Đà Nẵng – Đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam?
"Không khí ở sân bay Đà Nẵng làm cho tôi cảm thấy rất thoải mái. Đó là một tiềm năng rất lớn để hình thành Đô thị sân bay Đà Nẵng" - Giám đốc Nghiên cứu và Chiến lược sân bay của Tập đoàn NACO (Hà Lan).
- 08-04-2019Vì sao ACV được giao đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất?
- 22-03-2019Tháng 10 sẽ trình Quốc hội Dự án sân bay Long Thành
- 20-03-2019Thứ trưởng Giao thông chỉ hướng 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 10/4, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Mô hình phát triển và khai thác Cảng chính của Hà Lan”. Trong đó, vấn đề “Kế hoạch sử dụng đất Đô thị sân bay Đà Nẵng” được nhiều đại biểu rất quan tâm!
Thế nào là Đô thị sân bay?
Một nhóm chuyên gia từ cả hai thành phần kinh tế công và tư trong lĩnh vực phát triển cảng chính (TP sân bay, TP cảng biển, TP thông minh) đã được Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam mời tham dự hội thảo để chia sẻ về khái niệm “Cảng chính” dựa trên các kinh nghiệm và thành quả thực tế cả họ ở Hà Lan và trên toàn thế giới.
Ông Kris Pauwels, Giám đốc Nghiên cứu và Chiến lược sân bay của Tập đoàn NACO (Hà Lan) giới thiệu các ý tưởng về mô hình Đô thị sân bay Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Cùng với cung cấp nhiều thông tin về “Cảng chính Cảng hàng không Amsterdam Schipol, động lực kinh tế của TP và Vùng Amsterdam”, các chuyên gia quốc tế cũng đã tập trung vào vấn đề quy hoạch để phát triển cảng biển mới ở Đà Nẵng, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất đô thị sân bay Đà Nẵng – kết nối hoạt động đô thị, xã hội, giải trí và các hoạt động kinh tế quanh các điểm nút vận tải đa phương thức; các ngành và phân vùng ưu tiên…
Theo ông Kris Pauwels, Giám đốc Nghiên cứu và Chiến lược sân bay của Tập đoàn NACO (Hà Lan) chuyên về quy hoạch, thiết kế sân bay và quy hoạch các đô thị sân bay thì sân bay là nơi tập trung rất đông người và hàng hóa để vận chuyển từ nơi này sang nơi khác. Có thể mọi người đến sân bay bằng xe hơi, tàu hỏa… sau đó lên máy bay đi đến một nơi khác.
“Trong quá trình đó, rất nhiều người muốn sử dụng các dịch vụ ở sân bay. Vì vậy NACO tạo ra những tiện nghi như khách sạn, khu mua sắm, văn phòng và nhiều hoạt động dịch vụ khác, đem lại doanh thu và lợi nhuận rất lớn, đồng thời cũng tạo nên cái mà chúng ta gọi là Đô thị sân bay, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu!” - Ông Kris Pauwels giải thích.
Khái quát hơn, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn (Hoa Kỳ) với trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ cho hay, đô thị sân bay là một tiểu vùng đô thị, trong đó khu trung tâm bao gồm sân bay và các cụm công trình đô thị với chức năng đa dạng, được quy hoạch để phát triển bền vững trong mối tương quan mật thiết với phát triển sân bay. Hiện nhiều nơi trên thế giới như New Zealand, Sydney (Úc), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức)… đã hình thành các đô thị sân bay rất thành công.
Theo ông Kris Pauwels, mô hình “đô thị sân bay” giúp cho giữa phát triển TP và phát triển sân bay “đôi bên cùng có lợi”. Một trong những tác động kinh tế của mô hình đô thị sân bay là đem lại lợi nhuận cho sân bay; bên cạnh đó khu vực xung quanh sân bay cũng hưởng lợi rất nhiều, trước hết là từ lượng công ăn việc làm trực tiếp liên quan đến sân bay, ngành hàng không và gián tiếp (nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, ngân hàng, tư vấn…) mà các sân bay tạo ra.
