Đã có 4 nhà đầu tư nước ngoài 'ghi danh' làm cổ đông chiến lược Genco 3
Để sở hữu 36% vốn và trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp phát điện này, số tiền cần bỏ ra tối thiểu 18.425 tỷ đồng. Lãnh đạo EVN cho biết nhiều nhà đầu tư thậm chí mong muốn chi phối Genco 3.
Chia sẻ tại buổi giới thiệu đầu tư (roadshow) cổ phần Công ty mẹ -Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) tổ chức vào chiều 25/1, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua 36% vốn của doanh nghiệp, họ là những nhà đầu tư tầm cỡ thế giới đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Đông. Số tiền tối thiểu cần bỏ ra để sở hữu hơn 749 triệu cổ phần Genco 3 lên tới 18.425 tỷ đồng.
"Nhiều nhà đầu tư còn có mong muốn chi phối Genco 3", ông Tri cho hay.
Theo lãnh đạo EVN, với số lượng các nhà đầu tư tham gia, việc chào bán cho cổ đông chiến lược sẽ được thực hiện thông qua phương thức đấu giá vào ngày 15/3 tới, nghĩa là hơn một tháng sau khi phiên IPO được tổ chức vào ngày 9/2.
Trong lộ trình cổ phần hóa Genco 3, Thủ tướng yêu cầu EVN báo cáo sau 2 năm để xem xét giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức chi phối. Dựa trên khả năng các cổ đông của Genco 3 thực hiện đàm phán với ngân hàng cho vay để tái cấu trúc các khoản nợ.
Tại buổi roadshow, đại diện EVN cũng khẳng định tiếp tục phối hợp hết sức với các nhà đầu tư để mang lại giá trị tối ưu cho Genco 3.
Theo phương án được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt cuối tháng 12/2017, việc cổ phần hóa Genco 3 được thực hiện thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ông Đinh Quốc Lâm, Tổng giám đốc Genco 3, nhận định đây là phương án được đánh giá tốt khi có thể giữ lại được phần tiền cho công ty cổ phần.
“Phương án trên có đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư khi ngay từ đầu đã cho phép nhà đầu tư chiến lược có thể sở hữu 36% - tỷ lệ có quyền phủ quyết. Đồng thời, với việc phát hành tăng vốn, dòng tiền cũng được trở lại giúp hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty sau cổ phần hóa tốt hơn”, ông Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, việc không hạn chế nhà đầu tư chiến lược tham gia IPO cũng giúp tỷ lệ sở hữu mà nhà đầu tư chiến lược có thể nắm lên đến gần 49%.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Đinh Quốc Lâm, Genco 3 có tổng công suất 6.540 MW và là nhà phát điện lớn nhất trên thị trường, không kể ông chủ lớn cũng là công ty mẹ. Trong đó, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ là nhà máy có công suất lớn nhất tại trung tâm điện lực Phú Mỹ - trung tâm điện lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Khoảng 80% công suất điện hiện nằm tại miền Nam, đây đồng thời cũng là khu vực có nhu cầu sử dụng điện cao. Cùng đó, theo ông Lâm, bản thân công ty cũng hướng đến giảm chi phí để tăng tỷ suất lợi nhuận thông qua việc đang phát triển mô hình sửa chữa tập trung, nhằm chủ động kiểm soát chi phí.
Trong năm 2017, Genco 3 ước tính đạt 34.632 tỷ đồng doanh thu và 1.276 tỷ đồng lợi nhuận sản xuất điện, bằng 218,7% kế hoạch. Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, lợi nhuận trước thuế của Genco 3 ước tính đạt 746 tỷ đồng, tăng 99,8% cùng kỳ. Trong đó, dù Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn đang chịu lỗ nhưng Nhà máy điện than Mông Dương bắt đầu mang lại lợi nhuận, còn thủy điện Buôn Kuốp tăng lợi nhuận gấp 4 lần nhờ thời tiết thuận lợi.
Sang năm 2018, ngoài nhiệm vụ sản xuất điện năng, Genco 3 dự kiến khởi công 2 dự án điện mặt trời và triển khai các thủ tục đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn sử dụng khí đốt hóa lỏng tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
"Tùy vào điều kiện cụ thể, Evngenco 3 có thể xem xét đầu tư thêm các dự án điện mặt trời khác như điện mặt trời trên hồ thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, các dự án khác tại tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận; NMĐ 1.000MW tại Trung tâm Điện lực Tân Phước...", ông Lâm chia sẻ.
NDH