Cựu trung tá công an thừa nhận tất toán khống 1.900 cây vàng của Ngân hàng Đông Á
Dù trước đó từng kêu oan, tuy nhiên, quá trình điều tra lại và xét xử tại tòa, Nguyễn Hồng Ánh thừa nhận mọi hành vi phạm tội liên quan tới việc tất toán khống 1.900 lượng vàng tại Ngân hàng Đông Á.
- 29-11-2018Xét xử đại án Ngân hàng Đông Á: "Xài" tiền dân gửi như của nhà mình
- 29-11-2018Vụ DongABank: Thanh tra và kiểm toán vào nhưng vì sao không phát hiện âm quỹ?
- 29-11-2018Ông Trần Phương Bình giải thích lý do người thân đứng tên mua cổ phần DAB
Chiều 29/11, phiên xử Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) và Phan Văn Anh Vũ (43 tuổi, Vũ "nhôm") và 24 bị cáo liên quan tới thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Trong phiên xét hỏi này, ông Nguyễn Hồng Ánh (cựu Trung tá công an tại TP HCM) lầm đầu được đưa ra chất vấn. Kết luận điều tra trước đây cho rằng ông Ánh có dấu hiệu phạm tội "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Hồ sơ này cũng kết luận rằng cựu trung tá công an "không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn" trong quá trình điều tra. Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị "xử lý ngiêm trong quá trình truy tố, xét xử".
Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung, ông Ánh bất ngờ nhận tội. Cáo trạng vụ án thể hiện ông Ánh có hành vi đề nghị ông Trần Phương Bình cho vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh vào đầu năm 2008.
Trong phần trả lời tại tòa, ông Ánh giữ nguyên lời khai nhận hành vi tất toán khống 1.900 lượng vàng của Ngân hàng Đông Á. Cựu Trung tá khai nhận: "Bị cáo có khoản tín dụng khoảng 85 tỷ đồng và một số khoản tín dụng khác 32 tỷ đồng cùng một số cổ phiếu. Bị cáo đang bị thu giữ một miếng đất ở Cần Giờ đứng tên Nguyễn Hồng Ánh, mua từ năm 2002 bằng tiền của bị cáo".
Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh thừa nhận mọi hành vi phạm tội.
Theo hồ sơ vụ án, Ánh quen thân ông Trần Phương Bình (59 tuổi, Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DAB), có thời gian dài vay vốn ngân hàng này. Họ cũng nhiều lần hợp tác kinh doanh bất động sản, mua bán cổ phần, cổ phiếu. Cuối năm 2007, lãi suất vay vàng rẻ hơn tiền, hai bên thống nhất chuyển các khoản vay thành vàng.
Cụ thể, hồi tháng 1/2008, ông Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng để hợp tác kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản với tài sản đảm bảo là nhiều bất động sản ở TP HCM cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.
Ông Trần Phương Bình sau đó phê duyệt đồng ý cho ông Ánh vay 2.000 lượng vàng trong hạn 12 tháng.
Khoảng 2 tuần sau, ông Ánh ký nhận nợ số vàng này. Khoảng 1 năm sau, ông Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng vàng cho ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên, cả hai bên chỉ tất toán khống trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại Ngân hàng Đông Á.
Đầu năm 2010, ông Ánh trả lãi 12 lần với tổng giá trị 100 lượng vàng và được ngân hàng làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho ông Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng. Sau đó, ông Bình bàn bạc với ông Ánh thống nhất để ông này nộp 32 tỷ đồng để được tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng (tương đương 53 tỷ đồng) tại Ngân hàng Đông Á.
Hồi tháng 8, vợ của ông này cũng đã nộp 500 triệu đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả cho chồng.
Trong vụ án này, ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Đông Á) đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần ngân hàng này, xuất quỹ 497,8 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ "nhôm" và mua cổ phần Ngân hàng Đông Á. Ông Bình cũng "rút ruột" 358,8 tỷ đồng của DAB để sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 467,8 tỷ đồng để chi lãi ngoài; 53,3 tỷ đồng để tất toán khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống 2,4 tỷ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỷ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại 611,6 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép làm Ngân hàng Đông Á "bốc hơi" 384,8 tỷ đồng .
Hậu quả từ các hành vi trên đã khiến DAB thiệt hại 3.608 tỷ đồng, trong đó hành vi Lạm dụng quyền hạn gây thất thoát 2.057 tỷ đồng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng. Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 3.568 tỷ đồng .
Trí thức trẻ