Đã có 5 tỷ USD làm đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ?
Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam (PNSI) cho biết đã ký kết với một đối tác Canada cho khoản vốn 5 tỷ USD để thực hiện dự án tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ mà không cần sự bảo lãnh của Chính phủ.
- 20-08-2017Trung Quốc đã biến hệ thống đường sắt quá tải, cũ kĩ thành siêu cường đường sắt cao tốc ra sao?
- 04-08-2017Tại sao một cường quốc như Mỹ lại không có đường sắt cao tốc như các nước phát triển khác?
- 02-07-2017Chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tỷ đô, di chuyển từ TPHCM đến Cần Thơ chỉ chưa đầy một giờ
Sáng 29/9, Cục Hàng hải Việt Nam và Sở GTVT TPHCM tổ chức hội nghị nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TPHCM đến các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang và Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, GS TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam cho biết tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ được nghiên cứu từ 8 năm trước.
Năm, 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo tiền khả thi của dự án. Hiện nay, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam (PNSI) đang khẩn trương hoàn tất báo cáo khả thi trình Bộ GTVT.
Đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài 139 km, được thiết kế tốc độ cao với khổ đường 1,435m, sử dụng điện mặt trời, điện gió làm năng lượng. Thời gian hành trình dự kiến khoảng 45 phút. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 5 tỷ USD, đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư PPP.
Toàn tuyến có 10 nhà ga (ban đầu thiết kế 12 nhà ga), đi qua 5 tỉnh, thành phố. Toàn tuyến có 50 cầu, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Cần Thơ (qua sông Hậu) và cầu Mỹ Thuận (qua sông Tiền). Toàn tuyến hầu hết là cầu cạn
Ông Trang nói cầu Cần Thơ ban đầu dự định làm đường hầm nhưng qua khảo sát thì địa chất không đạt. Bộ GTVT yêu cầu làm 2 tầng, vì đến năm 2025, dự kiến lưu lượng xe tăng cao nên đường sắt phải chia sẻ với đường bộ.
Theo thiết kế, mỗi nhà ga được xây dựng như một thành phố công nghiệp với quy mô dân số bằng một phường, xã.
“Chúng tôi đã đi qua những vùng không thể phát triển nông nghiệp. Khi triển khai dự án, người dân sẽ chuyển sang phục vụ sản xuất công nghiệp. Dự án sẽ sử dụng công nghệ mới như làm nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió… Chúng tôi đang làm việc với các tỉnh, thành phố để cuối năm trình chính phủ và nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2022 sẽ triển khai dự án. Vừa qua, chúng tôi đã ký với một đối tác Canada cho khoản vốn trị giá 5 tỷ USD mà không cần Chính phủ phải bảo lãnh”, ông Trang chia sẻ.
Tiền phong