MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng áp tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm

Dự án tuyến đường vành đai phía Tây có tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3 km, được khởi công tháng 9/2018.

Dự án tuyến đường vành đai phía Tây có tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3 km, được khởi công tháng 9/2018.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu một loạt dự án chậm tiến độ phải hoàn thành đúng mốc thời gian cụ thể mà thành phố vừa đưa ra.

Nhiều dự án vướng mặt bằng

Là dự án sử dụng vốn đầu tư công, tuyến đường vành đai phía Tây có tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3 km, được khởi công từ tháng 9/2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2020. Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng, tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, đến nay, dự án này chậm tiến độ do vướng mặt bằng, thiếu khu tái định cư.

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) cho biết, dự án tuyến đường vành đai phía Tây triển khai qua nhiều năm trong khi chính sách đền bù của thành phố thay đổi từng năm, do đó khó khăn trong việc vận động hộ dân giải tỏa bàn giao mặt bằng theo giá cũ. Đồng thời, các khu tái định cư chưa triển khai trước hoặc song song khi thực hiện dự án dẫn đến chậm có đất tái định cư thực tế.

"Hiện nay còn 28 hồ sơ nhà đã ký biên bản bàn giao mặt bằng nhưng đến nay chưa tháo dỡ, UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các đơn vị vận động và hỗ trợ tháo dỡ để thi công hoàn thành trước ngày 30/5/2022. Đối với 95 hồ sơ tại nút giao thông QL14B, huyện chỉ đạo tiếp dân, vận động hoàn thành trong quý 3/2022", ông Tôn thông tin.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang mong muốn thành phố sớm đầu tư, tập trung triển khai thi công khu tái định cư phục vụ dự án Tuyến đường vành đai phía Tây tại các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú.

Tương tự, tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan được khởi công từ năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến nay, tuyến đường chạy dọc ven sông này của TP. Đà Nẵng cũng chỉ là những đường thẳng đứt đoạn, khi nhiều hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng.

Theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, nhiều dự án động lực, trọng điểm khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự vì ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng như: Tuyến đường Trục I Tây Bắc; Dự án nâng cấp cải tạo đường ĐT 601; Tuyến đường Vành đai phía Tây đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh. Hay các dự án cụm công nghiệp Hòa Nhơn, cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc…

Áp tiến độ hàng loạt dự án

Tại huyện Hòa Vang, với quỹ đất còn lớn, nên địa phương đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Cũng từ đó, huyện Hòa Vang đang phát sinh nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) thừa nhận, việc đảm bảo giải phóng mặt bằng cho dự án thi công gặp rất nhiều áp lực. Bởi trước khi triển khai dự án thì chưa chuẩn bị các khu đất tái định cư để bố trí cho các hộ giải tỏa hoặc có quy hoạch khu tái định cư nhưng chậm có đất thực tế.

Chưa kể, giá bồi thường về đất ở khi giải tỏa và giá đất nộp tiền sử dụng đất khi bố trí tái định cư hiện nay có sự chênh lệch quá lớn, chưa phù hợp với thực tế nên chưa được sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là những trường hợp thu hồi hết thửa nhưng chỉ được bố trí tái định cư 1 lô đất.

 Đà Nẵng áp tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng trong buổi kiểm tra thực tế tại dự án Tuyến đường vành đai phía Tây thành phố vào cuối tháng 4/2022.

Ngoài ra, công tác khớp nối quy hoạch tại địa phương chưa đồng bộ. Đơn vị tư vấn chưa đề xuất phương án để giải quyết các tác động của quy hoạch đến đời sống người dân. Nhiều dự án sau khi hoàn thành người dân không có lối tiếp cận với đường giao thông…

"Những điều đó khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi gặp áp lực lớn để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho dự án. Nhiều trường hợp người dân đã đồng ý nhưng không thể bàn giao mặt bằng vì thiếu đất tái định cư", ông Ngạnh chia sẻ.

Trước thực trạng các dự án trọng điểm chậm tiến độ so với kế hoạch, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký văn bản về tiến độ triển khai cụ thể các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách.

Chủ tịch Đà Nẵng giao người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án phát huy vai trò trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố trong việc xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc.

Đặc biệt, đôn đốc, triển khai, giám sát tiến độ thực hiện dự án (gồm các khâu: giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn tư vấn lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp,...), tiến độ giải ngân đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt kế hoạch được giao.

Danh mục kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể các dự án trọng điểm này gồm 9 dự án và 1 dự án thành phần đang triển khai thi công có vướng giải phóng mặt bằng; 14 dự án đang triển khai thi công không vướng giải phóng mặt bằng; 27 dự án và 2 dự án thành phần đang thực hiện công tác lập thiết kế bản vẽ thi công và chuẩn bị đầu tư.

Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu dự án Tuyến đường Trục 1 Tây Bắc phải hoàn thành trong tháng 6/2023; Tuyến đường nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 phải hoàn thành 9/2022; Dự án đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan hoàn thành trong tháng 9/2022; Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ QL14 đến đường Hồ Chí Minh phải hoàn thành vào tháng 9/2022; Dự án đường Vành đai phía Tây 2 phải hoàn thành tháng 12/2022…

Theo Thành Vân

Nhà Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên