MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Lạt, Phú Quốc ngập nặng: Du lịch đã tới hạn?

14-08-2019 - 08:12 AM | Bất động sản

Du lịch Việt phát triển tới hạn hay chưa cần sự đánh giá của các nhà kinh tế, văn hóa, du lịch, phải xem sự đánh đổi có xứng đáng hay không.

Những thiên đường về du lịch như Đà Lạt, Phú Quốc vừa trải qua đợt ngập lịch sử, một nghịch lý với đặc thù địa lý cao nguyên và đảo của các địa phương này.

Nguyên nhân chính được chỉ ra, đó là do tình trạng phát triển đô thị, xây dựng bất động sản diễn ra quá nhanh, quá ồ ạt nhưng lại thiếu quy hoạch dẫn đến ngập lụt ngày càng nhiều.

Có ý kiến cho rằng đây chính là một dấu hiệu cho sự phát triển tới hạn của du lịch Việt. Ngập lụt không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn nhận điểm trừ từ du khách.

Chia sẻ với Đất Việt, một chuyên gia du lịch giấu tên cảnh báo, tình trạng ngập lụt ở những nơi được coi là thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ không dừng lại mà ngày càng nặng nề hơn, đợt ngập lịch sử ở Phú Quốc, Đà Lạt vừa qua chỉ là cảnh báo đầu tiên.

Ông nhận xét: "Kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng có nhiều thế mạnh, trong đó thế mạnh lớn nhất là "mạnh ai nấy làm".

Tình trạng ngập úng là lời cảnh báo để chính quyền các địa phương xem lại cách phát triển thiếu bền vững của mình. Nếu không xử lý từ quy hoạch, quản lý đô thị thì những năm tới ngập sẽ còn nặng hơn nữa".

Đà Lạt, Phú Quốc ngập nặng: Du lịch đã tới hạn? - Ảnh 1.

Trong khi đó, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế cho biết, trong nền kinh tế, du lịch bao giờ cũng là ngành đi sau. Thông thường, kinh tế phát triển, các ngành nghề phát triển, dịch vụ xã hội tăng lên thì khi ấy du lịch mới phát triển.

Đối với tình trạng ngập lụt nặng một số thành phố du lịch như Đà Lạt, Phú Quốc, ông Phương cho rằng cần phải đánh giá cho rõ bao nhiêu phần trăm là do thiên tai, bao nhiêu phần trăm là "nhân tai".

Thông thường, khi quy hoạch, người ta phải nghiên cứu quy luật của tự nhiên trong vòng 50-100 năm rồi dựa trên đó đưa ra quy hoạch. Nhưng ở Phú Quốc, đây là trận mưa lớn và kéo dài nhất trong lịch sử 100 năm qua, đó là điều không lường được của tự nhiên. Vì vậy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế cho rằng "phải thông cảm" chỗ này.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận mà hội thảo, hội nghị nào cũng nêu ra, đó là quy hoạch của ta thiếu tính đồng bộ. Du lịch là ngành phát triển sau, quy hoạch có trước, giờ không theo kịp, do đó cần phải nghiên cứu lại, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

"Rõ ràng tầm nhìn của chúng ta trong vấn đề phát triển du lịch với chiến lược dài hạn vài chục năm phải xem lại. Cần kiểm đếm lại cái nào lỡ làm rồi thì phải sửa chữa, cái nào quy hoạch chưa tính tới thì phải đưa sự gia tăng của du lịch vào để tính toán cho phù hợp.

Ở đây là bài toán hiệu quả. Lâu nay người ta vẫn nói "phát triển nhanh bền vững", nhưng nhanh thì khó bền vững. Thế giới đã có một thuật ngữ mới là "phát triển tối ưu", nghĩa là phát triển phải có sự đánh đổi. Sự đánh đổi ấy - giữa cái được và cái mất ấy liệu có xứng đáng hay không, du lịch Việt Nam phải cân nhắc, lựa chọn", ông Vũ Hoài Phương nói.

Vì thế, trở lại với câu hỏi cho rằng: Liệu du lịch Việt Nam đã phát triển tới hạn hay chưa khi nhiều thành phố du lịch đang trả giá cho sự phát triển quá nóng dẫn tới hạ tầng không đồng bộ?, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, cần có sự đánh giá, kiểm đếm, xem xét của các nhà kinh tế, văn hóa, du lịch.

Theo tính toán của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tính đến tháng 7/2019, toàn bộ đảo Phú Quốc đang có gần 300 dự án với tổng vốn đầu tư 370.000 tỷ đồng. Trong đó phần lớn các dự án là bất động sản nghỉ dưỡng. Các bãi biển lớn và đẹp nhất của Phú Quốc như bãi Khem, bãi Dài, bãi Trường, bãi Gành Dầu… trước kia hoang sơ, rộng lớn thì nay đều được phân thành các lô hàng chục, hàng trăm ha chia cho các nhà đầu tư.

Điểm chung của các dự án đều là bất động sản nghỉ dưỡng với resort, khách sạn, biệt thự biển, shophouse. Để phát triển các sản phẩm này, các chủ đầu tư thường chiếm trọn bờ biển thành các khu vực biệt lập. Theo thời gian, dọc các bãi biển nhanh chóng biến thành "rừng bê tông" như những bức tường chắn ngang đường bờ biển.

Trong khi đó, tại Đà Lạt, các chuyên gia cho rằng, quy hoạch nhà kính, nhà lưới chưa hợp lý chính là nguyên nhân khiến Đà Lạt ngập sau vài ngày mưa lớn.

Chia sẻ với báo chí, KTS Lê Tứ - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhà kính chủ yếu được làm bằng các vật liệu không có khả năng thấm nước. Theo quy hoạch được duyệt, ở các vùng thượng nguồn, hạn chế tối đa việc sử dụng các vật liệu chống thấm, tăng diện tích thấm bằng cách trồng cây, giữ rừng, trồng cỏ…

"Hiện nay, việc nhà kính được đầu tư, phát triển tự do là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Hệ thống thoát nước của TP Đà Lạt được Đan Mạch tài trợ hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, vì sự bất hợp lý xây dựng nhà kính trên, mà chúng chưa phát huy hết được chức năng của mình. Để chúng hoạt động hiệu quả, cần quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới để giảm thiểu lượng nước dồn ra suối như vừa qua", ông nói.

Theo Thành Luân

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên