Đã bắt được Nguyễn Văn Tín trong ống cống trại giam
Phạm nhân Nguyễn Văn Tín đã bị bắt sau gần một ngày trốn khỏi nơi giam giữ.
- 03-11-2024Đại ca giang hồ Bình "Kiểm" bị bắt
- 03-11-2024Bắt tạm giam Phạm Bá Lĩnh
Sáng 3/11, báo VnExpress dẫn thông tin từ Trại giam Thạnh Hòa (Cục C10, Bộ Công an đóng tại huyện Thạnh Hóa) cho biết, phạm nhân Nguyễn Văn Tín, 32 tuổi, đã bị bắt sau gần một ngày trốn khỏi nơi giam giữ.
Cảnh sát phát hiện Tín đang trốn dưới cống thoát nước bên trong khuôn viên trại giam nên cử lực lượng phong tỏa hệ thống cống, vây bắt thành công.
Tín là đối tượng đang chấp hành án phạt tù về tội "Trộm cắp tài sản" với mức án 11 năm 3 tháng.
Tờ SGGP dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, từ giữa tháng 12/2017 đến tháng 3/2018, đối tượng Tín cùng 2 đối tượng khác thực hiện 18 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Công an Vĩnh Long đã lập chuyên án và bắt được Tín tại tỉnh Bình Dương. Trước đó, Tín từng có tiền án về tội "Trộm cắp tài sản" và "Cướp giật tài sản".
Trong thời gian phạm nhân Tín chấp hành án tù, ngày 2/11, giám thị trại giam phát hiện Tín không có mặt tại nhà giam sau giờ lao động nên đã ra quyết định truy nã, gửi các đơn vị liên quan về trường hợp người đang chấp hành án phạt tù trong cơ sở giam giữ bỏ trốn.
Hình phạt dành cho phạm nhân trốn khỏi trại giam
Theo Điều 42 Luật Thi hành án hình sự, khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy nã.
Trường hợp phạm nhân bỏ trốn nhưng ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, phạm nhân bỏ trốn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 386 Bộ luật Hình sự về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử.
Cụ thể, người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải sẽ bị phạt tù từ 3-10 năm.
Duy Anh
Đời sống và pháp luật