Ông Kris Pauwels và TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn trao đổi tại cuộc hội thảo do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức sáng 10/4 (Ảnh: HC) |
Khó khăn nhất hiện nay để hình thành đô thị sân bay Đà Nẵng là gì?
“Tối hôm qua tôi mới tới Đà Nẵng và tôi đã nói với đồng nghiệp là tôi như đang đi nghỉ ngơi chớ không phải đi làm việc, bởi vì không khí ở sân bay Đà Nẵng làm cho tôi cảm thấy rất thoải mái. Đó là một tiềm năng rất lớn để hình thành Đô thị sân bay Đà Nẵng. Đồng thời, Đà Nẵng đang đặt mục tiêu phát triển ngành logistic, ngành IT, giáo dục… thì đây là những ngành rất quan trọng để phát triển đô thị sân bay!
Đô thị sân bay sẽ tạo ra cho Đà Nẵng một vị trí mang tính cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Cùng với đó, sự tích hợp trong sử dụng đất sẽ đòi hỏi sự kết nối liền mạch về quy hoạch TP và sân bay, từ đó có thể tập trung vào những khu vực, những ngành, những lĩnh vực để tạo ưu thế. Thứ ba là đô thị sân bay Đà Nẵng có thể đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế trong khu vực, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân!” - Ông Kris Pauwels nói.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, năm 2017, ông có chuyến tham quan và trao đổi kinh nghiệm với lãnh đạo các cơ quan quản lý sân bay và cơ quan tư vấn thiết kế sân bay quốc tế tại sân bay Charles de Gaule và Orly (Paris, Pháp), Frankfurt (Đức), Schiphol (Amsterdam, Hà Lan). Khi đó, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra một nhận định chung nhất về đô thị sân bay.
Theo đó, phát triển đô thị sân bay đang và sẽ là xu hướng phát triển tương lai, do đem lại các lợi ích khả quan về kinh tế, xã hội, môi trường, bản sắc… cho toàn khu vực, nhất là trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trên toàn thế giới và thu nhập từ hoạt động hàng không thuần túy không đủ để trang trải cho các chi phí nếu không được sự hỗ trợ của nguồn thu nhập từ các dịch vụ thương mại đa chức năng.
“Để phát triển quy hoạch đô thị sân bay tại Việt Nam, trong đó Đà Nẵng có thể sẽ là đô thị tiên phong trên toàn quốc, khó khăn nhất hiện nay không phải là vấn đề quy hoạch thiết kế xây dựng và kỹ thuật, hay các vấn đề về tính khả thi của dự án, mà là sự sẵn sàng đổi mới tư duy và ý chí quyết tâm thay đổi cơ chế cũ cho phù hợp hơn với xu hướng tiên tiến, hợp tác công – tư trong nước và nước ngoài trong nền kinh tế thị trường để cùng phối hợp thực hiện dự án Đô thị sân bay Đà Nẵng của các ngành, các cấp!” – TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu.
Định hướng phát triển Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045 Tại hội thảo, KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) đã giới thiệu khái quát về hiện trạng, nhu cầu và định hướng phát triển của các cảng tại Đà Nẵng (gồm Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa, quy hoạch Cảng Liên Chiểu, hệ thống hạ tầng phụ trợ như các KCN, Logistic, Khu Công nghệ cao – CNTT, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, đường chính TP) trong mối tương quan với định hướng quy hoạch chung TP Đà Nẵng. KTS Bùi Huy Trí nêu rõ, quan điểm của Đà Nẵng là phát triển TP theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trọng tâm; tập trung vào 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, trật tự an toàn xã hội. Ông cho hay, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ. Tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 12%/năm. “Mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến 2045 TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á!” – KTS Bùi Huy Trí nhấn mạnh.
Infonet