Đà Lạt: Nhiều vườn hoa cúc bị nhổ bỏ vì dịch bệnh
Bệnh đốm héo trên cây hoa cúc đang gây hại nghiêm trọng tại thành phố Đà Lạt. Cơ quan chức năng đang triển khai biện pháp để phòng chống.
- 15-04-2017Nông dân xuất khẩu hoa sang Nhật, Hàn
- 04-04-2017Hoa loa kèn rực rỡ sắc màu chào đón tháng tư
Hiện đã có hơn 120ha hoa cúc các loại trên địa bàn thành phố Đà Lạt bị nhiễm bệnh đốm héo, tập trung chủ yếu ở các phường 7, 8, 11 và 12. Trong đó, có gần 80ha diện tích hoa cúc bị nhiễm bệnh trung bình đến nặng, một số diện tích bị mất trắng hoàn hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, dịch bệnh này do một loại virus gây ra, ban đầu lá biến dạng nhỏ, lốm đốm vàng sau đó khô dần, phần thân cây bị nhiễm bệnh có màu nâu đen, khô và thối biểu bì. Dịch bệnh đốm héo trên cây hoa cúc vẫn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là trên các loại giống cúc đóa, saphir, kim cương trắng, xanh thái và vàng thái. Để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cần nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ diện tích đã nhiễm bệnh, chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác họ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết nói: “Đối với những vườn sản xuất, khi trồng mới thì phải sử dụng cây cúc sạch bệnh từ vườn ươm, cây giống uy tín, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất vườn, không có triệu chứng bị nhiễm bệnh. Sau đó vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy triệt để cây bị nhiễm bệnh, đặc biệt tuyệt đối không vứt bỏ tàn dư cây nhiễm bệnh trên rãnh luống, bờ ruộng hoặc các mương nước. Mặt khác, phải luân canh với các loại cây trồng khác họ, trồng hoa cúc thì không nên trồng nhiều vụ trên cùng một diện tích, bởi nếu trồng liên tục qua nhiều năm sẽ có điều kiện tích tụ dịch bệnh gây hại cho cây trồng”./.
VOV