Cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang hấp dẫn?
"Thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận tốt khi đầu tư vào một số cổ phiếu ngân hàng có mức giá thấp, bởi kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục diễn biến tích cực; áp dụng tiêu chuẩn Basel II và làn sóng góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng tăng quy mô tài chính, hoạt động an toàn…", đây là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế khi đánh giá về cổ phiếu ngân hàng.
- 25-07-2019Phó Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng giám đốc ngân hàng NCB mua vào 4,8 triệu cổ phiếu
- 25-07-2019Nhiều triển vọng tươi sáng ở NCB
- 24-06-2019NCB “bắt tay” với đối tác ngoại triển khai Dự án về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II
Triển vọng "sáng" cổ phiếu ngân hàng
8 tháng đầu năm 2019, các chỉ số, chỉ tiêu chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tích cực so với cuối năm 2018 và trong tương quan chung của các thị trường khu vực. Tính đến ngày hết buổi sáng 27/8, chỉ số VN-Index đạt 987 điểm, tăng trên 11% so với cuối năm trước; chỉ số HNX-Index đạt 103,5 điểm, tăng 0,1%.
Tính trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index tăng hơn 90% trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng tới 150% và liên tục thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường và hút dòng tiền mạnh.
Thời gian gần đây, dù có thời điểm thị trường giảm điểm nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục hút được dòng tiền trong những phiên tiếp theo. Một số cổ phiếu như VCB, TCB, TPB, MBB… vẫn tăng điểm bất chấp thị trường giảm điểm.
Vậy vì sao cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng có thể giữ được sự ổn định, hút dòng tiền mạnh hơn so với các lĩnh vực khác và căn cứ nào để các nhà đầu tư sẽ tiếp tục "bơm tiền" vào nhóm cổ phiếu này?
2 quý đầu năm 2019, hệ thống ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, để lại nhiều ấn tượng với đà tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao
Theo giới phân tích, nhìn vào kết quả kinh doanh giai đoạn 2017 - 2018 và 2 quý đầu năm 2019 thấy rằng, hệ thống ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, để lại nhiều ấn tượng với đà tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao. Đặc biệt, những ngân hàng có các công cụ và phương pháp quản trị rủi ro đạt chuẩn Basel II đã giảm thiểu chi phí, tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh.
Từ nay đến năm 2020, số lượng ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II sẽ tăng lên, bởi theo chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2020, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo chỉ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Chính vì vậy, thời gian tới, các ngân hàng nhỏ buộc phải tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và mở rộng kinh doanh, tăng tính cạnh tranh.
Theo báo cáo kinh doanh quý II/2019 của 25 ngân hàng, lợi nhuận của nhóm này hầu hết tăng mạnh. Tổng giá trị lợi nhuận của 25 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 53.076 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với nửa đầu năm ngoái. Nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức thấp 1,91%, giảm mạnh so với mức hơn 2% tại thời điểm cuối quý I/2019. Đặc biệt, chỉ số giá cổ phiếu/lợi nhuận (P/E) khoảng 12 lần, thấp hơn so với thời kỳ cao là 17-18 lần - đây được coi là điểm hỗ trợ, hấp dẫn dòng tiền đầu tư giá trị dài hạn tại nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn 2019 - 2020.
Nhờ hoạt động an toàn, hiệu quả từ bán lẻ và các hoạt động thu nhập ngoài lãi và chất lượng tài sản tốt nên cổ phiếu ngân hàng đã giữ được vị thế thời gian qua. Với các nhà đầu tư "ưa thích" sự an toàn trong trung, dài hạn, thì cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn tốt trong giai đoạn 2019 - 2021.
Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định góp phần vào sự tăng giá cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu ngân hàng. Trong khi tình hình kinh tế thế giới có những bất ổn như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Thời gian tới, khủng hoảng kinh tế chính trị tại nhiều nơi trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra thì kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mức cao và duy trì sự ổn định của tiền Đồng. Những điều này đã thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu ngân hàng nhỏ và mệnh giá thấp sẽ hấp dẫn nhà đầu tư
Theo khuyến nghị của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận tốt khi đầu tư vào một số cổ phiếu ngân hàng có mức giá thấp, bởi kinh tế vĩ mô cũng như môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục có những diễn biến tích cực; áp dụng tiêu chuẩn Basel II sẽ giúp ngân hàng hoạt động an toàn, bền vững hơn; và làn sóng góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các nhà băng tăng quy mô tài chính, gia tăng tính cạnh tranh. Trong bối cảnh này, giá trị thị trường của một số cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Cũng theo khuyến nghị của chuyên gia này, nếu đầu tư trung, dài hạn, nên nắm giữ một số cổ phiếu ngân hàng có giá "hấp dẫn" như STB, SHB, NVB. Đây là những mã cổ phiếu có cơ hội bật lên mạnh. Hiện cổ phiếu SHB chỉ có giá trên 6.000 đồng/cổ phiếu, của NVB là hơn 7.000 đồng và STB là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sự tăng trưởng ổn định, an toàn đang giúp NCB có được niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng và đối tác
Riêng với mã NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), theo phân tích của chuyên gia, thời gian gần đây, nhà băng này đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng vốn điều lệ của NCB đạt 4.000 tỷ đồng và đang trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ trong giai đoạn 2019-2020 với chiến lược thu hút vốn nhà đầu tư. Nợ xấu được đảm bảo ở dưới mức 3% trong khi lợi nhuận duy trì tăng tốt, riêng 6 tháng đầu năm tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Song song với đó, NCB cũng đang triển khai hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II nhằm tiến lên nhóm ngân hàng thương mại có quy mô vốn tầm trung và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang triển khai chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về hiệu quả, ứng dụng số và tạo sự khác biệt bằng mô hình nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Đến nay, sự tăng trưởng ổn định, an toàn đã giúp NCB có được niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng, đối tác cả trong và ngoài nước.
Trở lại với diễn biến chung của thị trường, theo chuyên gia, đầu tư chứng khoán không chỉ nhìn vào cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản lớn, có khả năng tăng điểm tốt, hay thu hút nhà đầu tư, mà tiềm năng cũng như sự phát triển trong thời gian tới của ngân hàng cũng là yếu tố quan trọng. Tiềm năng của ngân hàng thường thể hiện qua chiến lược kinh doanh, tiềm lực tài chính, quản trị rủi ro tốt… Ngoài ra, chất lượng, năng lực quản lý, quản trị của ban điều hành ngân hàng tốt cũng sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.