Cựu thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội 3 lần lọt top 100 'hacker mũ trắng' thế giới
Chàng trai này cũng là người Việt Nam đầu tiên tìm ra lỗ hổng bảo mật của Facebook, được Facebook công nhận và trao thưởng 6.000 USD.
- 07-09-2022Bị nhắc nhở khi tổ chức liveshow, Tuấn Hưng cho rằng 'đây là ban công nhà riêng'
- 07-09-20224 hành động “chỉ điểm” người có thâm tâm khó dò: Nhận biết sớm để tránh xa
- 07-09-2022Người độc thân nấu ăn tại nhà liệu có rẻ hơn đặt hàng quán?
Từ thủ khoa đại học tới nhân viên An ninh mạng xuất sắc
Phạm Văn Khánh sinh năm 1992, xuất thân trong gia đình thuần nông ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Anh từng là Thủ khoa đầu vào đại học Bách khoa Hà Nội năm 2010, học chuyên ngành công nghệ thông tin, hệ kỹ sư tài năng.
Ngày đó, chàng thủ khoa từng chia sẻ ước mơ của mình là trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Lý do anh chọn theo đuổi ngành này một phần là vì tò mò với máy tính, tin học; một phần cũng vì ngành này phù hợp với tính cách của bản thân: “Bố mẹ tôi thích tôi thi ngành kinh tế vì sẽ dễ kiếm được nhiều tiền. Nhưng tôi nghĩ, làm nghề gì giỏi cũng sẽ kiếm được nhiều tiền. Tính tôi nhút nhát, thiếu năng động nên sẽ thích hợp hơn với những nghề cần sự cần cù, chăm chỉ.”
Từ sự tò mò về thế giới kỳ diệu của máy tính và các ứng dụng, trang web...giấc mơ khám phá thế giới công nghệ được chắp thêm cánh khi lên đại học, anh được một đơn vị tài trợ tặng chiếc máy vi tính. Dù bắt đầu muộn nhưng anh rất nhanh nắm bắt được giá trị khai thác của một chiếc máy tính có kết nối mạng.
Đến năm thứ ba đại học, Khánh bắt đầu công việc cộng tác viên bán thời gian với Viettel và sau đó xuất sắc vượt qua cuộc thi tuyển và trở thành nhân viên chính thức. Năm 2016, anh được bầu chọn là điển hình xuất sắc của Viettel.
Anh tâm sự: “Vừa làm vừa học giúp tôi biết nhiều hơn và yêu thích công việc luôn có những thách thức này.”
Chàng trai Việt Nam với tài năng vươn tầm thế giới
Công việc hiện nay của anh Khánh là nhân viên An ninh mạng. Chàng "hacker mũ trắng" phụ trách nghiên cứu tìm kiếm, phát hiện và cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thông tin, từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho công ty cũng như khách hàng.
Một ngày, đa phần thời gian của anh là ở bên chiếc máy vi tính. Công việc dù có những áp lực, và căng thẳng nhưng có cũng có những lúc hạnh phúc, chẳng hạn như lúc tìm ra lỗi mới. Anh cũng thường dành thời gian rảnh để tham gia tìm kiếm những lỗ hổng bảo mật như một thử thách thú vị dành cho bản thân. Cũng từ đây, anh đã phát hiện lỗ hổng bảo mật của Facebook, thực hiện tấn công thành công vào máy chủ của Facebook và được Facebook công nhận, trao thưởng 6.000 USD.
Tính tới thời điểm hiện tại, Khánh là trường hợp duy nhất tại Việt Nam phát hiện lỗ hổng của Facebook được ghi nhận. Anh bộc bạch về "chiến tích" của bản thân:
"Đánh giá khách quan thì mình thấy không phải quá xuất sắc, vì đã từng có rất nhiều người tìm ra lỗ hổng cho Facebook. Tuy nhiên, riêng cá nhân mình thấy đó là bước ngoặt đối với mình, vì mình có thêm niềm tin và động lực cho công việc cũng như niềm đam mê của mình sau này."
Không dừng lại ở đó, tài năng của anh thực sự được tỏa sáng khi 3 năm liên tiếp - từ 2019 đến 2021, anh lọt vào top 100 chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới do Microsoft vinh danh. Đặc biệt năm 2020, Khánh đứng thứ 19 ở bảng xếp hạng.
Ngoài thời gian ở công ty, anh cũng dành khá nhiều thời gian, nhất là về đêm để “dạo chơi” trên những diễn đàn quốc tế -nơi giao lưu của các chuyên gia máy tính.
Thử sức mình ở những sân chơi đẳng cấp quốc tế, Phạm Văn Khánh còn giành chiến thắng, góp phần đưa đội Việt Nam đoạt thành tích thứ 4/23 đội tranh tài ở cuộc thi tấn công mạng Pwn2Own 2021. Đây là cuộc thi uy tín và lớn trên thế giới - nơi các hãng công nghệ nổi tiếng sẽ đem các sản phẩm của mình làm mục tiêu trong các thử thách kiểm thử xâm nhập. Sân chơi này thu hút các chuyên gia bảo mật toàn cầu tham gia với mức thưởng lên đến hàng triệu USD.
Chàng “hacker mũ trắng” cho biết: "Tôi đã rất vui đạt được dấu mốc trong công việc khi lọt top 100 do Microsoft công bố; đồng thời xác định hướng đến những mục tiêu cao hơn như cuộc thi Pwn2Own có mức độ cạnh tranh cao hơn, số lượng giải thưởng ít hơn.”
(Tổng hợp)
Trí Thức Trẻ