nhập cảnh vào được Canada bạn phải có Visa, nhưng để ở lại Canada theo hạn định bạn phải có Permit. Cho nên nếu chỉ ở Canada không phải xuất nhập cảnh trở lại bạn không cần làm mới Visa mà chỉ cần làm mới Permit thôi. Rất nhiều bạn về Việt Nam chơi cứ nghĩ là Permit còn hạn trong khi Visa đã hết hạn sẽ gặp rắc rối. Khi đến hải quan mà không có Visa, bạn sẽ phải mua vé bay trở về lại Việt Nam.

Điều này lý giải cho việc gia đình người thân của bạn được cấp Visitor Visa du lịch 10 năm, nhưng chỉ được ở tối đa tại Canada 6 tháng thăm thân nhân, nếu muốn ở lâu hơn bạn phải làm Super Visa cho cha mẹ thì họ có thể ở lại Canada tối đa 2 năm và được gia hạn thêm một lần tại Canada. Tất cả các trường hợp ở quá thời hạn cho phép tại Canada hoặc sai mục đích Visitor Visa (sang Canada sinh con lấy quốc tịch cho bé chẳng hạn) sẽ khiến bạn không thể làm mới được Visa vào lần sau.

Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên